Thế giới

Loại pháo sao chép Trung Quốc nghi bố trí trên đảo nhân tạo ở Biển Đông

Hệ thống pháo tầm cực gần Trung Quốc có thể đã triển khai trái phép trên Biển Đông được cho là vũ khí sao chép từ công nghệ của Hà Lan và Pháp.

loai-phao-sao-chep-trung-quoc-nghi-bo-tri-tren-dao-nhan-tao-o-bien-dong

Các hệ thống vũ khí Trung Quốc có thể đã triển khai trên đá Tư Nghĩa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: AMTI

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 14/12 cho biết Trung Quốc có thể đã bố trí các hệ thống phòng không và tổ hợp pháo phòng thủ tầm gần (CIWS) trên tất cả 7 đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông, theo Reuters.

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, để phục vụ cho chiến lược phòng thủ ba lớp của mình, hải quân Trung Quốc đang sử dụng loại pháo CIWS mang định danh Type-730 (H/PJ12) như lớp bảo vệ cuối cùng.

loai-phao-sao-chep-trung-quoc-nghi-bo-tri-tren-dao-nhan-tao-o-bien-dong-1

Hệ thống Type-730 của Trung Quốc. Ảnh: Blogspot.

Đây là hệ thống phòng thủ tầm gần được trang bị pháo Gatling 7 nòng cỡ 30 mm. Nhiệm vụ chính của Type-730 là chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và vũ khí có độ chính xác cao. Nó cũng có thể được dùng để tiêu diệt máy bay, tàu chiến, xuồng cao tốc, mục tiêu trên bờ biển và thủy lôi ở tầm gần.

Theo Hiệp hội Điện tử và Liên lạc quân sự (AFCEA), pháo Type-730 có vẻ ngoài giống hệt tổ hợp CIWS Goalkeeper do Hà Lan chế tạo. Nhiều khả năng Trung Quốc đã sao chép thiết kế của Goalkeeper, sau đó thay thế các vũ khí và radar phương Tây bằng phiên bản nội địa của Trung Quốc.

Tổ hợp Goalkeeper của Hà Lan khai hỏa

Một nguồn tin khác khẳng định Type-730 đã sử dụng nhiều công nghệ lấy từ hệ thống Sagem SAMOS của Pháp. Ảnh thử nghiệm của Type-730 cho thấy nó được trang bị hệ thống trinh sát quang học Sagem Volcan EO. Phiên bản hoàn chỉnh được thay thế bằng mẫu OFC-3 EO do Trung Quốc tự chế tạo.

Hệ thống CIWS của Trung Quốc mang tính khép kín, có radar trinh sát và dẫn bắn riêng, không phụ thuộc vào radar cồng kềnh của tàu chiến hoặc căn cứ bờ biển. Điều đó cho phép Type-730 có thời gian phản ứng nhanh hơn tổ hợp AK-630M của Nga. Radar của Type-730 có thể gắn trực tiếp trên bệ pháo hoặc tháp điều khiển gần đó.

Pháo 7 nòng của Type-730 có tốc độ bắn tối đa 5.800 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 3 km. Radar của tổ hợp có thể phát hiện tên lửa hành trình từ khoảng cách 8 km. Điều đó cho phép Type-730 có khoảng 15-20 giây để khóa mục tiêu và khai hỏa đối với các tên lửa tốc độ cận âm. Thời gian này sẽ rút ngắn hơn nhiều nếu đối đầu với tên lửa siêu thanh.

Pháo Type-730 bắn thử trên biển

Các chuyên gia quân sự quốc tế nhận định động thái trên của Trung Quốc là hành động có tính quân sự hóa trên Biển Đông, sau khi bồi đắp, cải tạo phi pháp 7 bãi cạn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia.

Tử Quỳnh

VNExpress

Type-730, CIWS, vũ khí, hệ thống, sao chép


© 2021 FAP
  3,104,729       2/870