TTO - Không phải lúc nào bình mới rượu cũ cũng đồng nghĩa với việc sáng tạo nửa vời. Nếu như rượu cũ đã đủ ngon thì chẳng tội gì các nghệ sĩ lại không đem nó ra chưng cất lại.
Ca sĩ Lam Trường trong teaser Lam Trường 9PM live - Ảnh chụp từ màn hình
1. 18 năm trước, Lam Trường lần đầu tiên hát Lãng quên chiều thu. Khi đó là trong album Biển trắng, một album nhạc Hoa lời Việt, trào lưu âm nhạc đặc biệt thịnh hành thời bấy giờ ở Việt Nam, cùng với làn sóng văn hóa Hoa ngữ đến từ phim ảnh Hong Kong hay các tiểu thuyết trữ tình của Quỳnh Dao.
Giờ đây, anh chọn ca khúc này làm bài hát mở màn dự án 9PM live, nơi anh hát lại những ca khúc đã gắn bó với mình từ buổi đầu lập nghiệp.
18 năm trước, Lam Trường đã hát nó rất hay. 18 năm sau, anh dường như càng hát hay hơn trước.
Cách xử lý đã bớt màu sắc "kịch tính" na ná các ca thần Hương Cảng như Trương Học Hữu, Lưu Đức Hoa. Cách phối khí bài hát cũng không còn "sến" như âm nhạc Hong Kong thập niên 1990 nữa.
Cũng có thể người ta cảm tưởng anh hát hay hơn vì hiệu ứng của một giai điệu cũ, như rượu càng để lâu càng nồng nàn mùi năm tháng.
Trong bối cảnh những ca khúc mới có cá tính đặc sắc thưa thớt như lá mùa đông, nhiều ca sĩ chọn cách hát lại nhạc xưa. Như Lam Trường và Hà Anh Tuấn là những ví dụ điển hình.
Ca sĩ Tùng Dương - Ảnh: H.NGUYỄN
2. Cũng có nghệ sĩ như Tùng Dương hát lại các bài hát kinh điển của bộ tứ sông Hồng vì mối duyên trời định và vì theo anh, nghệ sĩ có vai trò sáng tác cái mới đã đành, nhưng ngoài ra còn phải biết giữ gìn cái đã có, cái bất hủ.
Bộ tứ sông Hồng hay còn gọi là "tứ quái Hà Nội", cái tên ấy là do thi sĩ Thụy Kha đặt cho bốn nhạc sĩ Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường.
Sau này, Trần Tiến trong cuốn Ngẫu hứng có bảo "băng nhóm" của mình giống giang hồ Lương Sơn Bạc. Dương Thụ làm nhạc ủ mưu như Tống Giang, Nguyễn Cường làm nhạc nhanh như múa kiếm, có thể so sánh với lãng tử Yến Thanh.
Tùng Dương - Hà Trần hát Mẹ tôi (Trần Tiến)
Trong đêm nhạc Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng đêm 5-6 tại Hà Nội, hát trước bốn nhạc sĩ gạo cội, Tùng Dương tự nhận mình là "thằng oắt con", nghĩa là không thể nào đứng chung mâm với tiền bối.
Nhưng nếu phải tìm vị anh hùng Lương Sơn Bạc phù hợp với anh, có lẽ nên xếp anh là chàng Võ Tòng can đảm, uống ngà ngà say thì xông hẳn vào rừng đả hổ.
Trong bốn nhạc sĩ kể trên, hát nhạc của một người thôi đã là khó, vậy mà Tùng Dương tự đâm đầu vào nhiệm vụ bất khả thi là ghép cả bốn ông làm một, điều mà trước đó người ta chỉ dám nghĩ chứ không dám làm.
Và lần này anh hát không giống một kẻ "hầu đồng", mà có lẽ giống với người mới uống xong ba chén rượu, đủ để điên nhưng không điên quá.
3. Chẳng riêng gì tại Việt Nam, ở nước ngoài người ta cũng đem "rượu cũ" ra uống lại. Không phải ngẫu nhiên mà Grammy có riêng hạng mục "Album pop truyền thống xuất sắc" để vinh danh những sản phẩm cover các ca khúc kinh điển của nước Mỹ đầu thế kỷ 20.
"Duke Ellington quá cố từng nói với tôi rằng ông ấy rất ghét từ "phân loại". Âm nhạc không có "phân loại"; nó hay hoặc dở và tôi đang hát những ca khúc hay được viết ra bởi những nhạc sĩ đỉnh cao. Nhờ thế mà chúng sống mãi" Tony Bennett, người vừa giành giải thưởng lần thứ 13 vào đầu năm nay, trải lòng.
Với Bennett thì chỉ có nhạc của Cole Porter hay Ira Gershwin mới đáng để hát, cỡ The Rolling Stones chỉ giống "một lũ tội phạm vị thành niên", còn sau The Stones thì... ông chẳng hơi đâu quan tâm.