TTO - Ngày 12-6, tại Hà Nội, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam khởi động dự án mới mang tên "Bứt phá" với kinh phí 4 tỉ đồng nhằm thúc đẩy nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn.
Bà Hương Giang, cán bộ truyền thông Care Quốc tế tại Việt Nam, trình bày về dự án "Bứt phá" - Ảnh: D. AN
Dự án sẽ do CARE Quốc tế tại Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Công ty P&G (Procter & Gamble) và Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Điện Biên triển khai trong thời gian hai năm 2018-2019 với nguồn kinh phí là 200.000 USD (hơn 4 tỉ đồng).
Dự án dựa trên kinh nghiệm lâu năm của CARE trong việc hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam tiếp cận tốt hơn các dịch vụ tài chính vi mô, sử dụng công cụ kinh điển mà CARE phát triển từ những năm 1990 là Nhóm Cổ phần tài chính tự quản, hay còn gọi là nhóm tiết kiệm thôn bản.
Bà Bùi Thị Xiểm (ngoài cùng bên trái), người dân tộc thiểu số ở tỉnh Hòa Bình, chia sẻ về mô hình Nhóm Cổ phần tài chính tự quản. Video: D. AN
Tại Việt Nam, nghiên cứu năm 2011 của Ngân hàng Thế giới chỉ ra chỉ 21% người lớn có tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức - mức thấp nhất trong khu vực Đông Á. Trong đó, hệ thống ngân hàng truyền thống phần lớn tập trung ở khu vực đô thị.
Theo Care Quốc tế tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chủ yếu cho các cộng đồng dân tộc thiểu số là Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp, Quỹ Tín dụng nhân dân.
Đặc thù của các sản phẩm tài chính này khiến cho nhiều phụ nữ nghèo thuộc khu vực dân tộc thiểu số chưa thể tiếp cận được các dịch vụ vay và tiết kiệm cần thiết cho đời sống hàng ngày và hoạt động sản xuất của họ.