Sống khỏe

Sống trong thời viễn tưởng - Yêu thương là tự do - Khúc thụy du

TTO - Sống trong thời viễn tưởng - Yêu thương là tự do - Khúc thụy du là 3 đầu sách của một thương hiệu sách mới như một sự kiện “chào làng” với những ai quan tâm đến sách.

Sống trong thời viễn tưởng - Yêu thương là tự do - Khúc thụy du - Ảnh 1.

Trong đó, một cuốn sách được viết với "ý hướng xuyên suốt là giải - toàn - cầu - hóa, thấu đáo chỉ ra những bất ổn, phi lý, có phần hoang dã trong xã hội sùng bái, lệ thuộc công nghệ máy móc và thông tin"; một cuốn sách lại như những lối nhỏ về bình an được dẫn dắt bởi "sự an lành và tươi sáng bên trong", "chu đáo trong thông điệp sống rộng mở với tha nhân", đúng như lời giới thiệu của Phanbook.

Sống trong thời viễn tưởng?

Cùng ra mắt dịp này còn có tập thơ Khúc thụy du của Du Tử Lê - nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam từ hơn nửa thế kỷ trước. Khúc thụy du lần này là tập thơ do chính tác giả tuyển từ những bài ông yêu thích. Phanbook ấn hành như một cách gợi lại không gian thơ xưa của một tác giả tài hoa. Quyển này được xếp trong tủ sách mang tên “Tinh hoa Sài Gòn”.

Sống trong thời viễn tưởng? - Chuyện người và máy là tập sách gồm các bài bình luận của nhà báo Nguyễn Vạn Phú.

Tập sách là cái nhìn đầy trách nhiệm của một người trí thức về đời sống trong xã hội đương đại lấy sự phát triển và ảnh hưởng của công nghệ làm trục xoay trung tâm.

Đề tài hay và cần thiết nhưng không dễ chuyển tải cho đại chúng, thật may, Nguyễn Vạn Phú đã dùng ngòi bút để thể hiện thành các bài bình luận có thể hợp khẩu vị với nhiều người.

Cứ đọc nhẩn nha, cùng tác giả nhấm nháp từng đề mục kiểu như từ chuyện "đá bóng không có bóng" đến những suy tư về giáo dục; "Facebook và chính trị" với câu chuyện về người khổng lồ Facebook đang mắc kẹt giữa việc hướng đến phục vụ ai, khách hàng quảng cáo hay người dùng đang làm nên giá trị của mạng xã hội này; hoặc một câu chuyện nóng hơn, gần hơn với cánh nhà báo, là "sẽ không còn tờ báo, chỉ còn bài báo" với những lưu ý thật đáng kể: "sự chuyên nghiệp của từng tờ báo không còn quan trọng bằng tính chuyên nghiệp của từng người viết.

Sự dễ dàng đăng lên, rút xuống của báo mạng đang phá vỡ tính chuyên nghiệp đó... Câu chữ thì sửa được nhưng uy tín thì không sửa dễ dàng thế đâu".

Yêu thương là tự do

Tập sách của Trần Lê Sơn Ý tuyển lựa các tản văn tác giả viết trong thời gian làm báo. Cuốn sách dàn trải qua rất nhiều cảnh huống nhưng đích đến đều là sự tìm kiếm bình yên cho người đọc. Những bài viết có khi rất ngắn, chỉ 200 chữ, như những lối nhỏ, nhiều hoa, dễ đi, về phía sự tử tế, về phía con người.

Các bài viết ngắn, như những dòng trạng thái trên mạng xã hội, người đọc có thể lần giở bất cứ trang nào đều có một nụ hoa, có thể rạng rỡ tràn nắng, có thể cần chút công phu để thưởng thức mùi hương, những nụ hoa của một phụ nữ tinh tế và tử tế.

Tác giả tự nhận "vốn là một kẻ hay buồn - người dường như luôn mang trong mình những nặng nề, tiếc nhớ". Có lẽ vì thế, nỗ lực để tìm đến bình yên qua những đoản văn trong sách càng quyết liệt, rạch ròi hơn.

Nỗi buồn ập đến từ mọi điều lớn nhỏ: lời tâm sự của cô bán hàng rong trên phố, từ móng chân tả tơi của cô bán cá vẫn gắng mà rực đỏ, từ giấc mơ gia đình hạnh phúc của người bạn rã tan trong nỗi vô nghì đàn ông...

Nỗi buồn, nếu cứ liếm láp chúng như con sói liếm vệt máu thợ săn bôi trên lưỡi dao, người ta làm sao biết ngoài kia còn cả một thế giới. Để vạch những lối êm đi về bình yên, người viết đã "giữa điều đúng và điều tử tế, hãy chọn điều tử tế" trong nỗi băn khoăn có nên "nói dối" con mình về ông già Noel.

Tử tế tận hưởng nơi mình đến, dù đó là một ngày mưa bão, những ngọn gió cuồng nộ cũng có vẻ đẹp riêng. Biết bỏ xác trà đi để lưu vĩnh viễn hương trà và nước xanh như chiếc bình nhỏ hình giọt lệ của ngoại.

Sách thủ thỉ cùng người đọc sự tha thứ bỏ qua, sách thầm thì về việc đập bỏ các vách ngăn để bình yên hiển lộ trong từng hành động sống. "Đừng nhốt tim mình trong một cái chai!", trang sách nói, vì "yêu thương là tự do". Khi lòng yêu thương được tự do, lòng yêu thương sẽ tìm được cách thể hiện mình, bình yên sẽ đến cho cả người cho và người nhận.

Sách Việt đón 1-6: Bao giờ cho hết yêu thương? Sách Việt đón 1-6: Bao giờ cho hết yêu thương?

TTO - Trước đây khi chọn sách cho con, các bậc cha mẹ sẽ choáng ngợp trước vô vàn sách thiếu nhi đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng để tìm một cái tên Việt Nam thì quả thật là khó. Nay tình hình đã khác.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,419,820       1/1,166