TTO - Quản lý hơn 3.050km đường chính tuyến và đường nhánh với tổng cộng 63 triệu m2 đất đai trải dài từ Bắc vào Nam, nhưng ngành đường sắt VN đang phát triển... thụt lùi, toa tàu và hệ thống hạ tầng lạc hậu do chưa được đầu tư đúng mức.
Tàu hỏa xuất phát từ ga Sài Gòn chạy ngang đường Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, những dự án đầu tư của ngành đường sắt thời gian qua không những không phát huy hiệu quả mà còn gây lãng phí, tăng gánh nặng giá thành khiến cho ngành vận tải đường sắt kém cạnh tranh so với hàng không và đường bộ.
Hàng ngàn toa tàu hết hạn vẫn sử dụng
Từ ngày 1-7-2018, theo Luật đường sắt, các toa tàu khách có niên hạn tối đa 40 năm và toa tàu hàng có niên hạn tối đa 45 năm. Và từ nay đến năm 2021, ngành đường sắt sẽ phải loại bỏ hết các toa tàu hết niên hạn.
Trong khi đó, theo số liệu của ngành đường sắt, trong gần 6.000 toa tàu (gồm hơn 1.000 toa tàu khách và gần 5.000 toa tàu hàng) đang được khai thác trên tuyến đường sắt quốc gia, có đến 25,6% số toa tàu có tuổi thọ trên 40 năm và 33,4% toa tàu có tuổi thọ 30-40 năm!
Đặc biệt, hầu hết các toa tàu hàng có tuổi thọ khai thác 30-40 năm, tải trọng xếp hàng chỉ 28-34 tấn/toa.
Ngoài ra, trong 294 đầu máy, có đến 43,8% số toa có tuổi đời từ 30 năm đến hơn 40 năm trở lên, hơn 60% là loại đầu máy công suất thấp, tốc độ hạn chế và tiêu hao nhiều nhiên liệu.
Vào tháng 9-2017, sau vụ tàu khách trật bánh hai ngày liên tiếp tại ga Yên Viên (Hà Nội), Cục Đăng kiểm VN đã tổng rà soát các toa tàu hết hạn đăng kiểm trên tuyến đường sắt quốc gia.
Kết quả cho thấy có tới 770 toa tàu, 53 đầu máy tàu hết thời hạn nhiều tháng chưa được đưa đi đăng kiểm lại.
Theo ngành đường sắt, hầu hết các toa tàu này đang nằm trong kho chờ ngày thanh lý, một số hư hỏng đang sửa chữa và chưa đưa ra sử dụng.
Giai đoạn 2016-2020, ngành đường sắt cho biết cần hơn 4.000 tỉ đồng để đầu tư phương tiện đầu máy, toa xe nhằm thay thế toa tàu cũ. Và từ năm 2016 tới nay, hai công ty con - Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - đã đầu tư đóng mới khoảng 135 toa tàu. Tổng số vốn đóng mới toa tàu lên tới 1.440 tỉ đồng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong khi đó, việc đầu tư đóng mới đang gặp khó khăn do nguồn vốn của các công ty không nhiều, các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay, các công ty đường sắt cũng lo ngại nếu đầu tư đóng mới phương tiện ồ ạt sẽ dẫn đến việc mất cân đối thu chi.
Tổng công ty Đường sắt VN từng đề xuất đầu tư 100 đầu máy mới nhằm thay đầu máy cũ với tổng số vốn hơn 2.164 tỉ đồng nhưng dự án này vẫn đang ở giai đoạn... giải trình tính khả thi.
Xí nghiệp toa xe Sài Gòn thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đang nâng cấp các toa tàu cũ để đưa vào sử dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều dự án kém hiệu quả
Theo một cán bộ ngành đường sắt, trong khi nguồn vốn ngân sách được cấp rất ít ỏi, ngành đường sắt lại đầu tư vào một số lĩnh vực chưa đem lại hiệu quả, làm mất niềm tin đối với người lao động.
Chẳng hạn vào năm 2014, Tổng công ty Đường sắt VN tự huy động được khoảng 188 tỉ đồng "đổ" vào dự án đầu tư thiết bị vệ sinh trên 821 toa tàu.
Tuy nhiên, chưa sử dụng được bao lâu, các thiết bị vệ sinh bộc lộ nhiều nhược điểm. Do sự cố xảy ra triền miên và bị hành khách kêu ca, các doanh nghiệp vận tải phải "âm thầm" thay dần. Chưa kể, sau khi dự án lắp đặt xong vẫn dư thừa 23 bộ thiết bị giá khoảng 2,6 tỉ đồng không biết lắp vào đâu.
Đến đầu năm 2018, Tổng công ty Đường sắt ký hợp đồng chuyển nhượng thiết bị vệ sinh cho 2 công ty con là Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội.
Trong đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội phải trả hơn 97,78 tỉ đồng, còn Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn hơn 70,7 tỉ đồng
Một cán bộ của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết qua kiểm tra, một số thiết bị vệ sinh vẫn bốc mùi hôi khi sử dụng nên doanh nghiệp vẫn phải thay thế, cải tạo thiết bị với kinh phí từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng/bộ.
Trong khi vẫn đang loay hoay thoát lỗ, 2 doanh nghiệp này phải "oằn lưng" gánh thêm khoản nợ "trời ơi", gây bức xúc trong người lao động bởi làm tăng gánh nặng giá thành vận tải.
Ngành đường sắt cũng từng rầm rộ cải tạo toa xe, nhập khẩu tủ cấp đông, rã đông, tủ cơm, tủ mát về chế biến suất ăn nấu sẵn. Các xí nghiệp chế biến suất ăn được lập ra để cung cấp suất ăn cho hành khách đường sắt.
Tuy nhiên, sau khi việc gộp chi phí suất ăn vào giá vé bị loại bỏ, hệ thống bảo quản suất ăn nấu sẵn dần dần bị xếp xó, người lao động làm các xưởng chế biến chuyển công việc khác.
Và đến tháng 10-2017, trên cơ sở chủ trương của lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt, 2 công ty con của ngành đường sắt tiếp tục triển khai mô hình suất ăn chế biến sẵn dưới hình thức đi mua ở bên ngoài, dù nguồn nhân lực ở hai công ty đang dôi dư.
Vậy là hai công ty con kéo các toa xe vừa đóng mới đi cải tạo và bỏ ra hơn tỉ đồng mua thiết bị tủ đông về bảo quản suất ăn.
Với việc suất ăn nấu sẵn được cấp "miễn phí" cho khách trên một số đoàn tàu, chỉ riêng Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn phải bỏ ra khoảng 30 tỉ đồng mỗi năm, gánh nặng giá thành lại được đội lên trong tình cảnh khách đi tàu ngày một sụt giảm.
Chưa hết, dự án đầu tư thiết bị cổng soát vé mới được đầu tư cuối năm 2017 (tại 3 ga lớn gồm Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng) nhưng chưa được bao lâu, cổng soát vé tại một số ga giở chứng "cà giật", gây không ít khó khăn cho nhân viên.
Đồ họa: NHƯ KHANH
7.000 tỉ
Đó là số tiền Bộ GTVT đang báo cáo xin Quốc hội thông qua thêm từ nguồn dự phòng trung hạn (bên cạnh 6.300 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020), nâng số vốn dành cho đường sắt lên hơn 13.000 tỉ, chiếm 14% tổng vốn ngân sách dành cho giao thông.
Lãng phí nguồn vốn đầu tư
Trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ được công bố vào tháng 8-2016, Tổng công ty Đường sắt VN được nhắc tới với nhiều sai phạm làm thất thoát tiền ngân sách.
Điển hình là dự án đầu tư lắp đặt các tổng đài điện thoại vượt 7 lần so với nhu cầu thực tế (37.856/5.398) thuê bao.
Dù dung lượng cáp quang được Bộ Thông tin - truyền thông bàn giao cho sử dụng dư thừa nhưng ngành đường sắt vẫn lập dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu Vinh - Sài Gòn, đầu tư lắp đặt 12 tuyến cáp quang treo tuyến Vinh - Sài Gòn. Thanh tra Chính phủ kết luận việc đầu tư thiết bị tổng đài và truyền dẫn đều vượt quá nhu cầu sử dụng gây lãng phí.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2003-2009, ngành đường sắt đầu tư 3 dự án mua máy móc với tổng giá trị 408,053 tỉ đồng.
Quy mô đầu tư một số máy móc vượt nhu cầu sử dụng, tính năng khai thác chưa phù hợp với tình hình thực tế. Sau đó, ngành đường sắt đã giao lại cho các công ty con bằng hình thức ghi công nợ nội bộ, thu hồi nợ bằng mức khấu hao, không có hiệu quả đầu tư cụ thể, gây khó khăn cho các công ty quản lý đường sắt (quản lý gác chắn, tuần đường) và ảnh hưởng đến đời sống người lao động.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khiếu kiện tiền lương, tiền công quá thấp tại một số công ty quản lý đường sắt.