PN - Khi con gái lên bốn, nhà báo Carol Midgley quyết định sơn lại căn phòng của cô bé toàn màu hồng và trang trí như phòng ngủ của công chúa trong phim Disney.
Điều này không làm Carol ngạc nhiên. Nhưng, cô chỉ không thể lý giải tại sao chính cô cũng không mặn mà với màu hồng, cũng như hình ảnh của Disney, mà lại áp đặt vào con gái. Có lẽ cô thấy các bé gái đều mặc áo quần màu hồng và cho rằng hễ là con gái thì phải thích màu hồng. Carol bắt đầu nhận ra, chính sản phẩm thương mại đã làm cho các bé gái không có nhiều lựa chọn.
Người ta mặc định màu hồng dành cho các bé gái - Ảnh: activeforlife.com
Từ đó đến nay, đã có những chuyển biến, dù hơi chậm. Các nhà hoạt động vì quyền lợi trẻ em đã phát động phong trào kêu gọi các hãng thời trang và sản xuất đồ chơi không nên phân biệt giới tính qua màu sắc. Jenny Willott, Bộ trưởng quyền bình đẳng Anh quốc, đã họp với các nhà sản xuất đồ chơi, kêu gọi họ ngừng phân biệt đồ chơi cho trẻ trai và trẻ gái. Bà cho rằng, điều này là yếu tố hạn chế bé gái vào học các ngành khoa học tự nhiên trong tương lai.
Tổ chức Hãy để đồ chơi là đồ chơi (Let Toys Be Toys) cho rằng, sự phân biệt giới tính xảy ra hàng ngày cũng hạn chế tầm nhìn của bé gái. Ví dụ, hãng thức ăn nhanh McDonald’s khi trao thức ăn thường hỏi cho bé trai hay bé gái để gửi đồ chơi kèm theo.
Tương tự, Carolyn Danckaert và Aaron Smith, sau nhiều lần thất bại trong việc chọn mua quà cho bốn cháu gái, đã thành lập trang web tại Mỹ có tên Bé gái hùng mạnh (A Mighty Girl). Trang web bán các sản phẩm từ đồ chơi, sách, phim, âm nhạc và chương trình TV với những chủ đề nâng cao sức mạnh của bé gái. Trang web rất thành công vì họ không ngờ có rất nhiều bậc phụ huynh cũng trăn trở giống mình. Thay vì những slogan ủy mị, yếu đuối, họ bán áo thun có khẩu hiệu như: “Công chúa biết tự cứu mình”; “Tại sao phải làm công chúa khi bạn có thể là tổng thống”; “Nhà khoa học tương lai”...
Bé gái vẫn có thể thích màu hồng và trở nên mạnh mẽ - ảnh: Facebook
Danckaert thừa biết việc các nhà sản xuất phân biệt màu sắc chỉ vì lợi nhuận. Thay vì mua một quả bóng màu xanh để bé trai, bé gái cùng chơi, các bậc phụ huynh thường bị áp lực mua hai quả, xanh dương và hồng. Ngay cả bánh kẹo cũng được đóng gói theo chủ đề công chúa để cha mẹ phải mua hai gói dù sản phẩm bên trong đều như nhau.
Hai chị em sinh đôi Emma và Abi Moore cũng bắt đầu phong trào chống màu hồng với tên gọi Pinkstinks. Emma có hai bé gái và Abi có hai bé trai. Một ngày hai chị em nhận ra nhà Emma tuyền màu hồng và các đồ chơi mềm mại, trong khi nhà Abi lại bình thường như những gia đình khác. Emma học ngành quảng cáo nên cô hiểu con số 100 tỷ bảng hàng năm dành cho quảng cáo sản phẩm của trẻ em hiệu quả như thế nào, chỉ có khách hàng là không biết đến “tác hại” nhỏ giọt dần dần thẩm thấu vào cuộc sống và sự trưởng thành của các bé.
Nhiều người tranh cãi rằng màu sắc chỉ là màu sắc, khi trẻ lớn lên, chúng sẽ tự thoát khỏi sự áp đặt của người lớn. Nhưng các nhà nghiên cứu đã chứng minh, sự phân biệt giới tính về màu sắc khi còn nhỏ có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ. Họ đã có bằng chứng là việc phân biệt giới tính thuở bé khiến bé gái lớn lên đều có khuynh hướng chọn các ngành nghề chuyên về chăm sóc, trong khi bé trai thường theo các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, cơ khí hay toán học.
Hãy dạy các bé gái năng động, tự lập, biến ước mơ thành hành động - Ành: Blogspot
Emma cho biết, cần rất nhiều thời gian để thay đổi thực trạng trên. Hiện nay, hai con của Emma lên 8 và 12 tuổi, đã thoát khỏi giai đoạn thích diện đồ công chúa, nhưng hình ảnh eo thon, mắt to của công chúa vẫn là hình mẫu chúng làm theo. Nếu những nhà sản xuất có thể làm các bé gái ám ảnh về ngoại hình của chúng từ thuở lên 5, thì họ còn có thể kiếm tiền của khách hàng nữ trong suốt cuộc đời của họ.
Tuy nhiên, đã có những tín hiệu lạc quan. Mới đây, hãng băng vệ sinh Always mở cuộc điều tra về khẩu ngữ: “như con gái” với thái độ giễu cợt (ví dụ “chạy như con gái”; “ném banh như con gái”; “khóc như con gái”). Trong đoạn băng ghi hình, khi người lớn được yêu cầu làm những điều trên, họ có những hành động ẻo lả, vô thưởng vô phạt. Nhưng, khi các bé gái được yêu cầu làm hành động tương tự, các em chạy cực nhanh, ném banh cực chuẩn, đá karate cực mạnh và chính xác. Như thế, bé gái không chỉ thích màu hồng...
PHAN QUỲNH DAO (Theo Times)
Carol Midgley, A Mighty Girl, phân biệt giới tính, đồ chơi, bé gái, phụ huynh