PNCN - Được gọi là dậy thì muộn khi bé gái trên 13-14 tuổi mà mọi thứ vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Vào tuổi dậy thì, khoảng 12-13 tuổi, buồng trứng sẽ “chín mùi” và tiết ra các nội tiết tố estrogen và progesterol để “hô biến” bé gái thành thiếu nữ. Đánh dấu sự phát triển này là trứng rụng để khởi đầu cho chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Hệ mao vùng kín cũng phát triển, cơ thể bắt đầu tích mỡ, ngực bắt đầu nhô lên, eo thắt lại và mông nở. Giọng nói của bé gái cũng trở nên trong trẻo, thánh thót hơn.
Tuy nhiên, khi đến tuổi dậy thì mà mọi “mặt trận” trên cơ thể vẫn “yên tĩnh”, cha mẹ cần xem xét những nguyên nhân sau:
- Thăm hỏi những phụ nữ lớn tuổi trong gia đình xem có kinh lần đầu lúc bao nhiêu tuổi. Bởi có không ít gia đình trễ tràng “bật đèn đỏ”, thay vì “nữ thập tam” (13 tuổi) thì lại trì hoãn đến nữ thập thất, thập bát” (17, 18 tuổi). Kế đến, sự chậm lớn này còn liên quan đến kinh tế, cụ thể các em sống trong điều kiện dinh dưỡng thiếu thốn, không đủ chất, cơ thể sẽ chậm phát triển. Hiện nay, còn có tình trạng trẻ nhịn ăn vì sợ thừa cân, béo phì… Cơ thể không đủ chất sẽ rất khó phát triển, nhất là trong giai đoạn dậy thì. Các bé có sức khỏe yếu hoặc mắc bệnh như: hen suyễn, tiểu đường, bệnh thận... cũng khiến cơ thể không phát triển như các bé khỏe mạnh, bình thường. Sự vận động quá sức như tập luyện để thi đấu, căng thẳng, lo lắng cũng làm cơ thể ngưng phát triển. Với những trường hợp này, chỉ “chỉnh sửa” kịp thời, cơ thể sẽ phát triển ngay.
Dậy thì “đến hẹn không lên” còn liên quan đến văn hóa - xã hội. Trẻ em vùng thành thị dậy thì sớm hơn nông thôn. Trẻ em các nước phát triển dậy thì sớm hơn các nước đang phát triển. Nguyên nhân: tại thành thị và các nước phát triển, lượng thông tin trên mạng nhiều, kích thích vùng vỏ não. Kích thích sự hoạt động của vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc buồng trứng (trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng) nên phát triển dậy thì sớm hơn trẻ em nông thôn và các nước đang phát triển thiếu thông tin “kích hoạt” vỏ não. Tuyến giáp trạng phát triển kém cũng làm bé chậm trưởng thành.
Dậy thì còn “lỗi hẹn” do rối loạn nhiễm sắc thể giới tính, ví dụ như hội chứng Turner. Trường hợp này sẽ có vóc dáng nhỏ, suy buồng trứng sớm, hầu hết không hoàn tất việc dậy thì. Bé gái bị Turner có một hoặc một vài những điểm sau: mắt sụp, cổ to bè, hàm dưới ngắn, vòm họng cong, bàn chân dẹt, ngón tay và chân nhỏ… Ngoài ra bé còn có thể bị các bệnh về tim (hẹp động mạch chủ…), thận (cao huyết áp…), tuyến giáp hoạt động kém…
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM khuyên: “Khi thấy trẻ gái dậy thì muộn, phụ huynh không nên quá lo lắng; hãy bình tĩnh và đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa sản”.
Khi khám tổng quát, nếu bác sĩ phát hiện trẻ có vấn đề về nhiễm sắc thể giới tính, sẽ xác định thêm về di truyền học để tìm nguyên nhân. Cho đến nay, bệnh do di truyền vẫn còn là thách thức của y học hiện đại. Tuy nhiên, việc điều trị khá khả quan và tỷ lệ mắc bệnh không nhiều.
Phương Nam
con gái dậy thì