Sống khỏe

Truyện ngắn: Thừa ra một người

TTO - Ông Vũ mất. Vườn nhà chia đôi. Bếp lửa chia đôi. Bà Vũ sống một mình ở ngôi nhà ba gian được cất từ hồi ông bà lấy nhau. Đồ rằng một số vật liệu để xây dựng ngôi nhà do ông bà cụ kỵ để lại.

Truyện ngắn: Thừa ra một người - Ảnh 1.

Minh họa: KIM DUẨN

Bà nghe ông Vũ kể thế. Các con trong nhà cũng được nghe kể thế. Nên trước khi ngăn vách, anh con trai liếc xéo sang bà hậm hực. Nhà bà đang ở là nhà ông bà cụ kỵ để lại cho ông bà nội, ông bà nội để lại cho ông bà, ông bà đi thì để lại cho con cháu. Chả của nả chi nhà bà đâu mà tinh tướng.

80 tuổi rồi, bà còn có gì mà tinh tướng. Lại còn tinh tướng với đứa con trai bà rách ruột đẻ ra. Bà lủi thủi một mình. Ông bỏ đi rồi, vườn nhà rộng rãi quá. Bà loay hoay xoay xở mãi cũng hết được một ngày. Đêm đến, bà úp mặt vô ảnh ông thủ thỉ bao chuyện, đợi cơn ngủ đến kéo bà sang một ngày khác.

Nếu còn có ông, chắc chắn bà chả phải lủi thủi như thế. Anh con trai còn nể nả ông chút đỉnh, miễn cưỡng đôi ba câu chào bâng quơ, ánh mắt lạnh tanh ngọt lạt những câu không ăn nhập. Bà già rồi nhưng còn tỏ lắm. Không dám nhìn lâu vào ánh mắt trắng dã của con trai hỏi thăm mình vì sợ rát ruột. Bà đờ đẫn lần từng tràng hạt.

Bao năm rồi, mẹ con không chung tiếng nói. Gã bảo bà dở điên dở khùng không thèm chấp. Nhà này không có bà cũng chả sao. Lúc trẻ đã chẳng làm nên trò trống gì thì già rồi còn cơm cháo chi được nữa. Trời ơi. Tội lỗi. Gã còn nợ mẹ gã cuộc người này. Nhưng gã không thấu. Vợ gã cũng không thấu. Các con gã cũng không thấu. Gã phủi tay sau đám tang ông Vũ. Nhà thừa ra một bà già ngẩn ngơ không biết để vào đâu.

Bà già ngẩn ngơ ấy có lương hưu. Tự chăm sóc được bản thân mình. Chẳng lụy phiền con cái cơm bưng nước rót. Nhưng gã vẫn thấy ngứa mắt. Gã chỉ muốn phủi tay. Cái tình không còn thì mẹ con nỗi gì. Gã lập tức chia đôi vườn nhà theo di chúc của ông Vũ. 

Là ông thương bà, lúc còn tỉnh táo ông đã tính hết. Ông còn sống chúng đã không coi bà ra gì, ông đi rồi thì ai sẽ đảm bảo cho bà một cuộc sống yên ổn. Không chừng chưa tàn hương ông chúng đã bán tống vườn nhà đi nơi khác. Thân già không chấp nhận phụ thuộc vào con thì ra đường mà ở. Đau lắm. Nhưng ông phải chia đôi khúc ruột này. Cứ tạm bợ vậy nha bà. Ít ra những tháng ngày còn lại bà còn có chỗ dung thân.

Cũng vì bản di chúc, gã thêm căm thù bà. Gã hầm hầm ném bản di chúc trước di ảnh ông còn nghi ngút khói. Sớm muộn chi cũng chết, còn ham hố. Bà nhắm mắt niệm câu nam mô rất nhỏ.

Ba cô con gái bà lấy chồng cả rồi. Quãng đường từ nhà mình đến nhà chồng vừa đủ để mỗi lần cha mẹ hắt hơi, sổ mũi là chạy về. Bà chả chịu theo đứa nào. Có nhà có cửa đi ở đợ nhà con cái làm chi. Bọn bây thương thì thi thoảng đảo qua đảo lại cho vui cửa vui nhà.

Một tuần bà được gặp lũ con gái vô tích sự như lời gã vẫn chửi đổng một lần. Căn nhà có thêm tiếng người. Bà vui lắm. Đêm bà thôi ôm ảnh ông. Bà ríu rít với bầy cháu ngoại. Mả cha tụi bây, chả họ hàng chi mà bu phát khiếp. Bà vuốt tóc từng đứa một rồi cười lỏn lẻn. Làn da chín hương trầu cứ thơm nồng lên như chưa từng xa xót nỗi gì. 

Con gái nhìn bà bỏm bẻm cười mà lòng đau thắt thẻo. Phận gái lấy chồng rồi là sa chân vô chồng con hết. Mẹ già như chuối chín biết gió lay khi nào mà đỡ. Nên đợi ngày giờ hợp lý, lũ con gái có lời với gã về việc chăm nom mẹ già. Gã gạt phắt. Các cô ngon về đó mà ôm. Lũ con gái vô tích sự. Công buổi đâu đổ đầu đây hết. Thì cũng biết thế. Nhưng anh là con trai. Có chi bọn em hỗ trợ thêm.

Hỗ trợ thêm là hỗ trợ về tài chính. Gã tuyên bố. Bà chưa chết thì giỗ lạt là phần bà. Mấy cô con gái lăng xăng phụ làm mâm cúng. Năm có bốn lần làm giỗ. Bốn lần chừng ấy con người lầm lì vào ra. Cũng chừng ấy món ăn, chừng ấy que hương tàn, chừng ấy câu mời mọc, chừng ấy lần chén bát nâng lên đặt xuống. Hết giỗ thì ai về nhà nấy. Khối rubik được ráp lại đúng chỗ. Chỗ của bà là ở đây. Khu vườn dẫu có ngăn đôi cũng rộng thênh thang.

Đùng một cái anh con trai chết. Tai nạn thì chẳng bao giờ báo trước. Bà chết lặng nhìn di ảnh gã. Lần đầu tiên sau những tháng ngày còn bế ẵm, bà nhìn vào mắt gã lâu như thế. Đôi mắt không còn mỗi lòng trắng. Đôi mắt hiền từ nhìn bà. Bà trìu mến nhìn lại. Âu yếm như chưa hề đổ vỡ. Đôi bàn tay khô héo run run sờ vào di ảnh. Là nó, một núm ruột của bà. 

Bà nhớ ngày đẻ nó ra. Đỏ hỏn. Yếu ớt. Bà nhớ ngày nó lên năm lên ba. Hồn nhiên. Vô hại. Bà nhớ ngày nó hết học trường làng, bà gửi con về nhà nội. Ngày ngày mẹ chồng bà rót vào đầu nó những lời hằn học, mấy đứa em chồng miệng vừa dỗ ngon dỗ ngọt nó vừa chì chiết đay nghiến bà. Bà ức lắm. Lòng non như giấy mỏng. Bà biết bà đã mất con. Nhưng bù lại, ở nhà nội nó còn có miếng cơm mà ăn. Ông bà chật vật nuôi mấy đứa em gã qua ngày.

Bây giờ thì gã không còn lườm nguýt hay buông câu hờn mát với bà được nữa. Gã cười ngoan lành trên di ảnh. Bà bật khóc. Nếu cái chết có thể hóa giải được mọi hận thù sao ông trời không để mẹ chết trước đi. Biết đâu khi nhìn di ảnh mẹ, con sẽ biết tha thứ và yêu thương như mẹ đang tha thứ cho con bây giờ?

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,365,822       3/869