TTO - Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh nói rằng việc mình chọn nghề y như một cơ duyên bởi gia đình Khánh cũng nhiều người thân làm nghề này. Và, cơ duyên ấy đã mang lại cho anh những thành công nhất định trong nghề nghiệp.
Bác sĩ Khánh thăm khám, hỏi han nữ bệnh nhân u xơ thần kinh khi người này vừa trải qua ca mổ - Ảnh: B.D
Từ đầu 2018 đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công hai ca đứt hẳn bàn tay. Đây là những ca vi phẫu được đánh giá là phức tạp, xác suất thành công không nhiều.
"Không nhiều người làm được "
" Những ca mổ của bác sĩ Khánh không phải hi hữu nhưng độ phức tạp rất lớn, những bác sĩ trử ở độ tuổi như Khánh không nhiều người có thể xử lý được. Chúng tôi biết năng lực của Khánh nên sẵn sàng giao nhiệm vụ. Điều rất mừng là Khánh đã làm rất tốt, những người trẻ mà có tay nghề như vậy là rất đáng khích lệ và có thể khẳng định Khánh là "bàn tay vàng", bàn tay bác sĩ trẻ có năng lực của bệnh viện".
Bác sĩ Lê Đức Nhân, giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng
Điều khá đặc biệt, người trực tiếp cầm kéo để giữ lại bàn tay ấy cho cơ thể bệnh nhân là một bác sĩ trẻ, vừa mới tiếp nhận công việc tại Khoa Ngoại - Bỏng, chỉ mới 3 năm.
"Cô như được sống lại, cám ơn các cháu, các y bác sĩ..."
Những ngày cuối tháng 5, các dãy hành lang của Bệnh viện Đà Nẵng ken kín người bệnh. Hôm chúng tôi tới Khoa Ngoại bỏng, ê-kip của y bác sĩ trong khoa của Khánh vừa mới phẫu thuật thành công ca cắt bỏ khối u xơ thần kinh nặng hơn 6kg cho một nữ bệnh nhân nghèo tại xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang.
Trên chiếc ga giường trắng toát, bệnh nhân này nói rằng mình bị u xơ từ nhỏ, khi lớn lên thì những khối u càng lớn dần khiến cuộc sống của bà trở nên khó khăn và dị biệt. Khi những khối u này ảnh hưởng quá nặng, như hai túi chì đeo lủng lẳng trên cơ thể thì bà mới đi tìm các bệnh viện để chữa trị.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sĩ rất đau lòng khi thấy thể trạng nặng nề, ốm yếu. Điều xót xa hơn là bệnh nhân này rất nghèo, đã đi nhiều nơi nhưng không được mổ.
"Cô như sống lại, cảm ơn các cháu, các bác sĩ đã tận tình hết sức vì cô" - bà A., người vừa được phẫu thuật - giọng run run.
Những giây phút căng thẳng trên bàn mổ
Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh từng tốt nghiệp tại Đại học Y Quảng Tây (Trung Quốc) và hoàn thành chương trình thạc sĩ sau khi trở về Việt Nam. Khánh nói rằng việc mình chọn nghề y như một cơ duyên bởi gia đình Khánh cũng nhiều người thân làm nghề này.
Những năm 2014-2015, Đà Nẵng có chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn, bác sĩ trẻ này đã gởi đơn và được chọn.
"Cho tới giờ thì mọi lựa chọn của mình để vào đây làm việc là đúng đắn. Một nơi không xô bồ và có quá nhiều tình cảm. Sự hỗ trợ của đồng nghiệp, các bác sĩ lãnh đạo và những người giỏi nghề là một môi trường lớn mà bất kỳ ai theo nghề y cũng mong muốn" - Khánh nói.
Hai lần được tuyên dương
Đã hai lần bác sĩ Khánh đã được Ban giám đốc Bệnh viện tuyên dương. Hai lần ấy đối với Khánh cũng là hai hành trang lớn trong quá trình rèn dũa tay nghề, tích luỹ kinh nghiệm và trực tiếp cầm giữ tính mạng cho người bệnh.
4 giờ sáng ngày 9-2, trùng vào thời điểm sát tết cổ truyền, Khoa Ngoại bỏng tiếp nhận một nam bệnh nhân 27 tuổi. Người này bị chém đứt lìa cổ tay, nhập viện trong tình trạng mất máu nặng. Phần tay bị đứt được đưa đến các bác sĩ trong một thùng đựng đá, phần tay này đã bị tê cứng, mất máu. Bệnh nhân đã trải qua 4 tiếng di chuyển.
"Lúc thăm khám, chúng tôi không còn nhiều cơ hội nữa. Phần tay đứt lìa bị bảo quản sai cách nên việc phẫu thuật nối ghép sẽ rất khó" - bác sĩ Khánh nhớ lại.
Bằng tinh thần tất cả vì sự sống bệnh nhân, ngay trong đêm ấy Ban giám đốc Bệnh viện đã hội ý và quyết định giao ca mổ cho bác sĩ Khánh làm chủ cùng sự hỗ trợ của ê-kip. Ca mổ kéo dài 8 giờ đồng hồ, căn phòng mổ được đóng kín và cả người nhà lẫn bác sĩ trải qua những giây phút đầy nghẹt thở.
Ca mổ kết thúc, khi thăm khám cho nam bệnh nhân này, các bác sĩ phát hiện phần nối đã có dấu hiệu ấm lại.
Sau ca mổ ấy, Ban giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng đã khen thưởng bác sĩ Khánh về sự thành công trong nỗ lực thực hiện ca mổ.
Và chỉ 3 tháng sau đó, bác sĩ Khánh lại một lần nữa được xướng tên trong lĩnh vực chuyên môn khi trực tiếp được giao và xử lý nối ghép thành công một ca đứt bàn tay khác.
Bệnh nhân nam này cũng đến từ Quảng Ngãi, không chỉ bị chém đứt lìa bàn tay, một tay khác của người này cũng bị chém gần lìa.
Và, thêm một lần nữa ca mổ lại được xử lý thành công.