Sống khỏe

Tăng 30 bậc 'ăn nhậu': Khi sữa đắt hơn bia!

TTO - Theo bạn đọc Lại Thị Ngọc Hạnh, từ vị trí 94 của năm 2010, năm 2016 Việt Nam tăng lên hạng 64 về mức tiêu thụ rượu bia, không làm cho bất kỳ người Việt nào thấy tự hào mà ngược lại còn phải giật mình, suy ngẫm. Vì sao?

Tăng 30 bậc ăn nhậu: Khi sữa đắt hơn bia! - Ảnh 1.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia của Bộ Y tế đưa ra giờ cấm bán rượu bia, trừ các điểm du lịch, khu ẩm thực - Ảnh: T.T.D.

Dưới đây là ý kiến của bạn đọc này, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu.

"Ngày 8-6-2018 Tuổi Trẻ Online đưa tin: "Việt Nam lên hạng rất nhanh trên bảng xếp hạng uống nhiều rượu bia, từ vị trí 94 năm 2010 lên vị trí 64 năm 2016.

Như vậy, trong vòng 6 năm Việt Nam đã tăng lên 30 bậc - một sự tăng hạng "thần tốc" đáng để suy ngẫm.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay và thông qua vào kỳ họp đầu của năm 2019. Tôi hy vọng Luật này sau khi được ban hành sẽ phát huy tác dụng trong thực tế, chấm dứt được sự tăng hạng "thần tốc" của Việt Nam trong danh sách các nước uống nhiều bia rượu."

Lại Thị Ngọc Hạnh

Tôi tin rằng sự tăng hạng này ngoại trừ các bợm nhậu còn lại không làm cho bất kỳ ai thấy tự hào mà ngược lại còn phải giật mình, lo lắng.

Tôi nhớ lại những con số thống kê đáng lo ngại về tình trạng sử dụng rượu bia của Việt Nam được đăng tải trên báo chí những năm gần đây.

Cụ thể trong năm 2016 đã bán được 3.918 triệu lít đồ uống có cồn, bao gồm 3,822 triệu lít bia và 41 triệu lít rượu. Tỷ lệ sử dụng rượu bia của thanh niên Việt Nam dẫn đầu trong các nước Đông Nam Á.

Bia rượu được sử dụng trong mọi hoàn cảnh: vui uống, buồn uống, cưới hỏi, tang ma, sinh nhật uống, không có chuyện gì cũng uống để có lý do ngồi tám chuyện.

Hệ lụy của việc tăng hạng "thần tốc" này ai cũng có thể thấy được, đó là số vụ đánh nhau do sử dụng bia rượu lên đến hàng ngàn, nhất là trong dịp Tết vì Tết là lúc người ta uống nhiều nhất.

Năm 2016, theo thống kê 9 ngày nghỉ Tết Bính Thân, số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong. Nếu so với số vụ tai nạn giao thông, số vụ đánh nhau trong Tết phải cao hơn ít nhất 6-7 lần.

Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong 7 ngày Tết là 5.675 trường hợp.

Trong 6 ngày Tết Mậu Tuất, tổng số ca cấp cứu do đánh nhau 4.184 trường hợp, giảm 19,2% so với Tết Đinh Dậu năm 2017, nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú lại tăng đến 14,6% (với 2.773 trường hợp), trong đó có 559 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên, có 13 trường hợp tử vong do đánh nhau.

Những con số biết nói đó mỗi lần được công bố lại khiến dư luận xôn xao, các cơ quan chức năng lại phải đau đầu nghĩ ra các quy định mới nhưng rồi chỉ được một thời gian mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia trong đó có quy định về hạn chế bán rượu bia sau 22 giờ hay quy định về độ tuổi được sử dụng đồ uống có cồn từ lúc lên ý tưởng cho đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được ban hành.

Trong khi ban soạn thảo đang đi vận động thì lượng bia rượu sử dụng ở Việt Nam không ngưng lại để chờ luật mà gia tăng rất nhanh.

Theo tôi, sử dụng rượu bia nhiều là một nguyên nhân làm con người trở nên khó kiểm soát bản thân, hung hãn thậm chí hành xử một cách điên rồ, man rợ, mất hết tính người.

Vì vậy, Nhà nước cần phải có nhiều biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế việc lạm dụng bia rượu. Sự tăng trưởng "thần tốc" của ngành sản xuất bia rượu đương nhiên có đóng góp cho ngân sách nhưng sẽ không đáng kể là bao nếu so với chi phí mà người dân phải bỏ ra để giải quyết hậu quả của việc lam dụng bia rượu.

Nhà nước cần phải có các giải pháp cụ thể quyết liệt hơn và không để giá bia rượu của Việt Nam thuộc hàng rẻ còn giá sữa lại thuộc hàng đắt so với thế giới như hiện nay.

Tờ Daily Mail của Anh đã từng đăng một kết quả nghiên cứu cho thấy giá bia ở Việt Nam rẻ nhưng giá sữa lại đắt hơn ở Anh trong khi thu nhập của dân Việt Nam thì không thể so với dân Anh được.

Nghịch lý của Việt Nam bao lâu nay là vắc xin thì thường xuyên khan hiếm, hết hàng còn rượu bia lại nhiều ê hề, không bao giờ thiếu. Những thứ tốt cho sức khỏe, thiết yếu thì đắt, khan hàng còn rượu bia lại nhìn đâu cũng thấy, muốn bao nhiêu cũng có, ai mua cũng được.

Nghịch lý đó ai cũng thấy nhưng tại sao bao nhiêu năm nay, với rất nhiều quy định được ban hành vẫn không thể giải quyết được?

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay và thông qua vào kỳ họp đầu của năm 2019. 

Tôi hy vọng Luật này sau khi được ban hành sẽ phát huy tác dụng trong thực tế, chấm dứt được sự tăng hạng "thần tốc" của Việt Nam trong danh sách các nước uống nhiều bia rượu.

Làm sao hạn chế mức tiêu thụ bia rượu đang có chiều hướng gia tăng 'thần tốc' như hiện nay? Theo bạn, tăng giá bán bia rượu là một trong những giải pháp. Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Việt Nam lên hạng rất nhanh trên bảng xếp hạng uống nhiều rượu bia Việt Nam lên hạng rất nhanh trên bảng xếp hạng uống nhiều rượu bia

TTO - "Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 94 trong danh sách các nước dùng nhiều rượu bia. Đến năm 2016, đã tiến lên vị trí 64. VN đã tiến rất nhanh trong danh sách này".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,205,455       4/1,120