Tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
Theo bác sĩ Đào Tiến Mạnh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Quân y 175, mô hình bệnh tật ở nước ta đang có sự thay đổi lớn. Theo đó các bệnh mạn tính không lây như ung thư trở thành nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến sức khỏe và tính mạng con người. Số ca ung thư mới tăng nhanh từ 68.000 năm 2000 lên 126.000 vào năm 2010. Dự báo con số này sẽ tăng lên 190.000 ca vào năm 2020.
Bệnh nhân khám tầm soát ung thư tại Bệnh viện Quân y 175, TP HCM. Ảnh: TT. |
Hàng năm nước ta có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tức khoảng 315 ca tử vong mỗi ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam đứng 78 trong số 172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ tử vong vì ung thư cao (tỷ lệ 110 trên 100.000 người). Nước ta nằm trong số 50 quốc gia thuộc top hai bản đồ ung thư thế giới.
Đặc biệt tại hai thành phố có mật độ dân số đông nhất là Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ mắc ung thư tăng nhanh nhất. Trong đó TP HCM dẫn đầu, trung bình 100.000 nam giới thì có 172 người bị ung thư, tỷ lệ này ở nữ là 139/100.000, theo báo cáo mới nhất tại hội thảo quốc gia về phòng chống ung thư.
Các chuyên gia của WHO khuyến cáo, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng ở các đô thị lớn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư trong cộng đồng. Nghiên cứu về môi trường đô thị cho thấy các đô thị Việt Nam đang thải ra lượng rác khổng lồ đã tác động nghiêm trọng đến môi trường. Riêng Hà Nội và TPHCM trung bình mỗi ngày thải ra khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon bẩn. Các túi nilon tập kết ở bãi rác lộ thiên nếu được tiêu hủy bằng phương pháp đốt sẽ thải ra lượng lớn khí độc hại gây ô nhiễm môi trường và không khí.
Thống kê đến cuối năm 2016, nước ta có 795 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 35%. Các chuyên gia nhận định thực trạng dân số tăng nhanh ở các đô thị, đặc biệt là vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị ngày càng kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường. Ước tính trung bình hiện nay mỗi người dân đô thị xả thải ra môi trường một kg rác sinh hoạt mỗi ngày. Đây được xem là vấn nạn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng.
Theo bác sĩ Mạnh, để phòng tránh và đẩy lùi bệnh ung thư, bên cạnh biện pháp vĩ mô của các cấp chính quyền còn đòi hỏi mỗi người và cộng đồng phải tự giác bảo vệ môi trường, đồng thời tập thói quen sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, ăn uống sạch và hạn chế hút thuốc, uống rượu...
ung thư, đô thị hóa, ung thư do môi trường