TTO - Nhiều chuyên gia khẳng định sự thất bại của chương trình "Bắc tiến" cây cao su đã được dự báo trước do không phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng...
Người trồng cao su tại Quảng Trị xử lý những cây cao su bị ngã đổ sau mưa bão - Ảnh: Quốc Nam
Các chuyên gia cho rằng nên trả lại đất cho dân ở những vùng mà cây cao su không hiệu quả để chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ trồng cao su cũng băn khoăn tìm kiếm các loại cây trồng hiệu quả để thay thế.
Thất bại được dự báo trước
Ông Nguyễn Ngọc Lung (viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng) cho biết không mấy ngạc nhiên trước cảnh cao su vỡ mộng "Bắc tiến" như Tuổi Trẻ phản ánh.
"Cách nay 4 năm, tôi được mời đi khảo sát các địa điểm trồng cao su tại Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và đã nhìn thấy sự thất bại. Trong đó, một số khu vực ở Điện Biên có thể trồng cao su được, nhưng Lai Châu và Sơn La không phù hợp với cây cao su", ông Lung nói.
Theo ông Lung, các tỉnh Tây Bắc gió trên cấp 7, có sương muối, nhiệt độ trung bình dưới 22oC, độ dốc của đất quá 15 độ... đều là những điểm không phù hợp với cao su.
"Khi được mời lên khảo sát và góp ý để mở rộng diện tích cao su tại Lai Châu, tôi đã nêu ý kiến là không nên mở rộng diện tích cao su bởi chắc chắn sẽ thất bại", ông Lung cho biết, đồng thời cho rằng nên xem xét trả lại đất cho dân chuyển đổi cây trồng phù hợp hơn.
Trong khi đó, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cũng cho biết khi đưa cao su vào các tỉnh Tây Bắc, có ý kiến lấy việc phát triển cao su ở Vân Nam (Trung Quốc) để dẫn chứng về sự thành công.
Tuy nhiên trên thực tế, Vân Nam không lạnh, không ẩm, còn các tỉnh miền Bắc nước ta lạnh, ẩm, không thích hợp với phát triển cao su. Do đó, thất bại của cao su tại các tỉnh Tây Bắc là do việc không hiểu đặc điểm, tập quán của khu vực này.
"Khai thác cao su phải tính đến tập quán của bà con vùng Tây Bắc. Cạo mủ cao su phải đi từ 3h-4h sáng nhưng ở Tây Bắc, người dân tối uống rượu, sáng ngủ đến 7h-8h nên không phù hợp", ông Hùng nói, đồng thời cho rằng "thất bại vì chúng ta chưa đủ thông tin khoa học mà đã ra quyết định phát triển cho một vùng rộng lớn".
Do đó theo ông Hùng, cần đánh giá lại diện tích cao su hiện nay tại Tây Bắc, xem khu vực nào còn tiềm năng phát triển thì giữ, khu vực nào không có tiềm năng thì cần chuyển đổi.
Tìm loại cây khác thay thế
Không thành công với cây cao su, nhiều nông dân tại khu vực Bắc Trung Bộ cho biết rất muốn tìm được một loại cây có thể thay thế cây cao su, nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ vườn cao su 2,5ha tại xã Phú Định, huyện Bố Trạch, Quảng Bình - cho biết qua 2 trận bão liên tiếp trước đó, hơn một nửa số cây cao su trong vườn của gia đình ông đã bị gãy đổ.
Dù muốn bỏ cây cao su nhưng ông Hùng băn khoăn về chuyện tìm được loại cây khác phù hợp với thời tiết tại địa phương và có giá trị kinh tế cao.
Một trong những phương án chuyển đổi là tận dụng gốc cao su, cắt đi để lại 2m làm cột để đưa sachi vào trồng. Những khu vực hiệu quả thì cố gắng chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho bà con khai thác một cách hiệu quả
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng
"Những năm trước, thời tiết chưa có nhiều biến động, cây cao su được ví như vàng trắng vì giúp thay đổi toàn bộ diện mạo của những vùng đất gò đồi. Nhưng hiện nay, trồng loại cây này rủi ro quá cao trong khi đầu tư lớn. Tui chỉ mong có loại cây nào khác để thay thế nhưng hiện chưa biết loại cây gì có thể đảm bảo được hiệu quả", ông Hùng nói.
Ông Phan Văn Thành, giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Trung, cũng cho biết sau những năm bị bão liên tiếp, công ty đã tính đến chuyện giảm diện tích trồng cao su.
Thực tế trong năm vừa qua, công ty đã chuyển đổi mấy trăm hecta đất trồng cao su qua trồng dứa. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Sơn - cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết ngay từ khi cây cao su được đưa vào trồng ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo không trồng quá 50.000ha và phải căn cứ vào hiệu quả sản xuất thực tế mới đề xuất điều chỉnh quy hoạch phát triển cho phù hợp.
"Bộ NN&PTNT cũng đề nghị quy hoạch trồng cao su ở độ cao trên 600m so với mực nước biển. Những khu vực thường xuyên có gió mạnh hoặc tầng đất mỏng cũng không nên bố trí trồng cao su", ông Sơn nói.
Riêng vùng Bắc Trung Bộ, theo ông Sơn, cây cao su đã có quá trình phát triển hơn 50 năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc phát triển cao su ở vùng này cần đánh giá lại về cơ cấu giống, các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng.
"Phải tổng kết các mô hình và kinh nghiệm thực tiễn trồng cao su trong vùng để đề xuất quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ cao su nhằm hạn chế ảnh hưởng của bão, gió Lào, khô hạn và rét. Dứt khoát không trồng cao su ở những khu vực được khuyến cáo không thích hợp với loại cây này", ông Sơn khẳng định.
Chúng tôi vẫn mong muốn có một loại cây nào đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chưa tìm được
Ông Phan Văn Thành (giám đốc Công ty TNHH Việt Trung)
Năng suất cao su tại Tây Bắc quá thấp
Theo Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, diện tích trồng cao su ở các tỉnh Tây Bắc đã mở rộng khá nhanh trong 8 năm gần đây, đạt 24.400 hecta vào cuối năm 2017. Từ năm 2017, khu vực này hầu như không trồng mới cao su.
Do mới đưa vào khai thác, trong đó năng suất bình quân của vườn cao su tại Điện Biên là 6,5 tạ/ha, Lai Châu 5,1 tạ/ha, Sơn La là 2,7 tạ/ha.
Vườn cao su khu vực duyên hải miền Trung có năng suất bình quân cao hơn, đạt 10,5 tạ/ha, trong khi con số này tại khu vực Nam Trung Bộ là 14,4 tạ/ha, vẫn thấp hơn năng suất trung bình toàn quốc là 2,2 tạ/ha.
Vùng núi phía Bắc độ ẩm cao, cây cao su dễ bị nhiều sương muối và bệnh sương mai trong mùa đông lạnh, cộng với cường độ ánh sáng yếu nên độ mủ sẽ không cao.
Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ rất gần với biển, hành lang đất liền hẹp, bản thân cây không chịu được gió biển, trong đó từ Hà Tĩnh trở vào đến Thừa Thiên - Huế không phù hợp cho phát triển cao su.
Chưa đủ cơ sở đánh giá hiệu quả?
Theo Tập đoàn Cao su VN, chưa thể đánh giá hiệu quả cây cao su trong những năm thu hoạch đầu tiên. Trong ảnh: thu hoạch mủ cao su tại một nông trường ở Sơn La - Ảnh: Hà Thanh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG) cho biết do năng suất vườn cao su trong những năm đầu thường thấp nên giá thành cao nhưng sẽ giảm dần khi năng suất tăng theo độ tuổi khai thác.
Trong điều kiện giá bán thấp như hiện nay và vườn cây mới đưa vào khai thác, việc đánh giá hiệu quả ở một thời điểm để xem xét hiệu quả của cây cao su ở một số khu vực là chưa đủ cơ sở.
Trong các dự án hợp tác kinh doanh đang được tập đoàn triển khai, VRG bỏ vốn đầu tư trong khi người dân góp đất và được hưởng quyền lợi chia sản phẩm (10% giá trị sản phẩm thu hoạch) cũng như được tuyển vào làm công nhân công ty.
Cũng theo vị này, nếu có 3ha đất, thu nhập được chia của người dân không dưới 5 triệu đồng/ha, cao hơn mức thu nhập bình quân của nông dân ở khu vực.
Tuy nhiên, trong điều kiện diện tích cao su cả nước đã vượt quy hoạch, tập đoàn phải cùng các nước thành viên trong Hiệp hội Cao su quốc tế thực hiện việc giảm nguồn cung cao su để hỗ trợ giá.
Hơn nữa, VRG đang triển khai mô hình thí điểm theo hướng tích tụ quỹ đất phát triển nông nghiệp quy mô lớn nhưng không làm nông dân mất đất. Do cần có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm... nên VRG chủ động tạm dừng việc phát triển diện tích, tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư.
Trong thời gian tới, VRG sẽ nghiên cứu, sắp xếp, tái cấu trúc các doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập doanh nghiệp lại với nhau để giảm tối đa chi phí quản lý, chi phí gián tiếp nhằm nâng cao hiệu quả của dự án. Tập trung nâng cao chất lượng vườn cây hiện có để đảm bảo khai thác lâu dài và có hiệu quả, đồng thời đầu tư nhà máy theo từng cụm chế biến để giảm chi phí đầu tư, bảo đảm sản phẩm có chất lượng cao được thị trường chấp nhận để nâng cao giá trị sản phẩm.