Thế giới

Trump trong vòng luẩn quẩn đối phó tên lửa Triều Tiên

Trump không có nhiều lựa chọn hiệu quả để phản ứng trước việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.

trump-trong-vong-lun-qun-doi-pho-ten-lua-trieu-tien

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Oliver Douliery

Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên đã bước vào một kỷ nguyên mới khó đoán định, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố họ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) "có thể vươn đến bất cứ nơi nào", theo CNN.

Adam Mount, chuyên gia của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có ít lựa chọn tốt để phản ứng lại với Triều Tiên. "Washington gặp  khó khăn vì không có chiến thuật hoặc đòn bẩy nào của chúng ta có ý nghĩa như trước nữa", Mount nói.

Anthony Ruggiero, chuyên gia tại Tổ chức Quốc phòng Dân chủ, nhận xét rằng: "Thật không may, chính quyền Trump có ít lựa chọn ngoài việc gia tăng áp lực kinh tế mạnh mẽ đối với Trung Quốc và Triều Tiên. "Mỹ đã lãng phí 10 năm qua với các cuộc đàm phán và sự kiên nhẫn chiến lược vốn thất bại ngay từ đầu", ông nhận xét.

Theo ông Ruggiero, tốt nhất là Mỹ nên chủ động đưa ra một lệnh trừng phạt mới, bởi vì nếu đưa việc này ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Nga có thể phủ quyết đề xuất của Mỹ.

Cây bút David Sanger của NYTimes cho rằng ông Trump có thể tăng cường sự hiện diện của hải quân Mỹ ngoài bán đảo Triều Tiên như ông từng tuyên bố hồi tháng 4 rằng "chúng tôi gửi đi một đội quân", đồng thời đẩy mạnh chương trình mạng phá hoại các vụ phóng tên lửa. Tuy nhiên, Sanger nhận định rằng các biện pháp này khó lòng đem lại hiệu quả lớn. Mỹ vốn thực hiện những điều đó từ trước, "nếu sự răn đe và biện pháp kỹ thuật đó có hiệu quả thì ông Kim đã không tiến hành vụ thử vào ngày 4/7", Sanger viết.

Truyền hình Triều Tiên tuyên bố phóng thành công ICBM. Video: ChosonTV

Khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên vẫn là điều khó xảy ra. "Việc đó sẽ có hậu quả lớn và đi ngược lại với lợi ích của Mỹ", Mount đánh giá, đề cập tới nguy cơ thủ đô Seoul của Hàn Quốc chịu tổn thất lớn nếu chiến tranh xảy ra.

Trong chuyến thăm Washington cuối tuần qua, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cố gắng thúc đẩy một phương án khác, đó là đàm phán. Mỹ có thể yêu cầu Triều Tiên đóng băng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa, đổi lại, Mỹ sẽ hạn chế hoặc đình chỉ các cuộc tập trận với Hàn Quốc. Ông Tập Cận Bình từ lâu đã thúc giục phương pháp tiếp cận này và nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Nga Putin.

Tuy nhiên, phương án này cũng có thể mang lại nhiều rủi ro. Nếu làm vậy, Mỹ sẽ khiến Triều Tiên và Trung Quốc đạt được mục tiêu là hạn chế quyền tự do hành động của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương và sẽ làm giảm chất lượng của lực lượng răn đe quân sự Mỹ - Hàn.

trump-trong-vong-lun-qun-doi-pho-ten-lua-trieu-tien-1

Tính năng cơ bản của tên lửa Hwasong-14. Đồ họa: Việt Chung. (Click vào hình để xem cỡ lớn)

Trump từ lâu đã ủng hộ chính sách thúc đẩy Trung Quốc gây áp lực với Triều Tiên. Tuy nhiên, trong tuần qua, Mỹ dường như thể hiện rằng họ ngày càng mất lòng tin vào khả năng hãm phanh Bình Nhưỡng của Bắc Kinh.

"Giờ Trung Quốc không thể nói rằng họ đang tích cực kiềm chế chính quyền Kim Jong-un. Ông Kim đã cho thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, điều đó cho thấy Bình Nhưỡng không cảm thấy bị đe doạ bởi phản ứng của Trung Quốc hoặc bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Liên Hợp Quốc nữa", Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Học viện Lowy của Sydney, nói.

Hành động của Triều Tiên như "một cú chọc vào mắt Trung Quốc", ông nhận xét.

Theo Graham, Trung Quốc cũng có thể đổ lỗi cho Mỹ, nói rằng giá như Trump lắng nghe lời kêu gọi của họ là rút lại các cuộc tập trận với Hàn Quốc để đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa thì điều này sẽ không xảy ra.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ cố né tránh bất cứ lời trách móc nào và nói rằng 'chúng tôi không thể kiểm soát Triều Tiên'", ông đánh giá.

Graham cho rằng Mỹ nhiều khả năng phải học cách chấp nhận sống chung với Triều Tiên khi nước này vẫn tiếp tục chương trình vũ khí.

"Kết cục cuối cùng không thể tránh khỏi là chúng ta phải sống chung với một Triều Tiên sở hữu hạt nhân với các tên lửa tầm xa", ông nói. "Rồi cũng sẽ đến lúc Washington phải ngậm ngùi chấp nhận điều đó".

Phương Vũ

VNExpress

Triều Tiên, Trump, phản ứng, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Triều Tiên thử ICBM


© 2021 FAP
  4,281,457       231/895