Sống khỏe

Iran rục rịch làm giàu nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân

TTO - Chính quyền Tehran tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình sản xuất nguyên liệu cho các máy ly tâm dùng để làm giàu uranium bắt đầu từ ngày hôm nay (5-6).

Iran rục rịch làm giàu nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Cơ quan nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết Iran đã gửi thư thông báo đến Cơ quan năng lượng và nguyên tử quốc tế (IAEA) về động thái trên.

"Iran sẽ thông báo rằng quá trình tăng năng lực sản xuất UF6 sẽ bắt đầu vào ngày 5-6", vị này tiết lộ đồng thời khẳng định Iran có khả năng sản xuất máy ly tâm dùng để làm giàu uranium. UF6 là nguyên liệu cho các máy ly tâm này.

Trước đó ngày 4-6, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố đã ra lệnh thực hiện các bước chuẩn bị để gia tăng năng lực làm giàu uranium nếu thỏa thuận hạt nhân kí kết với các cường quốc sụp đổ. Ông cũng khẳng định sẽ không chấp nhận giới hạn chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ký lệnh trì hoãn trừng phạt Iran và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ và được phát sóng truyền hình, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho biết, để chuẩn bị cho trường hợp Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu kí kết thỏa thuận không thể bảo vệ được lợi ích kinh tế của các nước này với Iran, ông đã ra lệnh cho Cơ quan Nguyên tử Iran sẵn sàng nâng cấp khả năng làm giàu uranium, tuy nhiên vẫn trong khuôn khổ của JCPOA.

Theo đó, các bước chuẩn bị cần phải được sẵn sàng càng sớm càng tốt để một khi tổng thống ra lệnh, hoạt động này có thể bắt đầu ngay ngày hôm sau.

"Kẻ thù của chúng ta không bao giờ có thể ngăn được tiến trình hạt nhân của Iran. Đó sẽ là cơn ác mộng của chúng nhưng điều đó sẽ không sớm xảy ra", Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố.

Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này thông qua việc tìm kiếm các biện pháp nhằm duy trì thương mại với Iran nhằm thuyết phục nước Cộng hòa Hồi giáo không rút khỏi JCPOA. Theo đó, EU đang cân nhắc đề xuất thiết lập những kênh thanh toán và tín dụng mới cho Iran, gia tăng hợp tác năng lượng và áp dụng luật cho phép các doanh nghiệp EU không phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.

Các nước châu Âu xem JCPOA có vai trò quan trọng trong ngăn chặn Iran chế tạo được vũ khí hạt nhân. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA hôm 9-5, Iran tuyên bố sẽ chỉ duy trì thỏa thuận nếu các nước tham gia ký kết còn lại bảo đảm Iran tránh được các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như dầu mỏ.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,405,729       2/927