TTO - Mã VIC của Tập đoàn Vingroup tăng liên tiếp trong phiên "bão lửa" hôm 12-6 và hôm nay (13-6) với 3.700 đồng/cổ phiếu, đã đem về cho doanh nghiệp này thêm gần 430 triệu USD vốn hóa trên sàn.
Các nhà đầu tư tham gia giao dịch trên sàn SJC quận 1 - ẢNH : TRẤN KIÊN
Ngày 12-6, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Việt Nam), là thành viên Tập đoàn Vingroup, đã ký kết văn bản ghi nhớ việc lập liên doanh sản xuất thân vỏ xe trị giá 60 triệu USD với Công ty AAPICO Hitech (Thái Lan).
Cùng ngày, Tập đoàn Vingroup cũng công bố triển khai kế hoạch sản xuất các thiết bị điện tử, khởi điểm là điện thoại thông minh Vsmart, do Công ty VinSmart (thành viên Tập đoàn Vingroup) thực hiện với vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng.
Nhà máy của Vsmart được đặt cùng tổ hợp sản xuất xe hơi VinFast (Khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng).
Như vậy, sau lĩnh vực sản xuất xe hơi, Tập đoàn Vingroup đã chính thức lấn sân sang mảng công nghệ kỹ thuật cao, cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tạo hiệu ứng tích cực cho cổ phiếu Vingroup trên sàn HoSE.
Trong phiên "bão lửa" hôm 12-6, mã VIC là một trong 4 mã VN30 quay đầu tăng trưởng 100 đồng/cổ phiếu tại thời điểm kết thúc phiên.
Hôm nay, mã VIC cũng tăng trưởng ấn tượng 3.600 đồng, lên 128.000 đồng/cổ phiếu, đánh dấu 11 phiên tăng trưởng không ngừng.
Tính từ thời điểm công bố các thông tin trên, cổ phiếu Vingroup đã có thêm gần 430 triệu USD vốn hóa trên sàn HoSE.
Trở lại diễn biến thị trường, chỉ số VN Index vẫn trồi sụt dữ dội trong phiên sáng song sắc xanh đã quay về trên sàn HoSE khi tạm nghỉ giữa phiên.
Đầu phiên chiều, VN Index bắt đầu tăng tốc thẳng đứng từ vạch 1.020 điểm. Kết thúc phiên trong ngày, chỉ số này tăng gần 10 điểm, đạt 1.030,5 điểm.
Các mã VN30 vẫn là tâm điểm tăng trưởng kéo thị trường khi có đến 19 mã VN30 chuyển sang sắc xanh, áp đảo 7 mã VN30 "đỏ lửa".
Như thường lệ, nhóm ngân hàng VN30 đồng loạt tăng trưởng trong một phiên thị trường phục hồi.
Mã VCB của Ngân hàng Vietcombank thuộc top 5 mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng, với khối lượng khớp lệnh là gần 572.000 cổ phiếu, tăng 1.900 đồng, lên 59.900 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên 560.000 cổ phiếu, tăng thêm 900 đồng, lên 43.400 đồng/cổ phiếu.
Các mã mạnh khác như VJC của Vietjet tăng 700 đồng, lên 179.700 đồng/cổ phiếu. Mã CTD của CTCP Xây dựng Coteccons tăng mạnh 4.300 đồng, lên 161.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến ngược chiều thị trường, mã PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm mạnh 3.500 đồng, còn 174.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu PNJ có lúc suy giảm đến 7.000 đồng trong phiên sáng, sau thông tin bà Nguyễn Thị Cúc thôi làm Thành viên HĐQT của PNJ trước khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can liên quan đến vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á.
Giá vàng trên thị trường thế giới cũng diễn biến không có lợi cho ngành vàng trong nước khi có thông tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED chuẩn bị tăng lãi suất lần thứ hai trong năm 2018.
Hiện tại, đồng USD đang được hỗ trợ mạnh, giá vàng đã rớt khỏi ngưỡng 1.300 USD/ounce từ phiên đóng cửa hôm qua và kéo dài đà suy giảm trong phiên hôm nay.
Mặc dù thị trường trong nước tăng trưởng trở lại trong phiên hôm nay nhưng thanh khoản toàn thị trường rất thấp, chỉ đạt khoảng 4.600 tỉ đồng.