Sống khỏe

Sôi động thị trường điện thoại cũ

TTO - Dù các hãng điện thoại liên tục trình làng những dòng điện thoại mới với mức giá đa dạng, nhưng có không ít khách hàng vẫn chọn mua những dòng điện thoại cũ.

Sôi động thị trường điện thoại cũ - Ảnh 1.

Nhiều mẫu điện thoại di động model cũ đang được khách hàng lựa chọn mua ở TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Những chiếc điện thoại đã qua sử dụng, thậm chí model đã xuất xưởng 10-15 năm tưởng chừng lỗi thời, nhưng vẫn được nhiều người lùng sục để sở hữu dù mức giá khá cao.

Phong cách hoài cổ trở lại?

Dưới mác "điện thoại cổ", "điện thoại model cũ", những dòng điện thoại từng thịnh hành cách đây khoảng chục năm vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng, tìm mua trở lại.

Tại cửa hàng chuyên bán điện thoại trên đường Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM), hàng loạt dòng điện thoại cũ của các hãng Nokia, Motorola, Sony... được trưng bày trên tủ kính với mức giá 2-10 triệu đồng.

Trong đó các đời máy của Hãng Nokia xuất xưởng khoảng năm 2005 được bán phổ biến như: 8800 Anakin (trên 3,5 triệu đồng), 8800 Sirocco (trên 4,5 triệu đồng), 8800 Arte (trên 7 triệu đồng)...

Ngoài ra, các dòng Nokia E71, E72, Motorola bật nắp... với mức giá tầm vài triệu đồng cũng khá hút khách.

Chọn mua một chiếc Nokia 8800 với giá 4,7 triệu đồng, anh Nguyễn Đình Huy (Q.8) cho biết dù với số tiền đó anh có thể mua được những chiếc điện thoại mới tầm trung nhưng do không có nhu cầu sử dụng nhiều ứng dụng, lại đam mê thiết kế cũ nên anh quyết định mua.

Theo anh Hoàng Gia Bảo (chủ cửa hàng), mỗi tháng cửa hàng này bán gần 300 chiếc điện thoại cổ.

Cửa hàng điện thoại phong cách hoài cổ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) còn nhập và bán những điện thoại cổ đắt tiền, như phiên bản gold của Nokia có giá 10-30 triệu đồng/chiếc.

Theo anh Nguyễn Trùng Dương (chủ cửa hàng điện thoại cổ tại đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình), hiện một số hãng đã sản xuất lại những dòng điện thoại có mẫu mã cách đây cả chục năm, nhưng không ít người vẫn chuộng mua những bản cũ dù chất lượng, thời lượng pin không tối ưu.

"Nhiều máy tuy cổ nhưng là hàng tồn kho, hàng dùng thử vẫn còn nguyên đai nguyên kiện... rất được giá" - anh Dương nói.

Nhiều lý do dùng điện thoại model cũ

Theo các chủ cửa hàng bán điện thoại model cũ, phần lớn khách hàng đều ở lứa tuổi trung niên, thích hoài cổ hoặc mua để tặng lại người thân. Ngoài ra, nhiều người cũng lựa chọn các dòng điện thoại cổ bởi thói quen sử dụng cũ, tin rằng có tính bảo mật cao, không sợ theo dõi định vị hay lộ các thông tin cá nhân như các dòng điện thoại thông minh hiện nay...

Nhộn nhịp điện thoại cũ

Bên cạnh điện thoại model từ những năm 2000-2009, hiện nay nhiều trang web chuyên mua bán qua mạng như chotot.com, raovat.vn, muaban.net... các tài khoản cũng liên tục đăng tải thông tin rao bán những loại điện thoại đã qua sử dụng với mức giá chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Việc mua bán khá tấp nập, các tài khoản liên tục đăng tải thông tin rao bán đủ loại điện thoại đã qua sử dụng. Đây phần lớn là những dòng điện thoại thông minh của các hãng Apple, Samsung, Nokia, Sony... với những lời quảng cáo hấp dẫn như "mới 99%", "bao mới"...

Không chỉ cá nhân rao bán, các cửa hàng điện thoại cũng bán hàng trực tuyến đi kèm chính sách ưu đãi tại cửa hàng. Phần lớn những chiếc điện thoại này chỉ được bán bằng 2/3 giá máy mới, thậm chí có những chiếc chỉ bằng 1/3.

Tại các cửa hàng điện thoại trên đường Trần Quang Khải (Q.1), các dòng điện thoại iPhone 6, 7, 8 và Galaxy S7, 8... cũng khá đắt khách.

Anh Bùi Văn Định (quản lý cửa hàng của hệ thống Cellphones) cho biết mỗi ngày chi nhánh này bán ra khoảng 20 điện thoại cũ, chủ yếu là các dòng điện thoại iPhone với mức giá bằng 40-50% máy mới.

Còn tại các hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A... các loại điện thoại còn bảo hành vẫn được khách hàng chọn mua với giá thành ưu đãi, giảm 20-30% so với giá máy mới.

Nên yêu cầu hàng có bảo hành

Theo quản lý của một hệ thống cửa hàng điện thoại tại TP.HCM, đối với điện thoại model đời cũ hoặc hàng đã qua sử dụng, không loại trừ điện thoại đã hỏng được tân trang, người dùng khó phân biệt được. Do đó, nên chọn mua ở những cửa hàng uy tín. Đặc biệt, hàng cũ nhưng nhiều cửa hàng vẫn bảo hành cho khách. Vì vậy, người mua nên yêu cầu có bảo hành để đảm bảo không bị thiệt thòi nếu quá trình sử dụng xảy ra hỏng hóc, lỗi phần mềm.

Cẩn trọng khi mua, bán máy cũ

Tuy thị trường điện thoại model cũ và đã qua sử dụng hiện ngày càng đa dạng về dòng máy, đời máy và giá cả nhưng theo các chủ cửa hàng điện thoại, rủi ro khi mua loại điện thoại này khá lớn.

Phần nhiều cửa hàng điện thoại cổ hoặc các tài khoản rao bán trên mạng đều khẳng định đây là hàng trong nước, hàng chính hãng hoặc phụ kiện chính hãng.

Tuy nhiên, theo một chủ cửa hàng điện thoại trên đường Trần Quang Khải (Q.1), phần lớn điện thoại model từ những năm 2000-2009 được xách tay từ nước ngoài như Mỹ, châu Âu, Hong Kong nhưng thực tế có một số lượng không nhỏ là hàng Thâm Quyến (Trung Quốc).

Anh Nguyễn Trùng Dương cho biết thị trường có rất nhiều hàng "dựng", thay thế phụ tùng không chính hãng làm mất giá trị của điện thoại nhưng rất khó để khách hàng phân biệt.

Theo anh Dương, điểm hạn chế đối với các loại điện thoại cổ là rất khó tìm phụ tùng, linh kiện thay thế, sửa chữa nếu hư hỏng. Ngoài ra, một số điện thoại cũ thường mắc các lỗi trong quá trình sử dụng mà người mua khó có thể phát hiện ngay khi mua.

Với điện thoại thông minh đã qua sử dụng, theo chuyên gia công nghệ thông tin Phạm Hồng Phước, khách hàng phải cẩn trọng để không "tiền mất tật mang", đặc biệt trong việc bảo mật thông tin.

Cụ thể, khách hàng không nên chọn mua những dòng điện thoại bị khuyến cáo có cài các phần mềm thu thập dữ liệu.

Để tránh các nguy cơ, trước khi sử dụng, khách hàng cần khôi phục cài đặt gốc, đưa máy trở về chế độ mặc định để xóa, gỡ bỏ những phần mềm có hại, phần mềm gián điệp mà có thể chủ trước đã cài để lấy các thông tin cá nhân.

Ngay cả khi bán lại máy cũ, người dùng cũng nên cân nhắc, bởi hiện nay trên thị trường có nhiều phần mềm có thể khôi phục được một số dữ liệu trên máy dù đã xóa.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,364,936       1/259