Khi con đã lớn

Giàu kính - nghèo khinh

PNCN - Vợ chồng tôi có của ăn của để nên cho con học trường quốc tế. Không biết có phải vì vậy mà cháu chỉ thích kết thân với người giàu sang?

Cháu có biểu hiện coi thường người nghèo khó, ít chữ nghĩa. Nhận quà, cháu chỉ chuộng những món đắt tiền, nhất là quà từ nước ngoài; còn quà dưới quê gửi lên, cháu chê. Mới đây, trong lần về quê nội, cháu lễ phép khoanh tay thưa ông nội và người khách đến thăm nhà. Tuy nhiên, khi biết người khách đó làm nghề bán vé số, cháu đã trách ông nội sao không nói trước để cháu… khỏi chào. Nhà tôi đã phải thay đổi người giúp việc nhiều lần cũng vì cu cậu phân biệt đối xử, nói những lời miệt thị, thiếu lễ độ, dù người giúp việc lớn tuổi hơn cả vợ chồng tôi. Chúng tôi nhiều lần góp ý, cháu vẫn không sửa đổi. Năm nay cháu đã 15 tuổi, dự định vài năm nữa vợ chồng tôi sẽ gửi cháu du học. Kỹ năng tiếng Anh và học lực của cháu rất tốt, chúng tôi chỉ lo cháu có cách nhìn lệch lạc về cuộc sống, thực dụng. Nếu du học trời Tây, không có ba mẹ bên cạnh để uốn nắn, chắc chắn cháu sẽ càng “phát huy” cái nhìn thiên lệch này. Chúng tôi phải tác động cháu như thế nào?

Kim Huyền (Q.7, TP.HCM)

Chị Kim Huyền mến,

Chị đừng vội trách cháu đã có những suy nghĩ, hành xử “giàu kính - nghèo khinh”. Có thể cháu nghĩ giàu nghèo chỉ là kết quả của sự giỏi giang hay lười biếng, ít học mà có. Cháu thấy anh chị cũng như nhiều người khác giỏi, nỗ lực nhiều nên giàu có, nên cho rằng những người nghèo là do lỗi của họ. Cũng có thể tâm lý coi khinh người nghèo của cháu đến từ các phương tiện truyền thông. Hàng ngày, những hình ảnh người giàu được đối xử tử tế, người nghèo bị coi rẻ từ các bộ phim, từ các tin tức thời sự, từ chính cuộc sống xung quanh đã khiến cháu bị nhiễm. Có nhiều lý do khác nữa mà chị có thể biết rõ hơn nếu chân thành nghe cháu chia sẻ quan điểm sống của mình.

Muốn thay đổi cái nhìn, cách sống của cháu, anh chị cần hiểu cháu và từ từ hướng dẫn cháu suy nghĩ đúng. Tuổi này, cháu không chấp nhận sự áp đặt từ các bài giảng đạo đức khô cứng, một chiều. Cháu cần hiểu có nhiều nguyên nhân sâu xa của cái nghèo: do sức khỏe kém, do cơ hội quá ít cho người nghèo, do thiên tai, do rủi ro… Người nghèo phải chịu rất nhiều bất công, và không phải ai cũng có cơ hội vươn lên thoát nghèo, dù họ rất muốn. Chị hãy giúp cháu có cái nhìn công bằng hơn với người nghèo, để các cháu hiểu nỗi khổ của họ, từ đó nhận ra trách nhiệm của người có học, có cơ hội như cháu nên giúp người nghèo như thế nào.

Chị có thể giúp cháu hiểu qua tâm sự, chia sẻ với cháu về những mảnh đời bất hạnh, những bất công xã hội, những nỗ lực vươn lên của người nghèo, những điều tốt mà người nghèo đang làm… Có thể dần dần từng chút từng chút, “mưa dầm thấm sâu” chị ạ! Đôi khi chỉ là một bài báo gửi qua Facebook cho con đọc, đôi khi chỉ là một câu chuyện cảm động mà bố mẹ tâm sự với nhau trong bữa ăn cho cháu nghe, đôi khi là những chuyến từ thiện của bố mẹ giúp người nghèo… Tôi tin với nỗ lực của anh chị, cháu sẽ dần cảm nhận được điều anh chị muốn gửi gắm.

Chị đừng lo lắng khi đi du học cháu sẽ thực dụng hơn. Có khi cuộc sống xa nhà, xa đất nước, chứng kiến cảnh giàu nghèo ở nước khác, cùng với các hoạt động xã hội rất được chú trọng ở trường đại học, cháu sẽ hiểu cuộc sống hơn, biết chia sẻ hơn.

Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

www.phunuonline.com.vn

giàu kính, nghèo khinh


© 2021 FAP
  874,201       2/1,232