Sống khỏe

Chữa lành vết thương lòng như người phương Tây

TTO - Nếu xét về tỉ lệ ly hôn, con số khiến nhiều người giật mình. Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng có đến hơn 50% các cặp vợ chồng tại Bỉ, Pháp, Mỹ... ly hôn.

Chữa lành vết thương lòng như người phương Tây - Ảnh 1.

Một trong những cách giúp các cặp đôi nước ngoài chia tay trong êm ấm là nghĩ về tương lai của đứa con và chính mình - Ảnh: Genconnectu

Từng có thời gian nhiều người Á Đông chỉ trích, phê phán việc người phương Tây sao "cả thèm chóng chán". Một số người băn khoăn vì sao tỉ lệ chia tay của các cặp đôi ở những quốc gia đã phát triển lại cao, vì theo họ "đã phát triển" thì đồng nghĩa hai bên có sự lựa chọn kỹ càng khi tìm hiểu nhau nên tỉ lệ chia tay lẽ ra phải thấp.

“Trước khi chia tay, chúng tôi đã ngồi trò chuyện cùng nhau rất nhiều, xin lời khuyên từ nhà xã hội học và tìm hiểu qua sách vở... để rồi ý thức được rằng chia tay chính là giải thoát cho hai bên lẫn cho đứa con

FRIEDRICH

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề

Theo công bố trên tờ Telegraph (Anh) vào cuối năm 2017, top 20 quốc gia có tỉ lệ ly dị cao hàng đầu thế giới gồm: Nga (4,5/1.000 người dân), Mỹ (3,6/1.000), Đan Mạch (2,9/1.000), Phần Lan (2,5/1.000), Thụy Điển (2,5/1.000)...

Còn nếu xét về tỉ lệ ly hôn giữa các cặp vợ chồng thì con số càng khiến nhiều người giật mình. Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng có đến hơn 50% các cặp vợ chồng tại Bỉ, Pháp, Mỹ... ly hôn.

"Paris lãng mạn có thể là thành phố thắp lửa tình yêu nhưng cũng là nơi đã kết thúc nhiều mối tình, cuộc hôn nhân. Dẫu vậy tôi và vợ cũ và con vẫn gặp nhau tại đây mỗi năm" - anh Friedrich (38 tuổi, người Đức) nói về người vợ Pháp mà anh đã kết hôn chín năm trước.

Khi được hỏi về tỉ lệ ly hôn quá cao ở một số quốc gia phương Tây, Friedrich cho rằng điều đó là bình thường bởi xã hội nơi nào càng phát triển, thu nhập người dân càng cao, xu hướng bình đẳng giới càng rõ nét..., sự độc lập, cái tôi của người dân càng lớn.

"Tôi và vợ cũ rất yêu nhau nhưng không hòa hợp được trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Chúng tôi dĩ nhiên cũng từng ghen tuông khi yêu, từng rất buồn thời điểm chia tay nhau nhưng giờ có lẽ không ai hối tiếc" - Friedrich nói.

Còn trên tờ Chicago Tribune (Mỹ), Rodman - tác giả một số đầu sách về hôn nhân - chia sẻ bà từng khảo sát hàng trăm phụ nữ ly dị và nhận ra hầu hết những cá nhân này đều tìm lại được các xúc cảm, đam mê mà họ từng lãng quên, những người bạn họ từng phớt lờ hay những tài năng ở bản thân mà bấy lâu nay chẳng nhận ra đã hao mòn... Kết quả này cũng xảy ra tương tự ở nam giới.

"Một cuộc hôn nhân tệ hại sẽ hủy hoại toàn bộ cuộc sống của bạn. Vậy có nên "cố đấm ăn xôi"?" - bà Rodman nêu câu hỏi.

"Vết thương lòng" làm sao chữa lành?

Dẫu vậy, việc đặt dấu chấm hết nhẹ nhàng cho một mối tình hay một cuộc hôn nhân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Barbara M. (29 tuổi, người Mỹ) chia sẻ rằng bạn trai và cô từng say mướt trong men bia một khoảng thời gian từ khi cô tuyên bố chia tay. 

"Dẫu không còn là "con gái" nhưng tôi không phải đối mặt với áp lực xấu hổ trước họ hàng, người thân hay sự gièm pha từ người xung quanh như ở Á Đông, nhưng chúng tôi đều thấy hụt hẫng vì mất đi một điều gì đó thân quen như hơi thở. 

Tôi phải tập yoga và thiền rất nhiều trước khi tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống, về sự phản bội của bạn trai. Tôi cũng tìm những bài nói chuyện về điều mình đang gặp trên YouTube hoặc các trang web chuyên về tình yêu lối sống. Chơi thể thao cũng giúp tâm trạng tôi tiến triển tốt" - Barbara M. chia sẻ "bí kíp" vượt qua nỗi buồn chia ly.

Song song đó, Barbara M. cũng nhẹ nhàng tâm sự với người yêu cũ và nhờ sự can thiệp mềm mỏng từ bạn thân, gia đình người yêu cũ để đoan chắc anh ấy không bị sốc, tự ái và có những hành động bốc đồng. 

"Xuyên suốt lộ trình đó, tôi luôn tâm niệm phải giúp bản thân lẫn người yêu cũ hiểu rằng thà khổ một lần hơn khổ một đời" - Barbara M. kể.

Còn nếu tâm trí, bộ não vẫn chưa thể chấp nhận sự thật dù mọi việc rõ ràng đã chấm hết? Tờ Independent (Anh) dẫn giải pháp gợi ý từ nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý học Guy Winch - tác giả cuốn Làm sao để hàn gắn những trái tim tan vỡ?: Hãy mạnh dạn cắt đứt, ngừng theo dõi những gì liên quan đến người cũ bởi theo ông, việc "đau một lần" này sẽ khiến người trong cuộc cảm thấy tốt hơn. 

Bên cạnh đó, chúng ta nên tìm về những sở thích một thời, không phủ nhận hoàn toàn giá trị của "nửa kia", nhưng nên nhận thức rõ rằng đó không phải là một người hoàn hảo cũng như thẳng thắn nhìn nhận mối quan hệ của mình "có vấn đề", cố tránh việc đổ lỗi cho chính mình vì điều này chỉ khiến mọi thứ tệ hơn...

"Liều thuốc" có thể áp dụng

Theo trang Psychologytoday (tạm dịch: tâm lý học ngày nay), các cặp đôi nếu không thể nắm tay nhau đi đến cuối con đường thì có thể áp dụng những "liều thuốc" sau: luyện tập thể dục đều đặn (điều giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tâm trạng...), tìm đến những người bạn mới, những thử thách và trải nghiệm mới.

* Chị NGUYỄN LÊ HOÀNG QUỲNH (nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình Trung ương Hội LHTN VN):

Giữ gìn cho nhau

Thông tin trên các phương tiện truyền thông đăng tải về các vụ án mạng sau chia tay đều rơi vào các cặp đôi đã từng chung sống như vợ chồng.

Do vậy khi chia tay, người chủ động nói lời chia tay cần phải lưu ý không nên hẹn ở những điểm vắng người, địa điểm quen thuộc và cũng không tìm gặp lại người yêu cũ.

Các bạn trẻ khi yêu nhau nên giữ gìn cho nhau để lỡ có ngày không nên duyên vợ chồng mà phải chia tay thì sự đau khổ sẽ dễ nguôi ngoai, thậm chí sau này khi nhớ lại còn là kỷ niệm đẹp hoặc cả hai có thể trở thành bạn bè.

Còn với các cặp vợ chồng khi ly hôn cần ngồi lại với nhau bàn tính cho mối quan hệ với con cái, không nên gây hận thù để ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ. Câu chuyện ứng xử văn hóa khi chia tay đòi hỏi mỗi người trong cuộc phải suy xét và chọn lựa cách tốt nhất. Vì khi chúng ta xây dựng gia đình là để tạo dựng tương lai cho những đứa trẻ được vui vẻ, hạnh phúc.

K.ANH ghi

Bị phụ tình, chia tay cũng đừng tổn hại nhau Bị phụ tình, chia tay cũng đừng tổn hại nhau

TTO - 'Cơm không lành, canh không ngọt' phần lớn dẫn đến chuyện chia tay. Người bị phụ tình dễ ghen tuông, thù hận, hành xử tiêu cực, thậm chí tước đoạt mạng sống của nhau như một số trường hợp vừa qua.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,189,267       1/947