Sống khỏe

Tư liệu Hán - Nôm mục nát: Bất lực và có lỗi với tiền nhân

TTO - Rất nhiều làng xã, dòng họ, gia đình của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang gặp phải thảm trạng là hàng loạt văn sách cổ quý của làng bị mối mọt và thời tiết làm mục nát, vô phương cứu chữa.

Tư liệu Hán - Nôm mục nát: Bất lực và có lỗi với tiền nhân - Ảnh 1.

Làm sạch một sắc phong ở làng Nghĩa Lập, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: VÕ VINH QUANG

"Bất lực và có lỗi với tiền nhân" là cảm giác của nhiều cụ già làng Nghĩa Lập, xã Vinh Phú, nằm trên vùng cát trắng ven đầm phá của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trong lần cùng đến mái đình rêu phong gần đây, chúng tôi chứng kiến các bô lão của làng đã vô cùng hoảng hốt khi 23 bản sắc, 3 bộ sách Hán - Nôm cổ và nhiều văn bản, khế ước được xem là "thần cốt", là bảo vật của làng trông qua như một mớ "bùng nhùng".

Gần phân nửa trong số đó bị mối mọt gặm nhấm là rách nát tả tơi. Một số văn bản chỉ còn giữ một phần, phần còn lại thủng lỗ chỗ xen lẫn với mục mủn.

Đặc biệt là những cuốn sách Hán - Nôm quý giá đã bị mục nát gần như hoàn toàn.

Tại các làng xã, tư gia, để bảo quản các loại tư liệu văn bản Hán - Nôm lâu bền cần phải tách rời từng tư liệu; đừng cuộn chung và buộc chặt. Tuyệt đối không ép nhựa tư liệu. Nên để trong hộp gỗ tốt, kín, bên dưới rải lớp hạt chống ẩm

Ông Bùi Xuân Đức (giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM)

Tình trạng đó cũng diễn ra tại làng biển Trung Đồng thuộc xã Điền Hương, huyện Phong Điền. Làng có 5 họ lớn là Lê, Trần, Văn, Nguyễn, Phan, vốn có rất nhiều sắc phong và văn bản Hán - Nôm quý giá được lưu truyền từ nhiều đời, nhưng tư liệu của 3 họ là Lê, Trần, Nguyễn đến nay bị hư hỏng gần như toàn bộ.

Trong đó, họ Phan được giới thiệu còn nhiều tư liệu nhất làng.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến trưởng họ Phan là ông Phan Huy Phú, ông nói như mếu rằng dòng họ ông hiện chỉ còn giữ được 8 văn bản, nhưng cũng không dám đụng vào vì trong tình trạng mục mủn, chỉ cần mạnh tay là rách nát, coi như... xong.

Cuối tháng 4, triển lãm "Tài liệu Hán - Nôm, bản gốc và bản số hóa" đã khai mạc tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên - Huế, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Có rất nhiều bô lão từ các làng mạc trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến xem trong sự xúc động trước những văn bản rất quan trọng của làng mình được "tái sinh" và trưng bày trang trọng.

Đây là một phần kết quả hợp tác làm việc giữa Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên - Huế và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM trong 10 năm (2009-2018), đã tiếp cận văn bản đang lưu giữ tại 14 phủ đệ, chừng 100 làng và khoảng 500 họ tộc, đền miếu, tư gia...

Một vị đại diện nhóm thực hiện cho biết rất đau lòng khi chứng kiến rất nhiều tài liệu vô cùng quý giá bị hư hỏng, rách nát, không đọc được chữ, không có cách gì số hóa và bảo vệ được. Thống kê bước đầu cho hay các loại sắc, chế, chiếu, lệnh... bị hư hỏng hơn 40%.

Các loại địa bạ, gia phả, văn cúng hư hỏng hơn 50% và các loại văn bằng hư hơn 60%... Kết quả là có gần 230.000 trang văn bản sao chụp, xử lý biên mục, xây dựng cơ sở dữ liệu số và phần mềm quản lý... Nhưng đó cũng chỉ là một phần trong gia sản Hán - Nôm mà các làng xã vùng Huế đang sở hữu. Phần còn lại thì không đủ thời gian lẫn tiền bạc, nhân lực để thực hiện.

Ông Đỗ Hữu Hà, giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện hầu hết các làng đều chọn cách bảo vệ các sách, văn bản Hán - Nôm, sắc phong thời xưa trong các ống nhựa, hòm bộ, hòm ân của làng từ năm này qua năm khác.

Cũng theo ông Hà, chính cách bảo vệ các văn bản cổ xưa ở các làng không đúng quy cách hiện nay chính là tác nhân làm giảm tuổi thọ lưu trữ, tình trạng mối mọt, mục nát, giòn, ẩm mốc diễn ra nhiều và nhanh hơn.

Văn học Hán Nôm ở Gia định - Sài Gòn Văn học Hán Nôm ở Gia định - Sài Gòn

TT - Ai là tác giả mở đầu cho văn học Hán Nôm Gia Ðịnh? Bài Hiếu trung hoài cô vịnh của Võ Trường Toản có gì đặc biệt? "Tự hình" Hán Nôm là gì? Vì sao Lục Vân Tiên được nhân dân Nam bộ ưa thích?

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,238,850       1/869