Sống khỏe

Huyền thoại thuyền ngược sóng

TTO - Trong số hàng chục loại tàu, thuyền của làng nghề đóng phục vụ giao thương, đánh bắt thủy sản, có một loại thuyền đi vào lịch sử như một huyền thoại: thuyền ngược sóng.

Huyền thoại thuyền ngược sóng - Ảnh 1.

Nghệ nhân Lê Đức Chắn bên mô hình con thuyền ngược sóng - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Đây chính là mô hình con thuyền đã theo hải trình cha ông tôi đi suốt chiều dài lịch sử của làng

Nghệ nhân LÊ ĐỨC CHẮN

Từ thế kỷ 15, nhiều nhóm người như nho sĩ, thợ mộc, ngư dân... tuân chiếu vua ban, xuôi thuyền từ kinh thành Thăng Long đến cửa sông Bạch Đằng quai đê lấn biển, lập làng, tạo nên vùng đảo Hà Nam (nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).

Cũng từ đó Hà Nam hình thành nên nghề đóng tàu truyền thống tồn tại suốt mấy trăm năm.

Từ con thuyền lịch sử

Tại nhà của nghệ nhân Lê Đức Chắn (phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên) có một mô hình thuyền ba vách buồm cánh dơi được bày trang trọng.

Trong không gian còn vương vấn mùi trầm, ông Chắn trân trọng giới thiệu: "Đây chính là mô hình con thuyền đã theo hải trình cha ông tôi đi suốt chiều dài lịch sử của làng".

Không ai ở vùng đảo Hà Nam biết chính xác chiếc thuyền buồm ba vách có từ khi nào. Nhưng người làng Hà Nam lại biết rất rõ sự kiện Mậu Tý năm 1288.

Sử làng chép lại rằng: trước thế quân Nguyên Mông rất mạnh uy hiếp nước ta bằng đường biển, quan quân nhà Trần đã dùng những chiếc thuyền ba vách buồm cánh dơi chạy ngược nước triều, ngược cả gió bấc để dẫn dụ quân địch vào thế trận cọc Bạch Đằng.

Làm nên chiến thắng lịch sử, tiêu diệt hàng trăm tàu giặc, từ đó bóp nát dã tâm xâm lược của giặc phương Bắc.

Cầm trên tay mô hình tàu thu nhỏ, ông Chắn vừa xoay trở các dây buộc để thay đổi vị trí cánh buồm vừa giải thích: "Các nước từ Âu sang Á đều có thuyền buồm nhưng loại buồm như ở Quảng Yên là độc nhất vô nhị. Chính vì vậy thuyền có thể chạy được xuôi gió, ngang gió và cả ngược gió.

Muốn chạy xuôi gió thì buộc buồm kiểu cánh tiên, chạy ngang gió thì buộc buồm pha chằng và buộc vát buồm để đi ngược gió. Nếu đi ngược sóng, ngược gió thì thuyền phải đi chữ chi".

Ông Chắn cho biết thêm để làm ra thuyền ngược sóng gió, phải cần nhiều cấu kiện và gỗ để đóng tàu phải là lim, táu, dẻ loại tốt nhất. Trong đó, các miếng ván được ghép bằng cách khoan và luồn dây mây rồi thắt lại chứ chưa có đinh vít như bây giờ.

Cánh buồm được làm bằng vải diềm bâu nhuộm vỏ cây đâng.

Thời kỳ chống Pháp, những chiếc thuyền ba vách cánh dơi đã cùng các tàu vận tải tham gia phục vụ cho cách mạng, đặc biệt tại vùng biển Áng Dài, Cát Bà, Gia Luận (nay thuộc TP Hải Phòng).

Đến những năm 1960 khi chiến tranh chống Mỹ vào thời điểm cam go, huyện Yên Hưng nhận được lệnh của trung ương tăng cường phục vụ mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bốn hợp tác xã vận tải thủy là Đại Thành, Hồng Phong, Phong Hải, Bạch Đằng đã đóng góp những chiếc tàu, thuyền làm nên tuyến vận tải lịch sử, đặc biệt là chiến dịch VT5 năm 1968.

"Năm đó tôi còn trẻ lắm, theo cha đến Hợp tác xã vận tải Bạch Đằng thức thâu đêm đóng những con tàu vận tải chở lương thực chi viện cho miền Nam" - ông Chắn tự hào nói.

Đến những làng nghề lão luyện

Cách đây chừng một năm, một đoàn chuyên gia từ các nước Nhật, Mỹ, Nga, Bồ Đào Nha đã tìm về tận Quảng Yên để nghiên cứu con thuyền này.

Theo đơn đặt hàng của bảo tàng thuộc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, ông Chắn đã cùng hai người cháu nhận đóng một chiếc thuyền dài 11m rồi chạy thử cho họ xem.

Trên dòng sông Chanh dập dềnh sóng gió, ông Chắn điều khiển con thuyền băng băng lướt theo dòng nước. Lúc sau ông chằng lại dây, lật lại góc buồm, chiếc thuyền ngả một bên ngược sóng đi hình chữ chi trong ánh mắt trầm trồ của những người chứng kiến.

"Làm được thuyền ngược sóng, tôi cảm thấy rất vui mừng. Nhưng đó chỉ là một phần của lịch sử làng nghề. Cha ông đã truyền lại cho chúng tôi cách làm nhiều loại thuyền, tàu, chải... rất đa dạng. Và chúng tôi có trách nhiệm giữ gìn lấy" - ông Chắn tâm sự.

Trên thực tế, làng nghề đóng tàu vỏ gỗ ở Hà Nam trải dài khắp nơi... từ phường Nam Hòa, Phong Hải đến Hà An... Tất cả đều hoành tráng và được rất nhiều khách hàng tìm đến.

Tại cơ sở đóng tàu của ông Bùi Huy Lân, tiếng máy tời, máy cẩu ì è vận chuyển động cơ lắp cho tàu. Trong các lán trại, hàng mấy chục công nhân đang gấp rút chèn mạch cho tàu, sơn, hàn... chuẩn bị hạ thủy.

Ông Lân cho biết: "Xưởng đóng tàu có hơn 30 công nhân lao động, chủ yếu nhận đóng tàu cho địa phương và các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Phòng...".

Cũng theo ông Lân, ngày nay công nghiệp đóng tàu phát triển, người dân ít đóng thuyền ba vách buồm cánh dơi để vận tải hoặc đánh cá trên biển mà thường đóng tàu thuyền chạy bằng động cơ.

Để đáp ứng nhu cầu này, các thợ thuyền làng nghề đã chuyển đổi sản phẩm đóng tàu, tuy nhiên vẫn sử dụng kỹ thuật truyền thống của cha ông. "Thợ đóng tàu giỏi là phải biết cách xử lý phần vỏ tàu kỹ càng, làm sao thuyền gỗ khi hạ thủy lướt nhẹ trên mặt nước ngon lành".

Làng nghề... lột xác

Ngày nay, gỗ lớn đóng tàu ngày càng ít nên các thợ thuyền Quảng Yên bắt đầu tính đến hướng phát triển khác, thay thế dần những con thuyền cánh dơi truyền thống hay các tàu đánh cá bằng gỗ.

Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Lịch, phó trưởng Ban làng nghề đóng tàu, thuyền vỏ gỗ Cống Mương, phường Phong Hải, được người dân biết đến phần nhiều vì cơ sở đóng tàu bề thế, phần vì có bộ sưu tập khá lớn mô hình tàu thuyền của mình từ chã tôm, câu mực, mảng, tàu lớn, bơi chải...

Mỗi chiếc ông bán cho khách du lịch 2-10 triệu đồng, tùy kích cỡ. Gần 70 tuổi, xưởng đóng tàu lớn ông Lịch giao cho con trai, còn mình mày mò những mẫu hình thuyền nhỏ tinh tế để bán cho du khách.

Cũng giống vậy, nghệ nhân Lê Đức Chắn - truyền nhân làng nghề đời thứ 17 dòng họ Lê - cũng đã ngơi tay mấy năm nay, bàn giao cơ sở cho bốn người con trai kế tục.

Còn ông bắt tay làm mô hình thuyền buồm cánh dơi theo đơn đặt hàng gần xa, mỗi chiếc giá thành hơn chục triệu đồng nhưng vẫn nhiều người gửi gắm đặt mua.

"Làm không phải vì kinh tế mà chủ yếu là để lại những mô hình tàu ngược sóng đặng sau này không bị thất truyền. Hiện con cháu tôi đã có thể thiết kế, đóng mới những mẫu tàu cả vỏ gỗ lẫn vỏ thép. Những con tàu vỏ thép đã giúp ngư dân vươn khơi, bám biển dài ngày" - ông Chắn tâm sự.

Nói đoạn, ông chậm rãi cưa cắt nốt những chi tiết của mô hình chiếc thuyền ba vách cánh dơi đã gần đến hồi hoàn thiện. Đằng sau khu xưởng, tiếng máy móc hối hả liên hồi.

Đang xây dựng đề án bảo tồn

qn - thuyen nguoc song 30-1  (2) 5(read-only)

Làng nghề đóng tàu Phong Hải đang dần chuyển sang đóng những con tàu vỏ thép vươn khơi - Ảnh: Đức Hiếu

Ông Lê Đức Đỗ - phó chủ tịch UBND phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên - cho biết năm 2014 làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Quảng Yên được công nhận là làng nghề truyền thống.

Nơi đây đã sản sinh nhiều nghệ nhân tay nghề giỏi như ông Chắn, ông Lịch, ông Lân...

"Chúng tôi đang cố gắng xây dựng đề án, bảo tồn các giá trị truyền thống này ở địa bàn nhằm có chính sách hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, cũng mong chính quyền quy hoạch khu vực bến bãi, địa điểm đóng thuyền rộng rãi để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các làng nghề" - ông Đỗ nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,371,391       5/524