Sống khỏe

Biên phòng là lực lượng vũ trang, cảnh sát biển cũng phải vậy

TTO - Trước tranh luận của đại biểu xung quanh việc quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm: biên phòng là lực lượng vũ trang rồi thì cảnh sát biển cũng phải như vậy.

Biên phòng là lực lượng vũ trang, cảnh sát biển cũng phải vậy - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam sáng 8-6, đại tướng Đỗ Bá Tỵ nói: "Cá nhân tôi cho rằng cảnh sát biển tương tự biên phòng. Cảnh sát biển là lực lượng chấp pháp trên biển, còn biên phòng chấp pháp trên đất liền.

Cả hai đều liên quan đến công tác phòng thủ đất nước, khi có chiến tranh, đất nước bị tấn công thì cảnh sát biển, biên phòng bao giờ cũng là lực lượng chủ lực. Biên phòng từ trước đến nay là lực lượng vũ trang rồi thì cảnh sát biển không thể không xác định là lực lượng vũ trang".

Cũng theo đại tướng Đỗ Bá Tỵ, mỗi quốc gia có cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau về lực lượng chấp pháp trên biển. Việt Nam không cần áp đặt luật của nước khác vào luật của mình.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đồng tình: "Với cảnh sát biển, khi có xung đột vũ trang hay các tình huống liên quan đến an ninh chủ quyền, quyền tài phán quốc gia thì đây là lực lượng chấp pháp, thực thi. Vì thế, dự thảo Luật Cảnh sát biển ghi rõ cảnh sát biển là lực lượng vũ trang là phù hợp".

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) có ý kiến khác: quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang sẽ tạo ra các tình huống nhạy cảm.

"Nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc cũng có lực lượng chấp pháp trên biển nhưng các nước này không thể hiện là lực lượng vũ trang. "Nếu chúng ta thể hiện trong luật như thế thì cộng đồng quốc tế sẽ cho rằng VN đang sử dụng lực lượng vũ trang vào các mối quan hệ trên biển", đại biểu Tuấn lo ngại.

Tranh luận lại ngay sau đó, thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - đại biểu Quốc hội TP.HCM - cập nhật tình hình: Hiện lực lượng hải cảnh của Trung Quốc thì đã được Quân ủy trung ương nước này đưa về Ủy ban Quân sự chứ không còn để ở Cục Hải dương nữa. Cảnh sát biển của Nhật Bản cũng đã được đưa vào lực lượng phòng vệ quốc gia.

"Chúng ta quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang sẽ không ngại gì với quốc tế cả", thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng nói.

Ông Hoàng cho rằng trong tình hình biển phức tạp hiện nay, nếu không tăng cường sức mạnh thì sẽ đánh mất vai trò của lực lượng cảnh sát biển. Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang không chỉ là tham gia công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, chống cướp biển mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia trên biển.

"Như vậy việc sử dụng cảnh sát biển sẽ không làm tăng tính nhạy cảm", đại biểu TP.HCM nhận định.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đồng tình quy định cụ thể thẩm quyền, chức năng của cảnh sát biển.

"Việc nước ngoài tăng cường diễn tập, tôn tạo các đảo, rồi sử dụng tàu thuyền xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân ta đang làm an ninh vùng biển nóng lên. Thậm chí nhiều nước còn cho nâng cấp tàu du lịch, đưa các tàu này ra thăm thường xuyên ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của VN", đại biểu Hà Nội nói.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị quy định cụ thể hơn các trường hợp cảnh sát biển được phép nổ súng trên biển bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm. Ngoài ra cần xem xét kỹ và cụ thể hoá nội dung cho phép cảnh sát biển truy đuổi, bắt giữ các tàu thuyền vi phạm trên biển.

"Nếu cho truy đuổi thì truy đuổi tới đâu? Nếu tàu vi phạm chạy lên vùng đảo thì có tiếp tục truy đuổi nữa không hay là dừng lại? Nếu dừng lại thì rất khó để làm cho trọn vẹn", vị đại biểu Kon Tum đặt vấn đề.

Băn khoăn với quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang Băn khoăn với quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang

TTO - Thảo luận tổ Quốc hội về dự án Luật Cảnh sát biển chiều 29-5, một số đại biểu băn khoăn nếu ghi rõ cảnh sát biển là lực lượng vũ trang của Việt Nam thì có thể gây nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,371,486       10/587