TTO - Ngày 7-6, Hạ viện Pháp đã phê chuẩn dự luật cấm học sinh tiểu học và THCS sử dụng điện thoại di động tại trường. Sau khi được thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện để phê chuẩn.
Trẻ sử dụng điện thoại di động quá nhiều đang trở thành mối lo của nhiều nước trên thế giới - Ảnh: AFP
Giới quan sát cho rằng đây chỉ là những bước thủ tục, gần như chắc chắn dự luật do đảng của ông Emmanuel Macron (đương kim Tổng thống Pháp) đề xuất sẽ được thông qua và có hiệu lực trong năm học mới tại Pháp, bắt đầu từ tháng 9-2018.
Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết những quy định mới là "điều luật cho thế kỷ 21, điều luật để ứng phó với cuộc cách mạng số" và sẽ giúp "bảo vệ con em chúng ta".
Chính phủ Pháp cho rằng luật mới sẽ giúp học sinh tập trung hơn trong lớp, đồng thời cũng ngăn chặn nạn bắt nạt trên mạng và thói tật xem phim ảnh khiêu dâm online.
Nhiều giáo viên phàn nàn học sinh của họ cứ liên tục nhắn tin và trò chuyện với nhau trên mạng xã hội ngay trong giờ học.
Ông Richard Ferrand, lãnh đạo các nghị sĩ của Đảng Nền Cộng hòa tiến bước trong Quốc hội Pháp, lập luận về sự hợp lý của luật mới: "Khi trên sân trường quý vị nhìn thấy những đứa trẻ ngồi cạnh nhau nhưng tất cả đều chỉ dán mắt vào điện thoại của chúng, hậu quả sẽ là phá vỡ mọi sự gắn kết và chia sẻ".
Luật mới quy định trẻ sẽ không được sử dụng điện thoại trong các khu vực sân chơi của trường, trong giờ giải lao và bất cứ nơi nào khác trong khuôn khổ trường học. Năm 2010, Pháp từng ban hành luật cấm trẻ em sử dụng điện thoại trong lớp học.
Trong phiên tranh luận trước khi bỏ phiếu tại Quốc hội, các nghị sĩ thuộc Đảng Nền Cộng hòa tiến bước của ông Macron cho rằng việc ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại di động tại trường học cũng đồng nghĩa với việc mọi trẻ em sẽ được trao "quyền ngắt kết nối" khỏi những áp lực kỹ thuật số trong thời gian ở trường.
Một số thành viên trong đảng của ông Macron còn muốn có thêm những điều khoản chặt chẽ hơn, khi cho rằng người lớn cần làm gương cho con trẻ.
Vì thế cần có thêm điều khoản mở rộng yêu cầu mọi nhân viên trong trường, kể cả các giáo viên, cũng phải giao nộp điện thoại của họ mỗi khi tới trường.
Có lẽ vì thế, vào phút chót dự luật cũng yêu cầu mọi giáo viên phải "cách ly" điện thoại trong những giờ giảng dạy.
Tuy nhiên, luật mới chưa làm rõ chuyện học sinh sẽ đối mặt với những hình phạt nào nếu chúng vi phạm, hoặc không chịu rời điện thoại theo yêu cầu của nhà trường.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức nhân quyền tại Pháp cũng cảnh báo theo các quy định luật pháp sở tại, hiện giáo viên Pháp vẫn chưa có quyền được tịch thu những vật không gây nguy hiểm (kiểu như điện thoại) của học sinh, giáo viên.
Không hiếm hình ảnh học sinh sử dụng điện thoại tại các trường THCS - Ảnh: N.H.
Cấm điện thoại, kết quả học tập tốt hơn
Trong kết quả nghiên cứu năm 2015 của Trường Kinh tế London, hai tác giả là Richard Murphy và Louis-Philippe Beland cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tác động của việc cấm điện thoại với học sinh tương đương với việc các em học thêm được một giờ học mỗi tuần ở trường, hoặc tăng thêm năm ngày trong một niên khóa".
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tác động của chính sách cấm điện thoại với 91 trường học ở Anh thay đổi ra sao kể từ năm 2001, khi so sánh với kết quả thi tại kỳ thi quốc gia của các em vào năm 16 tuổi.
Với 130.000 học sinh, họ nhận thấy điểm kiểm tra của các trường đã tăng 6,4%. Với những học sinh kém, điểm thi trung bình của các em đã tăng 14%.
TP.HCM: mỗi trường một kiểu
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM đã hướng dẫn các trường về quy định học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học". Có nghĩa ngoài giờ học, tức là giờ chơi, giờ ra về... thì được sử dụng.
Tuy vậy, hiện mỗi trường tự đặt ra một quy định riêng. Trong đó, đa số các trường THCS, tiểu học tư thục đều yêu cầu phụ huynh không cho con em mang điện thoại vào trường.
"Mang điện thoại chắc chắn ảnh hưởng đến việc học, không chỉ là say sưa "chát chít" mà còn nói khích nhau, rồi hẹn để "giải quyết" bằng bạo lực" - hiệu trưởng một trường tư thục ở quận Tân Bình cho biết.
Học sinh nội trú ở các trường tư thục trên địa bàn TP.HCM cũng không được mang điện thoại vào trường. Nếu có việc gì cần gọi điện về nhà cho gia đình thì học sinh dùng điện thoại của nhà trường.
Ở các trường công lập, việc cho học sinh mang điện thoại vào trường hay không cũng phụ thuộc vào quan điểm của ban giám hiệu trường.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đa số các trường công lập cũng không muốn học sinh mang điện thoại vào trường.
"Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh sắm cho con em mình loại đồng hồ thông minh vừa có thể xem giờ vừa sử dụng như điện thoại. Khi mang thiết bị này vào trường, học sinh cứ loay hoay với nó nên không chú ý nghe giảng.
Chưa kể em này có nhưng em kia không có gây ra tò mò, muốn sở hữu và đã có trường hợp bị mất. Mất thì nhà trường lại phải mất công làm một cuộc truy tìm xem học sinh nào là người đã "cầm nhầm".
Do đó, chúng tôi quán triệt với phụ huynh rằng không nên cho con em mang điện thoại vào trường.
Nếu cần thiết thì phụ huynh có thể liên hệ với giáo viên hoặc học sinh có thể dùng điện thoại của trường để gọi cho cha mẹ" - cô Điền Thị Hoàng Lý, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh, quận 5, cho biết.
Hoàng Hương
* Anh Phùng Văn Hòa (phụ huynh học sinh lớp 4): Tôi đồng tình với việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học dù từng sắm cho con, vì cái hại nhiều hơn cái lợi.
Chưa hết, một hôm tôi đến đón con thì chứng kiến một hình ảnh buồn: nhiều bạn đọc sách, vui đùa, nói chuyện với nhau thì con tôi và một số bạn dán mắt vào cái điện thoại. Thế nên dù nhà trường không cấm nhưng tôi kiên quyết ủng hộ từ bỏ.
* Chị Mai Thị Châu Hoa (phụ huynh học sinh lớp 9): Tôi đã dằn lòng không mua điện thoại cho con, đến khi con học lớp 8 thì bắt buộc phải mua nhưng rồi mới thấy rất nhiều tác hại từ điện thoại.
Ngày họp phụ huynh đầu năm học vừa rồi, không hẹn mà tất cả phụ huynh chúng tôi đều đề nghị cô giáo chủ nhiệm cấm các con sử dụng điện thoại trong trường.
Các con chỉ được mở máy khi về, để dành thời gian học hành và giao lưu với nhau. Có điện thoại, chúng không thèm quan tâm đến những người xung quanh.