Sống khỏe

Cậu bé quét chung cư mơ làm thầy giáo

TTO - Cha bỏ đi từ lúc mới lọt lòng, Thái Thành theo mẹ quét chung cư thuê mỗi ngày và tranh thủ làm thêm nhiều việc nặng nhọc buổi tối để đến trường.

Cậu bé quét chung cư mơ làm thầy giáo - Ảnh 1.

Hai mẹ con Thành quét dọn chung cư kiếm 600.000 đồng mỗi tháng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Đường học gian truân

Nghe Thành chia sẻ về lí do hai năm học gián đoạn, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Năm con học lớp 6, quá khó khăn không có tiền cho con đi học, bà Nguyễn Thị Thương, mẹ em, quyết định cho con nghỉ học một năm.

Một năm không đến giảng đường, cậu bé phải lo lăn lộn vào đời kiếm sống. Nhưng vì khát khao vươn tới con chữ, Thành đã tiếp tục trở lại trường học khi hai mẹ con kiếm đủ tiền học phí.

Năm lớp 10, đúng ngày thi môn Toán, Thành mệt rã rời sau một buổi sáng bốc vác thuê. Em ngủ quên và đến phòng thi muộn. Hai mẹ con đèo nhau đến trường khi đã quá nửa giờ làm bài thi. Không được làm bài thi cuối kỳ, Thành chỉ biết ôm mẹ mà khóc tức tưởi. Thế là Thành phải học chậm một năm.

Ở khu chung cư Nại Hiên Đông 2, bà con thương hai mẹ con Thành không chỉ vì hoàn cảnh mẹ đơn thân nuôi con mà cả sự ngoan ngoãn, lễ phép và cần cù, chịu khó của Thành.

Từ nhỏ, ngoài giờ học, Thành cùng mẹ nhận quét dọn vệ sinh toàn khu chung cư. Mỗi tháng hai mẹ con được trả công 600.000 đồng.

Nhìn hình ảnh cậu trai đang tuổi lớn ngày ngày cầm cây chổi quét từng bậc thang, ai nấy ở chung cư cũng xúc động.

Biết hoàn cảnh hai mẹ con, chị Đặng Hồng Cam Vũ, sống cùng chung cư với Thành, cho biết: "Nhìn em cầm cây chổi quét trước, cô Thương hì hục lau sàn đằng sau hết bậc thang này đến bậc thang khác mà xúc động. Thương em một phần, mà thấy thán phục cậu bé nghị lực và chịu khó. Tuổi đó, đa số các em trong vùng chỉ lo ăn với học nhưng Thành đã biết nghĩ, biết phụ mẹ mà không ái ngại".

Bà con trong khu nhắc đến Thành với cái tên cậu bé quét chung cư. Nhưng ít ai biết, ngoài giờ học và phụ việc quét dọn với mẹ, hằng ngày Thành phải chạy đôn chạy đáo kiếm thêm đủ thứ việc làm.

Để có tiền đến trường và phụ mẹ cái ăn, Thành làm đủ việc, từ bốc vác thuê, phụ cắt chỉ ở công ty may, làm bánh tráng, bán cà phê… Hễ ai kêu việc gì làm buổi đôi ba chục ngàn là em đạp xe đi liền.

Mong chạm đến ước mơ

Qũy thời gian của Thành có hạn và tuyệt nhiên không có thời gian dành cho việc học thêm.

Thành từ nhỏ đã đam mê các môn học xã hội. Ước mơ của Thành là trở thành một giáo viên dạy môn Lịch sử hoặc Địa lý. Ngoài giờ học trên lớp, em thường lên mạng tìm hiểu về lịch sử thế giới, những câu chuyện lịch sử trong nước mà sách giáo khoa không đề cập, hay các thông tin về địa lý, con người khắp nơi.

Nhưng câu chuyện ké mạng của em cũng khiến người nghe cười ra nước mắt. Dành được một số tiền nhỏ mua chiếc điện thoại có thể truy cập Internet, nhưng hai mẹ con không có điều kiện bắt mạng. Vậy là mỗi tối, muốn vào xem thông tin, em lại xin ké mạng hàng xóm. Nhiều lần đang xài thì họ cắt mạng, có người cho ké được ít hôm thì không cho ké nữa vì mạng yếu.

Cậu bé buồn thiu chỉ biết lôi những cuốn sách cũ đã đọc đi đọc lại nhiều lần ra nghiền ngẫm. Mỗi lần thi cử, cần vào mạng tìm thông tin gì là Thành lại đạp xe rất xa đến nhà bạn học.

Cậu bé quét chung cư mơ làm thầy giáo - Ảnh 2.

Hai mẹ con ăn vội cơm tối rồi Thành tất tả đạp xe đến chỗ bốc hàng, bà Thương chợp mắt đến 12h đêm thì quang gánh ra cảng cá - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Dù khó khăn là vậy, Thành luôn đạt loại khá trong các năm học. Thành tích ở trường của cậu bé không đáng chú ý bằng sự chững chạc, thông minh trong cách nói chuyện và suy nghĩ. Vì ra đời sớm, lăn lội với nhiều việc khác nhau, em trưởng thành hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa.

Thành nói đầy tự tin: "Em không ngại với các bạn khi phải đi làm nhiều hơn. Em thấy đó là những công việc phù hợp và vì lao động chân chính nên em không có gì phải ngại".

Với cậu học trò lớp 11, điều mà suốt những năm qua khiến cậu trăn trở vẫn là suy nghĩ mong thoát khỏi chữ nghèo: "Em lớn rồi, nhưng cứ mỗi lần được gọi lên trước toàn trường để trao tiền trợ cấp cho học sinh nghèo, em lại thấy mừng mà tủi. Em chỉ mong sao cố gắng làm việc để thoát khỏi cái nghèo".

Chữ nghèo gắn với gia đình cậu bé từ khi ba bỏ đi, Thành còn nhỏ xíu. Thành phố hỗ trợ cho mẹ con một căn chung cư. Trước đây bà Thương gánh cá thuê xuyên đêm ở cảng cá Thọ Quang, mỗi gánh nặng thì 10.000, gánh nhẹ 5.000 đồng.

Công việc nặng, phải làm xuyên đêm tới sáng, ngày kiếm đôi ba chục ngàn bào mòn sức khỏe người mẹ đơn thân. Bà Thương bị thoái hóa cột sống, các khớp xương cũng thương tổn theo thời gian.

Cậu bé quét chung cư mơ làm thầy giáo - Ảnh 3.

Thành nổi tiếng trong khu là đứa con hiếu thảo - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Mỗi ngày với người phụ nữ nghèo là một ngày ước vọng cho con được học hành đến nơi đến chốn. Còn với Thành, ước mong lớn nhất của cậu là mẹ thật khỏe mạnh để lo cho em học rồi sau này em tự lo được tương lai và lo cho mẹ mình thật tốt.

Sau một ngày vật lộn với công việc mưu sinh, bữa cơm tối được dọn ra với độc một món canh rau dền đỏ. Hai mẹ con ăn vội rồi Thành tất tả đạp xe đến chỗ bốc hàng, bà Thương chợp mắt đến 12h đêm thì quang gánh ra cảng cá.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

‘Em muốn đi học chứ không muốn làm osin’ ‘Em muốn đi học chứ không muốn làm osin’

TTO - Để có tiền đi học, Lê Thị Ngọc Yến, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Phong Thu (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) từng phải đi làm giúp việc cho một nhà khá giả trong vùng.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,197,495       4/773