TTO - Cuộc xét duyệt giáo viên ra giảng dạy tại các trường ở xã đảo, thị trấn thuộc quần đảo Trường Sa của Sở GD-ĐT Khánh Hòa vừa chọn được 5 giáo viên trẻ cho chuyến công tác 5 năm trên đảo.
Thầy giáo và học sinh trong một tiết học trên đảo Trường Sa - Ảnh: VĨNH THÀNH
Một lứa giáo viên mới, trẻ ra đảo với tâm thế cống hiến và học hỏi, cũng là lúc những giáo viên đã gắn bó với đảo hoàn thành nhiệm vụ trở về trong sự lưu luyến nhớ trường, nhớ lớp và những học trò từng ngày đang lớn lên cùng Trường Sa.
Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về lịch sử ý nghĩa các hòn đảo Phan Vinh, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca... Đây là cơ hội hiếm có để tôi được sống, làm việc và chứng kiến hình hài những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà bấy lâu chỉ được học qua sách vở
Thầy Nguyễn Công Qua
Đi để trưởng thành
"Quê em ở Trường Sa. Mỗi bước em đến trường. Phong ba rợp bóng mát. Chú hải quân đứng gác. Thân thương quá đi thôi. Yêu lắm Trường Sa ơi...". Bài thơ do các em học sinh Trường tiểu học Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa) đồng thanh đọc vang lên từ chiếc điện thoại nhỏ, khiến thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Ngọc (25 tuổi), một trong năm giáo viên trúng tuyển trong đợt đi Trường Sa năm nay, xốn xang, trong lòng rạo rực.
Không lâu nữa, Bá Ngọc sẽ chính thức nhận nhiệm vụ 5 năm ở xã đảo. Đang là giáo viên tại Trường tiểu học Sơn Trung (huyện Khánh Sơn) gần nhà, việc Bá Ngọc quyết định từ bỏ công việc thuận lợi để chọn dạy học nơi sóng gió khiến gia đình, người thân, bạn bè không khỏi bất ngờ.
Nói về quyết định của mình, Bá Ngọc bộc bạch rằng trong những năm tháng học THPT, tình cờ trong một lần trường tổ chức buổi ngoại khóa về biển - đảo, được xem phim tư liệu qua máy chiếu biết đến lớp học "5 trong 1" ở quần đảo Trường Sa. Năm lớp học nhưng chỉ chín em học sinh.
Trong căn phòng đơn sơ giữa chân trời Tổ quốc, bốn tấm bảng treo bốn bên tường, chín em học sinh ngồi quay lưng lại với nhau. Thầy cô giáo vừa giảng bài cho hai em lớp 4 rồi quay sang chỉ cho hai em lớp 3 ôn bài, một em lớp 5 viết tập làm văn.
Cùng với đó là hình ảnh các em học sinh ngồi học giữa nắng nóng, một tay tập viết, tay kia lau mồ hôi. Đồ dùng, dụng cụ học tập không được đầy đủ như trên đất liền, phải lấy vỏ sò tập đếm.
"Ước mơ được ra Trường Sa dạy học trong tôi cứ thế lớn dần lên. Cũng chính vì thế mà sau này tôi chọn học sư phạm tiểu học cũng để hi vọng sẽ đến được Trường Sa, nơi có những học trò nhỏ.
Được đến Trường Sa dạy học là ước mơ cháy bỏng chắc không phải riêng tôi mà của nhiều giáo viên khác. Tôi quyết tâm đi bằng được bởi đối với những giáo viên trẻ như tôi sẽ được trải nghiệm, học hỏi cách dạy, môi trường mới để trưởng thành hơn" - thầy Ngọc nói.
Những ngày này, ngoài phụ giúp gia đình, khi rảnh rỗi thầy Nguyễn Công Qua (24 tuổi, huyện Diên Khánh), một giáo viên trẻ được tuyển đi Trường Sa đợt này, thường trau dồi thêm kiến thức sư phạm, "nạp" thêm thông tin về Trường Sa từ báo, đài, Internet để khi đến với Trường Sa thì ngay lập tức bắt nhịp, không lạ lẫm và bỡ ngỡ.
Thầy Qua cũng xác định Trường Sa cách đất liền rất xa, nếu nhà có việc thì không phải muốn là về được ngay.
Khi tôi giới thiệu những danh lam thắng cảnh tươi đẹp, cao nguyên hùng vĩ, con nước ròng rồi con nước lớn..., nghe xong các em ai cũng thích thú, hớn hở, xuýt xoa: “Ở đất liền thích quá thầy nhỉ. Mai mốt thầy dẫn tụi em đi nghen thầy”. Nghe vậy tôi thương các em vô cùng
Thầy Phạm Trung Việt
Thầy Nguyễn Công Qua (trái) và thầy Phạm Xuân Diệu - hai giáo viên trúng tuyển đi Trường Sa - Ảnh: THÁI THỊNH
Vừa về đã nhớ đảo
Thầy giáo Phạm Trung Việt (huyện Vạn Ninh) là người may mắn trong hàng trăm người viết đơn tình nguyện làm việc trên quần đảo Trường Sa năm 2013. Đến nay, sau 5 năm công tác, sắp đến ngày trở về, đối với thầy Việt có nhiều xúc cảm đặc biệt.
Thầy Việt chia sẻ rằng ngày nhận nhiệm vụ giảng dạy, Trường tiểu học thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa) chưa xây được trường. Lớp học là dãy nhà mượn của bộ đội. Nắng nóng, đảo không điện, không quạt, lũ trẻ vừa ngồi học vừa lau mồ hôi.
Việc dạy học ở đảo hoàn toàn khác so với trong đất liền, số lượng học sinh ít, biên chế mỗi đảo chỉ có hai người nên phải dạy ghép.
Thầy giáo chia các em thành hai lớp ghép, học hai buổi/ngày. Một lớp dành cho học sinh lớp 1 đến lớp 3, lớp còn lại là học sinh lớp 4, 5. Có khi các em ở tuổi mẫu giáo thấy các anh chị đi học cũng đòi đi theo nên thầy phải nhận luôn, ghép vào nhóm lớp nhỏ. Em nào lớn thì cho tập viết chữ, những em nhỏ tuổi thì bày bài hát hoặc cho tô màu theo chương trình mẫu giáo.
Thầy Việt tâm sự một ngày mới bắt đầu đối với thầy cô giáo ở đảo thường vào lúc 5h30 tập thể dục cùng lính đảo. 7h sáng dạy chữ cho các em học sinh, 11h cho các em về nhà rồi chiều đón các em tới lớp.
Hết giờ học chiều lại cùng các em vui chơi, đá bóng, hoặc hướng dẫn cách trồng rau xanh. Thầy cô giáo vừa làm thầy, "bảo mẫu" và là người bạn tâm tình của bao thế hệ học sinh lớn lên nơi biển đảo.
"Những ngày dạy học ở Trường Sa đã rèn luyện cho tôi tinh thần tự lực. Sống và làm việc tại đảo, trải qua những đợt mưa dông bão tố hay nắng hạn ở Trường Sa đủ để tôi cảm nhận được tình quân dân "như cá với nước", tình thầy trò thân thương, sâu đậm. Thời gian dạy học ở Trường Sa 5 năm, nhưng đối với tôi đó là những năm tháng đẹp nhất trong đời dạy học" - thầy Việt xúc động nói.
Cũng là một trong các thầy cô giáo dạy học ở đảo Song Tử Tây trở về đợt này, thầy Lê Xuân Quyết (huyện Vạn Ninh) chia sẻ chính các em học sinh và tình yêu biển đảo, tình quân dân đã níu bước chân anh ở lại hoàn thành nhiệm vụ suốt 5 năm qua.
Đã có những lần nghỉ phép lâu lại không quen, đêm nằm không nghe tiếng sóng biển thì nhớ đảo, nhớ trường, nhớ học trò, mà theo lời thầy Quyết thì: "Ở đây không có sự phân biệt, chỉ có tình quân dân gắn bó, tình thầy trò như người thân trong một gia đình.
Không nói hết các khó khăn, trở ngại những ngày đầu dạy học ở đảo, nhớ nhà, người thân ở đất liền, nhưng chính môi trường gian khổ, khí hậu khắc nghiệt ấy đã tôi luyện bản lĩnh người giáo viên đứng vững trên bục giảng nơi đầu sóng".
Quan tâm đến thầy cô ở Trường Sa
Cô Hoàng Thị Lý, phó giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, chia sẻ những năm trước đây chỉ có một giáo viên từ đất liền ra đảo, còn lại lấy nguồn từ các cán bộ xã. Từ năm 2013-2018, tuyển được sáu giáo viên hiện tại đang dạy ở quần đảo Trường Sa. Đến nay đã hình thành ba trường học ở quần đảo Trường Sa gồm: Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa. Mỗi đảo có hai giáo viên.
Do số lượng học sinh lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học ít, mỗi đảo có hai giáo viên nên thầy cô giáo phải dạy ghép áp dụng mô hình trường học mới (VNEN). "Những vùng đảo xa xôi chịu nhiều thiệt thòi về cơ sở vật chất, tinh thần. Do đó, vào dịp hè hằng năm các thầy cô giáo dạy ở Trường Sa được tạo điều kiện cho nghỉ phép một tuần trở về đất liền, được tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để đồng đều như các giáo viên khác" - cô Lý nói.
Mỗi giáo viên một hoàn cảnh, thầy Nguyễn Hữu Phú (36 tuổi, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) ba mẹ mất từ nhỏ, chưa lập gia đình, chuyến đi Trường Sa 5 năm đồng nghĩa với việc sẽ gác lại chuyện vợ con. Thầy Phạm Xuân Diệu (24 tuổi) là con một nên lo lắng cha mẹ già yếu không ai chăm sóc. Thầy Bành Hữu Tình (huyện Cam Lâm) có chút vướng bận vợ con. Nhưng được sự động viên của gia đình, người thân, ai cũng quyết tâm, háo hức được ra Trường Sa, đóng góp chút gì nhỏ bé cho vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc và để mình trưởng thành hơn.