TTO - Trước khi 3 trường ĐH được chọn lập đề án thí điểm 'thoát ly' khỏi cơ quan chủ quản, Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội đã là trường ĐH đầu tiên và duy nhất trên cả nước không có cơ quan chủ quản.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân trong một buổi học. Đây là một trong ba trường được Bộ GD-ĐT chọn lập đề án thí điểm 'thoát ly' khỏi cơ quan chủ quản - Ảnh: NAM TRẦN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Xuân Hiệp - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội - cho biết:
- Trước khi trở thành trường công lập đầu tiên không có cơ quan chủ quản, ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội (được nâng cấp từ trường CĐ lên trường ĐH) trực thuộc Tập đoàn Dệt may VN. Tuy nhiên, năm 2015 tập đoàn cổ phần hóa, theo luật tập đoàn không thể là cơ quan chủ quản của một ĐH công lập.
Trong khi ở thời điểm đó, nhu cầu nhân lực ngành rất lớn mà lại rất thiếu. Trường được Thủ tướng cho phép thí điểm trở thành trường công lập đầu tiên không có cơ quan chủ quản.
* Cơ chế mới đã mở ra cho nhà trường những cơ hội gì, thưa ông?
- Thuận lợi chủ yếu đến từ đề án thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ mà Thủ tướng đã phê duyệt cho hơn 20 trường ĐH khác, trong đó có Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội.
Tính đến năm 2015, ở các trường công lập, đối với nhân sự hiệu trưởng, hiệu phó, chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được bổ nhiệm.
Khi được thí điểm tự chủ đồng thời với việc không có cơ quan chủ quản, hiệu trưởng do trường tự lựa chọn, Bộ Công thương chỉ làm động tác công nhận hiệu trưởng.
Còn lợi thế có được từ việc thoát ly cơ quan chủ quản, nhà trường chưa thực hiện được bao nhiêu do vẫn vướng luật.
Ông Hoàng Xuân Hiệp - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội
Cụ thể, từ năm 2011, hầu hết các khoản đầu tư lớn của nhà trường đều đến từ nguồn vốn tự tích lũy. Nhưng tuân thủ Luật đầu tư công, trường không có quyền quyết định.
Nguồn vốn nhà trường tự tích lũy vẫn được coi là nguồn vốn nhà nước nên vẫn phải trình cơ quan chủ quản quyết định.
Còn khi trường không còn cơ quan chủ quản thì theo đề nghị của Bộ Công thương, Thủ tướng có văn bản giao Tập đoàn Dệt may VN tạm thời quản lý những trường trước đây thuộc tập đoàn quản lý, trong đó có Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội.
Vậy là hồ sơ của trường vẫn được chuyển tập đoàn xem xét, quyết định. Lĩnh vực đầu tư hầu như cũng không khác gì trước đây và không khác so với các trường ĐH khác.
* Sau Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, hiện có thêm một số trường đang có cơ hội được thoát ly cơ quan chủ quản. Ông đánh giá mô hình này tác động thế nào đến hệ thống giáo dục ĐH?
- Đây là một chủ trương có tác động lớn đến hệ thống, giúp cả hệ thống chuyển động và tăng tính chủ động hơn.
Bằng trải nghiệm bản thân, từ khi nhà trường bỏ cơ quan chủ quản, tôi ở vai trò hiệu trưởng buộc phải năng động hơn, đối mặt với căng thẳng thường xuyên hơn để tính toán chi li từng việc.
Trước đây còn cơ quan chủ quản nhiều khi có tâm lý "bố lo cho con", nhưng nay phải tự lo hết. Trường yêu cầu giảng viên ở mỗi bài giảng đều phải có trách nhiệm giải đáp: sinh viên ra trường làm việc ở đâu, thu nhập của các em thế nào...
Cả đội ngũ chúng tôi nhận thức rõ: nếu đào tạo nguồn nhân lực không thực sự phục vụ nhu cầu xã hội, không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp thì trường không thể tồn tại được.
* Vậy theo ông, về lâu dài cùng với cơ chế này, phải có những chính sách nào đồng hành để các trường thực sự được "cởi trói"?
- Muốn cởi nút thắt, không có cách nào khác phải sửa luật. Với ví dụ đầu tư nêu trên, nếu Luật đầu tư công chưa sửa được thì có thể tìm cơ hội thay đổi từ việc sửa đổi Luật giáo dục đại học đang trình Quốc hội.
Trong dự thảo sửa đổi luật, chúng tôi đã thấy có điều khoản cho các trường tự chủ được tự quyết về đầu tư đối với những khoản do nhà trường tích lũy. Ngoài ra, cũng phải rành mạch trong các quy định ứng xử của các bộ, ngành với các trường khi không còn cơ quan chủ quản.