TTO - 2.000 vụ xâm hại trẻ em mỗi năm (báo Tuổi Trẻ ngày 6-6-2018). 17 cơ quan bảo vệ nhưng trẻ em vẫn đơn độc. Nhiều nghi án kéo dài khó hiểu đã khắc sâu thêm những nỗi đau.
Cô Nguyễn Thu Hà hướng dẫn kỹ năng sống cho các em học sinh Trường tiểu học Phú Thọ Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em - Ảnh: Tự Trung
Những con số này được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đưa ra trong phiên chất vấn trước đại biểu Quốc hội ngày 5-6.
2.000, 736 và 17
18001567
đường dây tư vấn
và hỗ trợ trẻ em
Ai cũng ngầm hiểu rằng con số này chỉ mới phản ánh một phần thực trạng nhức nhối như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: đây là "phần nổi của tảng băng chìm".
736 là số trẻ em bị xâm hại trong 5 tháng đầu năm 2018. 84% trong đó là xâm hại tình dục.
Một trong những giải pháp kéo giảm tình trạng này là thiết lập đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567, phấn đấu đến năm 2020 thì mỗi xã/phường có một cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.
Đường dây nóng cùng với lực lượng cán bộ mỏng manh đó sẽ hoạt động như thế nào để giúp trẻ tránh nguy cơ bị xâm hại cũng như xử lý các vấn đề liên quan như bảo mật thông tin trẻ bị hại, tư vấn tâm lý, hỗ trợ nạn nhân và gia đình... thì vẫn còn rất mơ hồ.
Bộ máy bảo vệ quyền lợi trẻ em nước ta hiện nay có tới 17 cơ quan nhưng khi xuất hiện các vụ trẻ bị xâm hại thì gia đình các cháu chẳng biết kêu ai.
Người dân thật sự đơn độc trong cuộc đấu tranh: cất tiếng tố cáo hay chọn giải pháp thương lượng và im lặng? Đơn độc trong cả bước chân tìm công lý và ánh sáng cho con trẻ.
Khi con trẻ gặp nạn, con cần sự trợ giúp, người thân loay hoay tìm địa chỉ tin cậy để lên tiếng. Và rồi giải pháp cuối cùng lại là mạng xã hội.
Ngày 5-6, Facebook xuất hiện clip bé gái 10 tuổi vừa khóc vừa kể mình và hai bạn khác thường xuyên bị chính cha ruột xâm hại tình dục.
Công an huyện Cần Giuộc (Long An) vào cuộc xác minh, đưa cháu bé đi giám định và ra quyết định tạm giữ người cha 47 tuổi để điều tra. Mạng xã hội hóa ra lại là "cơ quan bảo vệ trẻ em" tích cực nhất lúc bấy giờ của cháu bé 10 tuổi ở Long An ư? Buồn bã, chua xót thay!
Đừng để nạn nhân đau hơn vì chờ đợi!
Giữa năm 2016, mẹ cháu T.N.T. (6 tuổi) đã có đơn tố cáo ông Nguyễn Khắc Thủy (ngụ tại chung cư Lakeside Vũng Tàu) có hành vi dâm ô con gái mình.
Vụ án cứ mãi lửng lơ cho đến khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý kiến chính thức yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ vụ án dâm ô hàng loạt gây bức xúc dư luận này. Rồi phải hai năm sau, vụ án mới xử xong với mức án nhiều tranh cãi.
Cuối năm 2016, nghi án một bé gái ở Trường tiểu học Trần Phú A (Chương Mỹ, Hà Nội) bị kẻ bịt mặt xâm hại trong nhà vệ sinh nhà trường vẫn chưa có thông tin về thủ phạm.
Một người mẹ ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) ròng rã hai tháng trời ôm đơn gõ cửa tố giác Cao Mạnh H. (sinh năm 1983) có hành vi dâm ô con gái mình (sinh năm 2008).
Khi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có chỉ thị xử lý nghiêm vụ việc, cơ quan chức năng đã rốt ráo hoàn tất các thủ tục khởi tố vụ án dâm ô trẻ em.
Chúng ta vẫn chưa quên vụ lá thư tuyệt mệnh của cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau. Bị xâm hại, lên tiếng tố cáo nhưng lời khai của cháu không thể thành chứng cứ.
Cái chết của cháu vào ngày 11-2-2017 như một tiếng kêu cứu bất lực trước bất công. Và cũng phải chờ Thủ tướng chỉ đạo lật lại vụ án.
Vì sao phải chờ lãnh đạo cấp cao chỉ đạo, các vụ án này mới xúc tiến nhanh? Quy định của pháp luật dành cho loại tội phạm này còn nhiều kẽ hở và nhiều quy trình gây trở ngại cho công tác điều tra? Hay đâu đó trong các vụ án kia có sự chậm trễ và thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng?
Công tác giám định đối với loại tội phạm xâm hại tình dục cần nhất là thời gian.
Cần những thay đổi từ luật, bỏ bớt các quy trình, quy định không cần thiết để nhanh chóng tiến hành giám định, khởi tố. Khung hình phạt dành cho tội phạm xâm hại tình dục cần điều chỉnh theo hướng tăng nặng hơn nữa mới đủ sức răn đe.
Điều chúng ta cần lúc này chính là một kế hoạch tổng thể, lâu dài nhằm bảo vệ và xử lý các vấn đề liên quan đến nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Một cơ quan chuyên biệt với những người đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ sẽ phát huy vai trò của mình trong công cuộc đấu tranh với loại tội phạm này cũng như bảo vệ con trẻ trước những nguy cơ tiềm tàng của nạn xâm hại tình dục.
Đừng chần chừ!
Khi một đứa trẻ bị thương tổn, một gia đình đang quằn quại trong nỗi đau vác đơn chạy khắp nơi kêu oan, bất kỳ một sự đồng cảm và tích cực nào từ cơ quan chức năng cũng sẽ là liều thuốc hữu hiệu giúp gia đình nạn nhân vững chân hơn trên con đường tìm công lý.
Chần chừ, e ngại, viện cớ "luật quy định vậy" để chậm trễ công tác điều tra, khởi tố sẽ khắc sâu nỗi đau hơn.