TTO - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng tố cáo chính quyền Ý là "cay độc và vô trách nhiệm" khi từ chối cho chiếc tàu chở hàng trăm người di cư cập cảng.
Người di cư được tàu Aquarius cứu hộ - Ảnh: SOS MEDITERRANEE
Đáp lại, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói quan điểm của Pháp là đạo đức giả.
Phó Thủ tướng Ý Luigi Di Maio mỉa mai hơn: "Tôi rất mừng vì Pháp biết đến cái gọi là trách nhiệm. Nếu họ muốn, hãy đi mà giúp những người đó. Hãy để họ mở cửa cảng và chúng tôi sẽ chuyển người di cư từ Ý sang Pháp".
Chiếc tàu Aquarius, chở 629 người di cư được cứu hộ ngoài khơi Libya từ các nước cận Sahara, sẽ được một tàu tuần duyên và một tàu chiến của Ý tải bớt người do để giúp cập cảng Valencia của Tây Ban Nha.
Aquarius phải đi thêm 3 ngày nữa mới có thể cập cảng này.
Trước đó, phía tàu Aquarius cho biết đang bị quá tải nghiêm trọng và không thể đến Tây Ban Nha vì thời tiết trên biển đang xấu đi.
Trên tàu có 7 phụ nữ mang thai, 11 trẻ nhỏ và 123 trẻ vị thành niên từ 13-17 tuổi không đi cùng người lớn.
Những trẻ vị thành niên này đến từ các nước Eritrea, Ghana, Nigeria và Sudan.
15 người bị bỏng hóa học nghiêm trọng và một số bị hạ thân nhiệt.
Tất cả đang được bác sĩ của Tổ chức phi chính phủ Bác sĩ không biên giới chăm sóc. Trên hai tàu của Ý sẽ có các bác sĩ của Quỹ Nhi đồng của Liên Hiệp Quốc.
Theo tin cập nhật từ Twitter của tổ chức SOS Mediterranee, việc chuyển người từ tàu Aquarius sang hai tàu của Ý đã hoàn tất và cả ba con tàu đang trên đường đi Tây Ban Nha - Ảnh: AFP
Phần lớn những người di cư sống sót được sau hành trình đầy nguy hiểm từ Bắc Phi sẽ dừng chân ở những trại tị nạn đông đúc của Ý. Trong số đó, có những người chạy trốn chiến tranh và đàn áp đủ điều kiện xin tị nạn.
Trong vòng 5 năm qua, ý đã tiếp nhận hơn 640.000 người di cư từ Châu Phi và kêu gọi các đối tác trong Liên minh Châu Âu EU phải giảm bớt gánh nặng này.
Vấn đề người di cư là vấn đề vấn đề nhân đạo gây tranh cãi giữa các nước Châu Âu và việc 629 người được cứu hộ trên tàu Aquarius bị các nước chối đây đẩy là không có gì lạ.
Bộ trưởng Nội vụ của Ý, ông Matteo Salvini, người rất mạnh mẽ chủ trương từ chối nhiều hơn nữa người di cư cho biết: "Cứu mạng người là trách nhiệm nhưng biến Ý thành một trại tị nạn khổng lồ thì không".
Ông Salvini kêu gọi Malta nhận những người nhập cư này nhưng không cho phép con tàu cập cảng Ý.
Tuy nhiên, dù từ chối tàu Aquarius, nhưng theo BBC, ngay tại thời điểm hiện tại, tàu tuần duyên của Ý mang tên Diciotti cũng đang chở 937 người di cư đến cảng Sicilian ở Catania. Những người này được tàu cứu hộ của Liên minh Châu Âu cứu ở ngoài khơi Libya.
Theo BBC, Châu Âu đã ra quy định về việc tiếp nhận người nhập cư từ những năm 1990, thời điểm không ai có thể hình dung sự khủng hoảng ở Libya có thể kéo theo dòng người di cư khổng lồ vượt Địa Trung Hải từ các nước cận Sahara và Trung Đông.
Theo đó, trách nhiệm thuộc về nước thành viên Châu Âu, và do đó gây ra vấn đề quá tải vô cùng lớn đối với những người nằm ở vị trí cửa ngõ như Ý và Hi Lạp.