TTO - Không nên đặc xá số lượng lớn là quan điểm được nhiều đại biểu chia sẻ khi thảo luận dự án Luật Đặc xá sửa đổi tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội hôm nay 11-6.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) - Ảnh: QUANG VINH
Trong 10 năm qua, với 7 lần đặc xá, có khoảng 87.000 người được đặc xá. Trong đó có khoảng 50.000 người, bằng 57%, có việc làm và thu nhập ổn định khi trở lại cộng đồng.
Con đường hoàn lương không dễ dàng
Dẫn con số nêu trên, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị sửa đổi luật phải hướng tới nâng cao chất lượng công tác đặc xá, bảo đảm ý nghĩa đặc biệt và giá trị khác biệt cơ bản của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác.
"Đề xuất cho người được đặc xá phải chặt chẽ hơn để đúng nghĩa là ân huệ đặc biệt dành cho những người thực sự xứng đáng, không nên đặc xá số lượng quá lớn như hiện nay", bà Hiền kiến nghị.
Vẫn theo đại biểu Trần Thị Hiền, tỉ lệ 57% người được đặc xá có việc làm và thu nhập ổn định phần nào cho thấy con đường hoàn lương không dễ dàng.
"Thực tế không ít doanh nhân, nhà quản lý, người có chuyên môn sâu vướng vào vòng lao lý từ chính kinh nghiệm phải trả giá bằng những năm tháng mất tự do, họ có khao khát được làm lại cuộc đời nhưng khi được đặc xá rồi cơ hội mưu sinh phấn đấu của họ tạm thời bị chặn lại bởi hình phạt bổ sung bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định 1-5 năm", bà Hiền phản ánh.
Do vậy, đại biểu Hà Nam đề nghị khi xét đặc xá cần "xem xét, miễn nhiệm giảm một số hình phạt bổ sung nhằm tiếp lửa một cách thực chất cho con đường hoàn lương của những người thực sự xứng đáng".
Giá trị của đặc xá với tính chất là ân huệ đặc biệt được hiến định thuộc thẩm quyền của người đứng đầu nhà nước là có khác biệt so với hình thức khoan hồng khác như miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam)
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) đề nghị giữ quy định hiện hành là chỉ thực hiện đặc xá vào 3 thời điểm gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt, và quy định rõ từng trường hợp.
"Thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước? Ngày bầu cử Quốc hội, ngày Đại hội Đảng toàn quốc có là sự kiện trọng đại của đất nước không? Đối với trường hợp nhân ngày lễ lớn của đất nước chỉ nên quy định đặc xá vào những năm chẵn, đặc xá với những thời điểm ngắn quá sẽ làm mất ý nghĩa của việc đặc xá", ông Thịnh phát biểu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (bìa phải), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (giữa) và đại biểu Quốc hội trao đổi sau phiên thảo luận sáng 11-6 - Ảnh: Quochoi.vn
Đặc xá khác tha tù trước thời hạn
Tham gia thảo luận, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình nhận định thời gian qua việc đặc xá "hơi bị lạm dụng quá" - trong 10 năm đặc xá 7 lần, tính ra một đợt đặc xá hơn 10.000 người.
"Điều này tạo ra mâu thuẫn là khi hội đồng xét xử tăng hình phạt lên 6 tháng hay 1 năm phải họp cân nhắc, thậm chí chịu áp lực rất lớn từ xã hội, nhưng khi đặc xá thì đặc xá với số lượng rất lớn và rất nhiều năm", Chánh án phân tích.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng đặc xá như vậy cho thấy pháp luật thiếu nghiêm minh. Và để khắc phục tình trạng này, Quốc hội khi thông qua Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung chế định mới là tha tù trước thời hạn.
"Việc tha tù trước thời hạn này được thực hiện hằng năm, có thể 2 đợt hoặc 3 đợt, phần lớn gắn liền với các ngày lễ trong năm. Đặc xá và tha tù trước thời hạn có nhiều điểm khác nhau, ví dụ thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch nước và tha tù trước thời hạn là của Chánh án các cấp. Nhiều đại biểu nói Chủ tịch và Chánh án các cấp bằng nhau thì không phải", ông Bình giải thích.
Chánh án chi ra điểm khác nhau cơ bản giữa hai chế định này: Tha thù trước thời hạn là nếu trong thời hạn được tha tù, chấp hành ở ngoài nhà tù mà có vi phạm thì phải quay lại nhà tù để chấp hành phần còn lại của bản án.
"Ví dụ anh bị án 10 năm, đã chấp hành 5 năm và được tha tù trước thời hạn, nếu anh vi phạm thì phải trở lại nhà tù để thực hiện 5 năm còn lại này. Còn đặc xá là tha luôn không phải quay lại nhà tù nữa", ông Nguyễn Hòa Bình nói.
"Như vậy tha tù trước thời hạn vừa thể hiện tính nhân đạo, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, gắn liền với trách nhiệm của cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương và bản thân người được tha tù trước thời hạn trong việc giữ gìn, không tái phạm".