Thế giới

Chiến lược chống trả của Triều Tiên khi bị Mỹ tấn công

Duy trì quân số đông, phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, áp dụng chiến tranh du kích là những biện pháp Triều Tiên có thể dùng để đáp trả khi bị Mỹ tấn công.

Vụ phóng tên lửa được Triều Tiên gọi là "vũ khí hoàn hảo"

Trước lo ngại về chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ liên tiếp tập kết các vũ khí chiến lược đến khu vực Đông Á, đồng thời đe dọa tung đòn tấn công phủ đầu để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, trong trường hợp nổ ra chiến tranh, Bình Nhưỡng có thể tiến hành một loạt biện pháp đáp trả gây thiệt hại cho đối phương, theo National Interest.

Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng Triều Tiên có nhiều cách đáp trả cuộc tấn công của Mỹ, đáng chú ý nhất là đội quân thường trực đông đảo hàng đầu thế giới với khoảng 1.190.000 người, cùng lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ lên tới 200.000 người. 

Quân đội Triều Tiên (KPA) áp dụng học thuyết quân sự chuyên về tấn công, nên trong trường hợp nổ ra xung đột với liên quân Mỹ - Hàn Quốc, các sư đoàn Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiến công chớp nhoáng, đánh chiếm thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong thời gian ngắn nhất.

Bình Nhưỡng cũng có thể khiến đối phương phải kiềm chế hành động quân sự bằng việc đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vũ khí hạt nhân của nước này được giấu kín, không thể xác định nơi cất giữ, cũng như phương thức và vị trí triển khai. Bên cạnh đó là hàng loạt kho vũ khí hóa học và sinh học lớn, nằm rải rác khắp đất nước.

Trên biển, lực lượng tàu ngầm Triều Tiên có thể gây thiệt hại đáng kể cho hải quân Mỹ - Hàn nhờ sở hữu bản sao chép tên lửa diệt hạm hiện đại 3M24E "Uran" của Nga.

chien-luoc-chong-tra-cua-trieu-tien-khi-bi-my-tan-cong

Sức mạnh quân sự của Triều Tiên. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Tuy nhiên, trang bị lạc hậu cùng những vấn đề về hậu cần khiến quân đội Triều Tiên không thể duy trì một cuộc chiến kéo dài trước liên quân Mỹ - Hàn có ưu thế vượt trội về công nghệ. Lời đe dọa nã nửa triệu quả pháo vào Seoul nhiều khả năng chỉ đạt được thắng lợi ban đầu, sau đó các đơn vị pháo binh sẽ nhanh chóng hết đạn hoặc bị đối phương săn lùng, phá hủy, buộc Triều Tiên phải lui về thế phòng ngự.

Lớp phòng ngự đầu tiên của Triều Tiên là các khí tài tình báo, giám sát và trinh sát. Nước này có hơn 40 trạm radar bờ biển bố trí ở phía đông và phía tây, cùng các pháo bờ biển cỡ nòng trên 76 mm. Bình Nhưỡng cũng có 50 trạm radar trên khắp đất nước để giám sát không phận.

Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị này đều có tuổi thọ hơn 30 năm, nhiều khả năng không thể vận hành tốt và dễ dàng bị chế áp điện tử. Ngay cả khi chúng hoạt động tốt, tầm phát hiện rất ngắn khiến Triều Tiên gần như không thể xác định lực lượng trên không và trên biển của Mỹ và Hàn Quốc tập kết trong khu vực.

Trong hoàn cảnh đó, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ phải nhường lại toàn bộ bầu trời cho các tiêm kích tàng hình của Mỹ và các chiến đấu cơ Hàn Quốc. Hạm đội tàu chiến nước này cũng sẽ nhanh chóng cạn kiệt nhiên liệu hoặc bị tiêu diệt trong các cuộc đụng độ trên biển.

chien-luoc-chong-tra-cua-trieu-tien-khi-bi-my-tan-cong-1

Bản sao tên lửa 3M24E do Triều Tiên tự chế tạo. Ảnh: Business Insider.

Khả năng nguy hiểm nhất là Triều Tiên phát động chiến tranh phi đối xứng chống lại liên quân Mỹ - Hàn trên bộ. Lãnh đạo Triều Tiên hoàn toàn có thể vũ trang toàn dân, đánh du kích cho đến khi đối phương bế tắc trên chiến trường và phải đề nghị đàm phán. 

Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng biện pháp quân sự chưa bao giờ là một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên, bởi nó có thể dẫn tới những hệ lụy quá nguy hiểm cho khu vực và thế giới.

Duy Sơn

VNExpress

Triều Tiên, đáp trả, tấn công phủ đầu, can thiệp quân sự, sức mạnh


© 2021 FAP
  2,998,519       12/596