Sống khỏe

Bộ trưởng Tô Lâm: Công an chính quy về xã sẽ giúp tinh gọn bộ máy

TTO - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định nếu dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi được thông qua thì mỗi xã sẽ có bình quân 3-5 công an chính quy về công tác.

Bộ trưởng Tô Lâm: Công an chính quy về xã sẽ giúp tinh gọn bộ  máy - Ảnh 1.

Phiên thảo luật tổ về dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi chiều 7-6 có sự tham gia của bộ trưởng Tô Lâm - Ảnh: B.D

Theo tính toán, sẽ có 25.000 cán bộ chính quy về xã nhận công tác. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định việc điều chuyển này không hề tăng phình bộ máy mà ngược lại sẽ giúp tinh gọn, hiệu quả hơn.

Xây dựng xã hội an toàn để người dân thụ hưởng

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho rằng vùng nông thôn chiếm 80% diện tích cả nước cũng là địa bàn lâu nay công tác an ninh trật tự đang có nhiều diễn biến phức tạp do các mâu thuẫn trong đời sống, các xung đột liên quan khiếu kiện đất đai.

Đại biểu Ngọc đồng tình việc bố trí công an chính quy về xã là chủ trương đúng, cần thiết.

Theo bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hiện nay tình hình tội phạm diễn biến phức tạp hơn do đời sống đã thay đổi. Kinh tế phát triển nhưng cũng xuất hiện nhiều loại tội phạm tinh vi hơn. Những mâu thuẫn trong xã hội giữa các nhóm và thậm chí trong từng gia đình gia tăng.

"Các mối quan hệ lợi ích không còn giới hạn trong nước, chính sách đầu tư cũng đã có người nước ngoài vào VN làm ăn và ngược lại. Các nguy cơ an ninh phi truyền thống như khủng bố, buôn bán động vật xuyên quốc gia... xuất hiện. Những loại tội phạm này không quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết", bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo bộ trưởng, Bộ Công an xác định công tác phòng ngừa tội phạm phải đặt lên hàng đầu, không để xảy ra các vụ án, không để xảy ra tội phạm. Việc xây dựng một xã hội an toàn để người dân thụ hưởng là mục đích hướng tới của ngành công an.

Từ những mục tiêu và nhiệm vụ đó, bộ trưởng Tô Lâm cho rằng cần đặt vấn đề bố trí sắp xếp lực lượng công an cho phù hợp.

Bộ trưởng Tô Lâm: Công an chính quy về xã sẽ giúp tinh gọn bộ  máy - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu băn khoăn về dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi chiều 7-6 - Ảnh: B.D

Sẽ tinh gọn, hiệu quả hơn

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thời gian qua bộ đã thực hiện sắp xếp lại nhiều đơn vị cấp tổng cục, cục, rút gọn bộ máy. Từ việc sắp xếp này, bộ trưởng Tô Lâm cho rằng việc tăng cường lực lượng về xã là việc bộ điều tiết được ngay trong lực lượng.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) băn khoăn rằng nếu đưa về mỗi xã 3-5 công an chính quy thì sẽ giải quyết lực lượng bán chính quy ở xã đang làm việc từ trước đến nay như thế nào. Nếu giữ lại thì sẽ gây những vấn đề tâm tư, tế nhị bởi người lương thấp, người lương cao...

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã tính toán kỹ và sẽ tận dụng lại lực lượng công an xã bán chính quy. Việc đưa công an chính quy về xã công tác cũng sẽ giúp địa phương bớt gánh nặng về chi trả lương, sử dụng nguồn này để đầu tư cho các hoạt động khác, vì công an chính quy do Bộ Công an trả lương.

Bộ trưởng Tô Lâm: Công an chính quy về xã sẽ giúp tinh gọn bộ  máy - Ảnh 3.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Công an chính quy về xã vẫn do Bộ Công an trả lương - Ảnh: QUANG VINH

Đề nghị cân nhắc về trần quân hàm giám đốc công an tỉnh

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) phát biểu: "Về trần quân hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh, Quốc hội khoá trước đã phân tích rất kỹ, sau đó mới quyết định chỉ giám đốc công an TP.HCM và Hà Nội mới có trần quân hàm tướng, còn lại chỉ là đại tá, tương đương với các đồng chí giữ chức vụ chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự".

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) đề nghị cân nhắc quy định trần quân hàm đối với giám đốc công an cấp tỉnh.

Ông Man cho biết, năm 2013 Bộ Chính trị đã có thông báo, yêu cầu không quy định địa bàn trọng yếu, đơn vị đặc biệt trong dự án luật, đồng thời phải quy định cấp hàm giữa công an, quân đội ở cấp tỉnh, cấp huyện tương đương nhau.

Trước băn khoăn về cơ cấu cấp tướng trong dự thảo luật lần này, bộ trưởng Bộ Công an cho biết sẽ không gia tăng thêm số lượng cán bộ cấp tướng mà tất cả đều nằm trong tổng hơn 200 tướng mà Trung ương đã quy định.

Cục đặc biệt là cục gì?

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị quy định rõ tiêu chí, số lượng cục đặc biệt ngay trong dự án luật chứ không nên để Chính phủ quy định, số lượng cấp phó ở cục đặc biệt cũng phải quy định rõ.

Theo bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hiện bộ đang có khoảng 60 cục, nhưng không phải cục nào cũng có hàm trung tướng.

"Vì thế bộ đang xin Quốc hội khoảng 40 cục sẽ có trung tướng. Các trung tướng này sẽ tham gia Đảng uỷ cơ quan Trung ương. Thế bây giờ cục nào là trung tướng, cục nào là thiếu tướng? Như vậy sẽ có 20 trong 60 cục không mang quân hàm trung tướng. Đây là lí do sinh ra cục đặc biệt", bộ trưởng Tô Lâm giải thích về tên gọi "Cục Đặc biệt" trong dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi.

Bộ Công an sẽ điều 25.000 công an chính quy xuống xã, thị trấn Bộ Công an sẽ điều 25.000 công an chính quy xuống xã, thị trấn

TTO - Đây là biên chế dự kiến trong lực lượng công an sẽ được điều chuyển nếu Luật công an nhân dân (sửa đổi) được thông qua, trong đó quy định chính quy hóa công an xã, thị trấn.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,419,738       2/1,165