Sống khỏe

Bảo vệ trại sâm gốc Tăk Ngo trên đỉnh Ngọc Linh

TTO - Trên đỉnh Ngọc Linh có một kho báu luôn được lãnh đạo huyện Nam Trà My nâng niu, đó là trại sâm gốc Tăk Ngo (thuộc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My).

Bảo vệ trại sâm gốc Tăk Ngo trên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 1.

Các anh em ở trạm sâm giống Tăk Ngo trồng và chăm sóc sâm - Ảnh: T.B.D.

Trại sâm rộng hơn 70ha này từ nhiều năm nay là nguồn cung cấp giống sâm quý hiếm cho người dân trên toàn huyện trồng nhân rộng.

"Trên trại này có một đội ngũ nhân viên bảo vệ 24/24 giờ đều là người Xê Đăng thật thà, tốt bụng và trách nhiệm lắm. Nhờ họ mà vườn sâm được bảo vệ một cách cẩn mật" - ông Trịnh Minh Quý, giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, khoe.

Chúng tôi vui vì góp được phần vào việc bảo tồn nguồn giống sâm Ngọc Linh để nhân rộng cho bà con Xê Đăng trồng trọt, phát triển kinh tế để thoát nghèo

Bảo vệ HỒ VĂN RỦI

"Đội quân" bản địa

Mưa chiều, lạnh ngắt. Chúng tôi cuốc bộ trên con đường đất từ trung tâm xã Trà Linh vào trại sâm gốc Tăk Ngo nằm chót vót trên đỉnh Ngọc Linh.

Anh Võ Văn Tin, cán bộ Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, người dẫn chúng tôi lên trại sâm, nói rằng ở đây chiều nào cũng mưa, vào trại sâm phải đem theo áo ấm để chống lạnh. "Mình ở không nổi trên đó đâu, chỉ có mấy anh bảo vệ trại là người bản địa mới chịu thấu cái lạnh cắt da cắt thịt đó" - anh Tin nói.

Sau gần một giờ cuốc bộ, chúng tôi lên đến khu nhà ở của nhân viên trại sâm. Đón chúng tôi là đội quân năm người, trong đó có bốn là người Xê Đăng.

Theo anh Hồ Văn Rủi (32 tuổi, nhân viên trại), họ được nhận vào làm nhân viên trại đã được bốn năm nay. Công việc của họ là canh giữ trại sâm cả ngày lẫn đêm, trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh giống.

"Mới đầu lên ở trên rừng thiêng nước độc này, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên rừng già và sâm nên anh em buồn lắm, nhưng dần dà cũng quen" - Rủi bộc bạch.

Bữa cơm tối chỉ nắm rau rừng và một ít cá khô được dọn ra, những nhân viên của trại ngồi ăn vội để kịp giờ đi tuần tra đêm.

Anh Hồ Văn Đoàn (người Xê Đăng, trại phó Tăk Ngo) kể hằng ngày cứ bắt đầu từ 19h là họ chia nhau ra các ngả của vườn sâm để đi tuần, bảo vệ sâm không để người lạ vào nhổ trộm, tận đến 23h mới về trại để ngủ. Đến sáng thức dậy họ lại bắt đầu với công việc phát dọn cây bụi, làm đất trồng và chăm sâm.

"Bất kể trời ráo hay mưa chúng tôi đều phải đi tuần đêm vì kẻ trộm hay lựa lúc đêm khuya mới nhổ trộm sâm" - anh Đoàn nói.

Anh kể các nhân viên trong trại không chỉ giữ sâm mà phải ngăn không cho lâm tặc vào phá rừng già lấy gỗ. Bởi mất rừng đồng nghĩa với việc môi trường để cây sâm sinh sống sẽ bị hủy hoại do sâm được trồng dưới tán rừng.

"May quá, có cán bộ lên"

Theo lời nhân viên tên Hồ Văn Toán, vườn sâm này rộng hơn 70ha nhưng trại chỉ mới trồng sâm trên diện tích chừng 10ha. Nhưng để đi tuần chừng đó hecta cũng đã đủ mệt. Đi trong rừng mà tay chân run lập cập nhưng anh em phải ráng đi vì nhiệm vụ được giao.

"Phải đi tuần như vậy mới ngăn được bọn trộm sâm lẻn vào. Bọn nó tinh vi lắm, nếu không cẩn thận mất sâm như chơi. Là người gác sâm, nếu sâm bị mất thì mình phải chịu trách nhiệm" - Toán tâm sự.

Canh người trộm sâm đã khó, canh giữ chuột ăn sâm còn khó hơn gấp bội. Và không chỉ canh sâm, đội quân bản địa này còn kiêm luôn nhiệm vụ trồng sâm để nhân giống.

Những luống sâm được họ trồng thẳng tắp, dùng cọc tre làm dấu và đánh số để biết mà chăm sóc. Dù vườn sâm rộng nhưng họ quen thuộc đến từng cây sâm.

Nhà của nhân viên trại sâm nằm dưới làng, cách trại sâm hơn một giờ đi bộ nhưng họ ở trại sâm là chủ yếu, rất ít khi về nhà. 15 ngày, một tháng họ mới về thăm nhà một lần hoặc chỉ về khi vợ con bị ốm đau, bệnh tật.

Anh Hồ Văn Rủi cho biết ở trại tiếp xúc với sâm riết rồi đâm quen, yêu sâm còn hơn yêu vợ con ở nhà.

"Vợ, con đau ốm mình lo một chứ cây sâm mà bị trộm hay bị chết thì mình lo mười. Bọn mình đã hứa với ông Bửu, chủ tịch huyện, là sẽ giữ vườn sâm thật tốt thì phải hoàn thành lời hứa" - Rủi nói.

Rủi cũng khẳng định từ khi vào làm ở đây, dù sâm đắt như vàng nhưng chưa bao giờ anh em dám đem một cọng sâm, lá sâm nào về nhà cho gia đình. Vì đã nhận công việc giữ sâm thì không được phép tư lợi cá nhân.

"Chúng tôi vui vì góp được phần vào việc bảo tồn nguồn giống sâm Ngọc Linh để nhân rộng cho bà con Xê Đăng trồng trọt, phát triển kinh tế để thoát nghèo" - Rủi phát biểu như một chuyên gia kinh tế.

Sâm Ngọc Linh đắt hơn vàng nên mọi động tĩnh về vườn sâm, các nhân viên bảo vệ phải báo ngay về trung tâm cho lãnh đạo. Mấy ngày trước ở trung tâm gửi lên mấy ký củ sâm giống để trồng nhưng có vài củ bị thối không nảy mầm được.

Phải chờ có cán bộ ở trung tâm là anh Võ Văn Tin lên để trình "nhân chứng vật chứng", các nhân viên mới được hủy mấy củ sâm thối ấy. Trại phó trại sâm Hồ Văn Đoàn nói ngay về chuyện này: "May quá, có cán bộ lên".

Ông Trịnh Minh Quý, giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, cho biết nhờ có những nhân viên bản địa làm công tác bảo vệ nên trại sâm gốc Tăk Ngo chưa xảy ra vụ mất trộm sâm nào.

hinh-gac-sam-(4)-3(read-only)

Cắm chông xung quanh trại Tăk Ngo để bảo vệ sâm - Ảnh: LÊ TRUNG

Hàng rào an ninh

Mặc dù có đội quân gác sâm nhưng vườn sâm Tăk Ngo cũng phải cần đến hệ thống hàng rào an ninh để bảo vệ. Vườn sâm có hàng rào bằng thép B40 bọc quanh, trên mỗi cổng là hệ thống cảm ứng báo động bằng nhiệt, khi có người lạ vào thì chuông báo động sẽ kêu.

Lưới B40 không chỉ giúp chống xâm nhập mà còn là hành lang an toàn để bảo vệ vườn sâm trước các loài thú lớn trên núi. Ở trại sâm có 10 lớp lưới bảo vệ như vậy.

Ở trại sâm này còn có một ma trận bẫy chông. Bẫy chông được đan bằng tre, nhọn và sắc, cắm quanh hàng rào thép B40, ẩn giấu quanh các gốc cây và hố đào.

Kẻ trộm leo qua hàng rào lưới B40, nếu không để ý nhảy xuống đất thì dính ngay chông.

"Đã dính chông thì đứng im một chỗ chờ chúng tôi tới bắt chứ không nhúc nhích được nữa" - Hồ Văn Rủi nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,364,864       1/259