Sống khỏe

Thí nghiệm không phải để... cất đi

TTO - Trăn trở về việc thí nghiệm thực hành 'cho có', các thầy giáo dạy vật lý đề nghị thay đổi thi cử mới mong hết dạy 'chay'.

Thí nghiệm không phải để... cất đi - Ảnh 1.

Thầy trò từ Nghệ An ra Hà Nội để được làm thử các bài thí nghiệm - Ảnh: T.T.

Một cuộc gặp thú vị giữa những người thầy dạy vật lý tại một trung tâm thí nghiệm vật lý vừa mới mở ở Hà Nội. Họ cùng trăn trở về việc thí nghiệm thực hành "cho có" và tìm cách giải quyết việc dạy "chay".

GS Vũ Quang và GS Tô Giang đều đã ở tuổi 80, cả hai thầy từng làm việc tại Viện Khoa học giáo dục và là những bậc thầy chuyên bồi dưỡng học sinh chuyên vật lý, viết sách về dạy học vật lý. 

Kỹ sư Trương Anh Tuấn - chuyên gia chế tạo thiết bị thí nghiệm vật lý - từng bỏ tiền tỉ chế tạo thiết bị tặng miễn phí cho các trường học. 

Và thầy Mai Văn Túc, giáo viên Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ nhân của Trung tâm thí nghiệm Edison mà ông nặng lòng đeo đuổi từ bao năm nay.

Và họ đã trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện học thực hành thay vì học và dạy "chay".

Mua thiết bị... để đó!

* Các thầy thấy việc thí nghiệm ở trung tâm như thế này ra sao, xét ở khía cạnh mục tiêu của giáo dục trong nhà trường hiện nay?

4-(4)9-2(read-only)

GS Vũ Quang

- GS Vũ Quang: Lớp trẻ bây giờ sướng hơn rồi, được tiếp cận vật lý theo cách này sẽ hứng thú. Ít nhiều những thiết bị thực hành thí nghiệm mà lớp trẻ được chạm vào, được thử làm sẽ tạo sự ham thích khám phá. Nó là yếu tố cần thiết để lớp trẻ có động lực học tập nghiêm túc hơn.

- GS Tô Giang: Một phòng thí nghiệm vật lý như thế này đáp ứng nhu cầu dạy học vật lý của học sinh các cấp, tôi thấy quý và rất hiếm. Vì làm được điều này quá khó. Không phải ai cũng có điều kiện bỏ tiền tỉ ra đầu tư cho một thứ mà khó có thể biết chắc việc thu hồi vốn thế nào. Phải là người có năng lực, có tâm huyết.

* Trong khi nhiều trường phổ thông hiện nay phòng thí nghiệm chỉ mang tính hình thức, phục vụ đoàn kiểm tra, còn học sinh vẫn học "chay".

- GS Vũ Quang: Chúng tôi đều có hàng chục năm dạy học sinh chuyên, bồi dưỡng học sinh giỏi thì thấy đúng là điều kiện thực hành thí nghiệm là một bất cập. Có trường chuyên nay đã đầu tư cho việc này, giáo viên chịu làm thí nghiệm, dạy thực hành. Nhưng có trường chuyên vẫn dạy "chay". Học sinh ở trường bình thường thì việc được thực hành, thí nghiệm càng ít.

* Vì sao như vậy? Tiền ngân sách rót vào thiết bị học thực hành theo danh mục tối thiểu của Bộ GD-ĐT không ít. Các trường chuyên có hẳn một đề án phát triển, trong đó đầu tư cho thực hành, thí nghiệm là một nội dung quan trọng của đề án.

- GS Tô Giang: Tôi là người thấm thía về việc "thí nghiệm" trải qua nhiều năm trong nghề. Đã có nhiều sản phẩm thực hành thí nghiệm được chế tạo xong chỉ để trao thưởng rồi cất đi, dù đó là một sản phẩm tốt cần nhân rộng. Việc khuyến khích làm đồ dùng thực hành thí nghiệm chỉ theo phong trào.

Còn việc sản xuất, nhân rộng không được làm ngay ngắn. Nhiều cơ sở sản xuất chất lượng kém, giá đắt vì họ đặt mục tiêu kinh doanh lên cao quá. Các trường không được chủ động mua thiết bị cần cho thực tế dạy học, mà việc này có chỉ định mua từ cấp quản lý cao hơn. Vì thế mới sinh ra việc thừa, thiếu, rồi hỏng hóc không được bảo quản, sửa chữa. Tiền mua thiết bị để đó nhưng học sinh thì không biết về thí nghiệm.

- GS Vũ Quang: Tôi là chủ biên sách vật lý bậc THCS hiện hành. Khi đó, tôi đã cố gắng bảo vệ quan điểm trước hội đồng thẩm định về việc giáo viên buộc phải thực hiện thí nghiệm mới dạy được. Nhưng khi đưa ra lấy ý kiến, nhiều nơi kêu không làm thế được, giáo viên nói không làm được. Nhưng thực tế không hẳn thế, vì khi đi thực nghiệm có những giáo viên ở một tỉnh khó khăn vẫn làm được các thí nghiệm khó.

Vấn đề là giáo viên có chịu làm không và có cơ chế để đào tạo, bồi dưỡng và buộc họ phải dạy lý thuyết đi đôi với thực hành. Đối với vật lý không phải học lý thuyết và thực hành riêng rẽ, mà trong phần lý thuyết cũng có câu hỏi thực hành.

Thay đổi thi cử mới mong hết dạy "chay"

* Vậy việc thực hành thí nghiệm yếu là do những nguyên nhân nào?

199-3(read-only)

GS Tô Giang

- GS Tô Giang: Có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề giáo viên ngại làm và không thành thạo. Nếu muốn nâng chất lượng dạy học những môn như vật lý thì cần phải điều chỉnh khâu đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo giáo viên có kỹ năng thực hành, thí nghiệm. Giáo viên không thành thạo sẽ ngại làm, sợ không thành công, mất quá nhiều thời gian cho việc chuẩn bị.

Hơn nữa, còn có lý do chất lượng thiết bị, điều kiện thực hành, thí nghiệm không đảm bảo dẫn tới việc không thành công. Vì thế, việc dạy thực hành thí nghiệm trong nhà trường phổ thông thực sự là khó khăn.

* Nếu chỉ học lý thuyết môn vật lý có đảm bảo yêu cầu không?

- GS Tô Giang: Cũng có thể, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để học sinh hiểu. Học sinh học tốt lý thuyết khi học cao lên hoặc ra cuộc sống sẽ mất nhiều thời gian để ứng dụng thực tiễn. Học "chay" khiến môn vật lý trừu tượng khó hiểu, trong khi học với thiết bị thực hành thí nghiệm học sinh sẽ dễ hiểu, thấy hứng thú. Có những điều học sinh chỉ thực sự hiểu khi quan sát thực hiện thí nghiệm.

* Theo các thầy, có cách nào để đẩy mạnh việc dạy học thực hành ở trường phổ thông với những môn như vật lý, hóa học?

- GS Tô Giang: Với cách thi cử hiện nay thì rất khó. Học sinh phải vượt qua được rào cản là thi cử thì mới đến các trung tâm như thế này để học vật lý. Vì thi cử hiện nay không cần phải thực hành thí nghiệm, học "chay" cũng đỗ.

- GS Vũ Quang: Trong khi các nhà trường phổ thông gặp khó khăn thì những người tâm huyết đứng ra mở các trung tâm thực hành thí nghiệm như thế này rất tốt. Ngoài Trung tâm Edison, tôi biết có vài thầy cũng mở phòng thí nghiệm chỉ để cho học sinh của mình đến thực hành. Nhưng để thay đổi nhận thức của người học trong việc cần "học đi đôi với hành" thì phải đổi mới thi cử. Việc thi cử hiện nay chưa đánh giá được năng lực, kỹ năng thực hành.

Kỹ sư Trương Anh Tuấn: 80% học "chay"

vat-ly-1-(1)-3(read-only)

Kỹ sư Trương Anh Tuấn

Tôi công tác ở Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp từ năm 1985, với nhiệm vụ chủ yếu làm việc nghiên cứu và sản xuất thiết bị. Vì thế, tôi đi nhiều nơi để tìm hiểu thực trạng dạy học thực hành thí nghiệm tại các trường phổ thông.

Nếu so với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của Bộ GD-ĐT ban hành thì các nhà trường chỉ đáp ứng chừng 20%. Có nghĩa 80% dạy "chay".

Có những trường khi tôi chuẩn bị tặng thiết bị tự chế cho họ, tôi đến khảo sát mới biết thiết bị của trường hư hỏng hết. Ví dụ như một trường THCS ở Hà Nội khi tôi đề nghị xem một bài thí nghiệm về quang, họ mới đi tìm thì thiết bị để mỗi thứ một nơi và đã hỏng hết.

Ở một trường THPT tại Thanh Hóa cũng trong tình trạng tương tự, thiết bị thí nghiệm mua về để hỏng do ẩm ướt, nấm mốc, không được bảo quản và không còn sử dụng được. Giáo viên không thành thạo thực hành thí nghiệm thì thiết bị có hỏng, thí nghiệm có thất bại cũng không hiểu nguyên nhân tại sao.

Bán tài sản làm trung tâm thí nghiệm

vat-ly-1-(1)-3(read-only)
Thầy Mai Văn Túc

Đầu tư 25 tỉ đồng cho trung tâm thí nghiệm vật lý mang tên Edison, thầy Mai Văn Túc đã phải bán đi nhiều tài sản cá nhân cùng với sự giúp đỡ của cộng sự. Năm 2017, thầy Túc cũng rao bán bộ sưu tập đồ cổ của mình để tập trung tiền cho dự định xây dựng trung tâm thí nghiệm.

Tháng 6-2018, Trung tâm thí nghiệm Edison bắt đầu mở cửa cho học sinh vào trải nghiệm, thực hành. Theo thầy Túc, trong quá trình ông chuẩn bị dần cho trung tâm này, nhiều giáo viên phổ thông đã tìm đến ông nhờ hướng dẫn thực hiện các bài thí nghiệm. Một số hiệu trưởng cũng mời thầy Túc, thầy Trương Anh Tuấn đến trường hướng dẫn giáo viên, học sinh làm thí nghiệm.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,188,747       1/916