TTO - Người dân Hàn Quốc đã dành những tràng vỗ tay lớn để ca ngợi cuộc hội đàm giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong khi truyền thông địa phương gọi đây là "cuộc đàm phán thế kỷ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại lễ ký kết thỏa thuận lịch sử - Ảnh: AFP
Khi cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa hai lãnh đạo đương nhiệm Mỹ và Triều Tiên bắt đầu tại Singapore, hình ảnh và video về cú bắt tay lịch sử giữa ông Trump và ông Kim cùng những lời lẽ nồng ấm dành cho nhau đã tạo nên làn sóng vui mừng tại Seoul cũng như hy vọng về một khởi đầu mới cho Bình Nhưỡng.
Phiên bản tiếng Anh của Korea Times chào đón cuộc hội đàm như là một bước hướng đến chấm dứt những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vốn bị chia cắt gần 70 năm qua.
"Hai nhà lãnh đạo chắc chắn phải chịu nhiều áp lực lớn để đưa cuộc đàm phán thế kỷ đến sự thành công. Chúng tôi hy vọng hội nghị thượng đỉnh ngày hôm nay sẽ mang đến một bước đột phá để mở ra một kỷ nguyên mới về hòa bình và thịnh vượng" - tờ Korea Times viết.
Tuy nhiên vẫn còn một số người dân tỏ ra thận trọng với cuộc đàm phán này khi cho rằng những nỗ lực tương tự trước đây nhằm cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng đã không thành công.
Trong khi đó Trung Quốc hôm nay cũng dành những lời khen ngợi cho cuộc gặp lịch sử giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong Un.
Ngoài ra Bắc Kinh cũng lên tiếng kêu gọi "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" để giải quyết những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Thực tế rằng hai nhà lãnh đạo "có thế cùng ngồi xuống và có cuộc đàm phán bình đẳng là điều quan trọng và rất có ý nghĩa và điều này đang tạo ra một chương mới trong lịch sử" - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên.
"Điểm then chốt của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là về an ninh. Phần khó khăn và quan trọng nhất trong vấn đề an ninh này là việc Mỹ và Triều Tiên có thể ngồi xuống để tìm ra cách giải quyết thông qua đối thoại bình đẳng" - ông Vương nhận định.
"Giải quyết vấn đề hạt nhân, một mặt dĩ nhiên là phi hạt nhân hóa, phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Cùng lúc cũng cần phải có một cơ chế hòa bình cho bán đảo để giải quyết những quan ngại an ninh từ phía Bình Nhưỡng" - ông Vương nói tiếp.
Bắc Kinh là đồng minh chính và duy nhất của Bình Nhưỡng cũng là đối tác thương mại chính của quốc gia này.
Tuy nhiên Trung Quốc đã ủng hộ một loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ dành cho Triều Tiên sau khi nước này tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.
Bất chấp những căng thẳng trên, như AFP đưa tin, Trung Quốc và Triều Tiên gần đây đã cải thiện quan hệ khi ông Kim Jong Un mượn một chiếc máy bay của hàng không Trung Quốc để bay đến Singapore dự hội nghị.