TTO - Sau khi chia tay, nhiều bạn trẻ khổ sở khi phải chịu cảnh người yêu cũ tấn công, phá hoại, thậm chí gây ra chuyện đau lòng.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tuổi trẻ Online trao đổi với Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (Cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ, TP.HCM) về vấn đề cách đối phó với kẻ lụy tình, cuồng yêu.
* Thưa bác sĩ, một số bạn trẻ có dấu hiệu lụy tình, điên tình như trường hợp chặt xác người yêu cũ ở Gò Vấp (TP.HCM) mới đây. Theo bác sĩ, đây có được gọi là một loại bệnh?
- Các nhà chuyên môn gọi trạng thái yêu như điên và ghen như cuồng này là hội chứng Adele - "hội chứng ám ảnh tình yêu" hoặc "cuồng yêu", được xếp vào nhóm rối loạn nhân cách theo "Sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần" của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM-IV).
Người mắc "bệnh" này bị ám ảnh, khao khát, dằn vặt về một mối tình hoàn toàn vô vọng.
Biểu hiện của bệnh giống chứng trầm cảm nhưng phức tạp hơn. Có người tự nguyện hy sinh, hy vọng hão huyền, bất chấp lời khuyên của người khác. Có trường hợp mất ngủ triền miên hoặc luôn mơ về người mà họ si mê.
Có người ngược đãi, tự lừa dối bản thân, tìm kiếm và lưu giữ mọi thứ liên quan đến người mình yêu, thậm chí hành động liều lĩnh đến mức điên cuồng.
Lụy tình sau khi chia tay sẽ khiến bạn có nguy cơ tự hủy hoại chính mình và người từng yêu - Ảnh: Toopanda
* Bệnh này có thể chữa khỏi không?
- Chứng này chỉ phòng được chứ khó chữa khỏi.
Thời gian qua, đã có nhiều vụ án mà nạn nhân bị kẻ cuồng yêu quấy rối đến khủng hoảng tinh thần, hoặc kẻ cuồng yêu suy sụp tâm lý phải điều trị tâm thần.
* Một số bạn trẻ muốn đối phó với những người lụy tình, cuồng yêu. Theo bác sĩ, họ cần dùng biện pháp nào?
- Hãy tìm hiểu kỹ trước khi ngỏ lời, hoặc nhận lời quen. Tham khảo ý kiến người có uy tín và trách nhiệm. Nếu đã yêu thì đình hoãn quan hệ tình dục cho đến khi kết hôn.
Kẻ lụy tình thường thể hiện qua những dấu hiệu: kiểm soát đối tượng một cách quá đáng, tỏ thái độ sở hữu khi người ấy gặp gỡ giao tiếp với người khác giới, luôn có cảm giác bất an khi người mình đem lòng yêu tiếp xúc với "ai đó", phóng đại tình cảm, luôn nghi ngờ, thậm chí hoang tưởng về lòng chung thuỷ của "người yêu"…
Hầu hết kẻ cuồng yêu thường mất lý trí, mất khả năng tập trung, không thấy mình bất thường mà chỉ cho rằng tất cả là do… quá yêu.
Khi biết "chân tướng" của kẻ lụy tình, từ chối phải hết sức mềm mỏng, khéo léo, tôn trọng, nếu không sẽ kích động đối tượng, có thể dẫn đến những phản ứng khó lường. Có trường hợp phải báo công an, bảo mật thông tin, thay đổi chỗ ở, thậm chí "đi biệt xứ".
* Ca khó nhất bác sĩ từng gặp về lụy tình là ca nào?
- Tôi không có cơ hội tư vấn cho những ca khó nhất, bởi vì họ đã kết thúc tuổi xuân của mình theo nhiều cách khác nhau.
Tôi chỉ giúp được những ca khó nhì, bằng cách khuyên nhủ bạn trẻ thận trọng trong yêu đương. Cố gắng trì hoãn việc quan hệ tình dục đến khi kết hôn, vì trong số những ca tôi biết, hơn 80% đã trao thân cho nhau và kẻ lụy tình cứ ngỡ "cái gì đã thuộc về tôi là không thể thuộc về ai khác", và thường có những hành xử cực đoan khi tình yêu bất như ý.