Thế giới

Chuyên gia Nhật cảnh báo rủi ro ở Biển Đông khi Trump nhậm chức

Nếu Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thách thức Trung Quốc bằng vấn đề Đài Loan hoặc thực hiện chính sách thân thiện với Bắc Kinh, tình hình Biển Đông đều có thể diễn biến xấu.

chuyen-gia-nhat-canh-bao-rui-ro-o-bien-dong-khi-trump-nham-chuc

Chưa rõ Donald Trump sẽ thách thức Trung Quốc đến mức nào về vấn đề Đài Loan. Ảnh minh hoạ: AFP

"Trong trường hợp Mỹ không tôn trọng chính sách 'Một Trung Quốc', Bắc Kinh sẽ có động thái khiêu khích cứng rắn với Washington ngay lập tức. Hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ được tăng cường để thể hiện sẵn sàng đáp trả Mỹ bằng vũ trang", một chuyên gia an ninh Nhật Bản dự báo khi trao đổi với VnExpress tại Tokyo. 

Tổng thống Mỹ đắc cử Trump hôm 11/12 đưa ra câu hỏi liệu Washington có nên tiếp tục công nhận chính sách "Một Trung Quốc" không nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ về thương mại. Ông Trump cũng cho rằng Trung Quốc không hợp tác với Mỹ trong cả việc xử lý vấn đề tiền tệ, Triều Tiên hay căng thẳng ở Biển Đông.

Ngay ngày hôm sau, theo chuyên gia Nhật Bản nói trên, Trung Quốc đã tiến hành tập trận của hải quân và không quân ở Biển Đông, có sử dụng dàn tên lửa. Điều đó cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ trang để phản ứng với Washington.

Ngoài ra, Mỹ tố Trung Quốc hôm 15/12 đã "cướp" thiết bị lặn của Mỹ đang hoạt động khảo sát ở vùng biển cách Vịnh Subic, Philippines 160 km về phía tây bắc. Lầu Năm Góc đã yêu cầu thiết bị. Bắc Kinh hiện chưa bình luận gì về vụ việc.

"Tôi cho rằng chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ đạt được điều gì với Trung Quốc khi đưa vấn đề Đài Loan ra mặc cả, bởi đây là một trong ba khu vực mà Bắc Kinh không bao giờ nhượng bộ, cùng với khu tự trị Tân Cương và Tây Tạng", chuyên gia Nhật nói.

Nếu Donald Trump không "gây hấn" với Trung Quốc, chuyên gia này so sánh việc này với có tầm quan trọng "không khác gì" với sự kiện Richard Nixon, tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc hồi năm 1972, dấu mốc giúp bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

"Điều tôi quan ngại là nếu ông Trump đặt các vấn đề với Trung Quốc lên bàn thương lượng, thì nó sẽ là vấn đề Đài Loan, Biển Đông hay Hoa Đông? Bởi là một nhà kinh doanh, ông Trump luôn có các thoả thuận", chuyên gia Nhật nói.

Bên cạnh đó, cũng còn những nghi vấn về việc Donald Trump có đặt vấn đề Biển Đông và Hoa Đông vào trong chính sách xoay trục châu Á mới của mình hay không, chính sách bảo vệ tự do hàng hải của Washington thế nào, tàu Mỹ có đi vào trong khu vực 12 hải lý các thực thể Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông, ông Trump liệu có tôn trọng phán quyết của Toà trọng tài quốc tế với vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. 

Cùng có mối lo lắng về diễn biến ở khu vực, một nhà nghiên cứu khác cũng làm việc tại Tokyo, dự đoán Mỹ sẽ giảm sự hiện diện ở Đông Nam Á.

"Tôi cho rằng Đông Nam Á sẽ không quá quan trọng với Mỹ như thời Tổng thống Barack Obama cầm quyền. Donald Trump sẽ coi trọng hợp tác song phương hơn là đa phương", nhà nghiên cứu này nói.

Tuy nhiên, ông cũng nêu lên hai nhân tố có thể mang lại "tin vui" cho châu Á, đó là lựa chọn của Donald Trump với vị trí bộ trưởng quốc phòng, tướng về hưu James Mattis, và lời mời đến thăm Mỹ của ông Trump dành cho Tổng thống Philippines Duterte. Với sự tư vấn của ông Mattis, một người có uy tín trong lực lượng Thuỷ quân lục chiến Mỹ vì những phát ngôn cứng rắn, không phải vấn đề gì Trump cũng đưa ra thương lượng, mà phải "giữ màu sắc" của đảng Cộng hoà, khẳng định Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về sức mạnh quân sự, quốc phòng. 

"Với Đông Nam Á, một số người cho rằng không thể trông đợi ông Trump có mặt ở hội nghị Thượng đỉnh cấp cao Đông Á (EAS), trong khuôn khổ các cuộc họp của ASEAN và các đối tác, nhưng một số người khác lại lạc quan, kỳ vọng Trump và ông Duterte sẽ tháo gỡ một vài trắc trở giữa Philippines và Mỹ dưới thời chính quyền Obama", nhà nghiên cứu này nói.

Xem thêm: Dùng Đài Loan mặc cả với Trung Quốc, Trump có thể bị phản đòn

Việt Anh 

VNExpress

Donald Trump, Trung Quốc, Đài Loan, Biển Đông, chuyên gia, Nhật Bản


© 2021 FAP
  3,073,251       1/1,144