Khi con đã lớn

Dạy trẻ lễ phép

PNCN - Khi còn ở tuổi mầm non, con gái tôi rất ngoan ngoãn, lễ phép. Cháu tự giác đi thưa về trình, khi chào thì khoanh tay cúi đầu, người lớn đưa vật gì thì đón nhận hai tay.

Cháu luôn biết cảm ơn, xin lỗi, mời cơm… Tôi rất an tâm, hãnh diện về con gái và tự hào về cách rèn dạy con của mình. Tuy nhiên, không hiểu sao khi bước vào tiểu học, cháu dần bỏ những phép tắc thường nhật ấy. Tôi nhắc và chê trách thì cháu bảo “làm như thế vừa ngại vừa quê”, “mất công, phiền phức, chẳng ích gì”, “mấy đứa bạn con có ai phải làm vậy đâu”... Tôi nói: “Như thế người ta sẽ đánh giá mình là đứa vô lễ, càng học giỏi càng phải ngoan”, cháu thản nhiên mặc kệ. Tuần rồi, đi học về, gặp lúc nhà có khách, cháu không thưa chào mà cúi gầm mặt đi thẳng lên lầu khiến tôi tức giận đã đánh đòn cháu sau khi tiễn khách. Sợ đòn, cháu thực hiện miễn cưỡng, nhưng chỉ vài ngày là lại “tái phát” chứng cũ.

Vì sao những thói quen tốt ấy của con tôi sớm bị “bốc hơi”? Cháu lên bảy tuổi có phải đã bước vào lứa tuổi không ngoan hay vì chơi với bạn xấu mà cháu sinh hư? Chúng tôi phải làm sao để dạy cháu những phép tắc, chuẩn mực cư xử, giao tiếp, để cháu trở thành người vừa giỏi vừa lịch sự trong tương lai, thưa chuyên gia?

Đoàn Văn Linh (Q.9, TP.HCM)

Anh Linh thân mến,

Đọc thư anh, tôi rất cảm mến tấm lòng và hiểu biết của anh. Anh không chỉ mong con giỏi, thành đạt mà anh còn mong con trở thành người biết cư xử, lễ phép, khiêm cung trước người khác.

Quan sát và làm việc với trẻ em nhiều năm, tôi nhận thấy trẻ càng nhỏ càng dễ dạy, dễ nghe lời, dễ bắt chước… Những em bé mới biết nói rất thích chào, chưa bảo đã chào, vòng tay “ạ” rất dễ thương. Nhưng càng lớn, thường là giai đoạn từ ba tuổi, các bé càng ngại chào, nhắc mới chào hỏi. Và cũng có một thực tế đáng mừng là khi lớn hơn một chút, vào tuổi dậy thì trở đi, trẻ dường như quay lại thói quen thời thơ ấu đã được dạy dỗ, lễ phép hơn, biết cư xử hơn…

Hiện tượng của con anh chưa thể kết luận là cháu không ngoan. Có thể cháu đang ở giai đoạn “ngại chào” nói trên. Có thể cháu quan sát bạn bè không thấy bạn chào, không thích khác bạn bè nên bỏ chào. Có thể ở trường tiểu học, trẻ không được chú ý rèn thói quen chào hỏi như thời gian ở nhà nhiều với bố mẹ nên dần xao lãng. Có thể do chính ngay người lớn mà trẻ gặp cũng không làm gương, không chào trẻ nên trẻ nghĩ mình cũng không cần chào.

Người lớn chúng ta gặp trẻ nhỏ cũng thường có ý đợi trẻ chào trước chứ không chủ động chào trẻ, khiến nhiều trẻ ấm ức. Có bé đã thắc mắc, ai thấy trước thì nên chào trước chứ sao cứ phải là trẻ em chào trước. Bé thắc mắc như vậy không sai. Chính người lớn chúng ta cần làm gương chào trẻ trước, thay vì chỉ bắt trẻ chào mình. Nhiều cha mẹ không cho con cơ hội tự giác chào, con chưa kịp chào khách đã nhắc, khiến trẻ khó chịu vì bị áp đặt.

Anh chị có thể quan sát các biểu hiện của cháu khi gặp khách xem cháu không chào vì nguyên nhân gì. Sự tế nhị và kiên nhẫn của cha mẹ khi nhà có khách sẽ giúp cháu dần nhận ra chào hỏi là phép lịch sự cần thiết, không chỉ làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi mà còn làm cho chính mình vui vì tạo được mối thiện cảm với mọi người, được mọi người chào hỏi, ân cần quan tâm trở lại. Anh chị nên tránh đánh, mắng cháu khi cháu quên chào.

Nhắc nhở nhẹ nhàng khi khách về: “Hình như con đã quên chào bác/cô ấy, lần sau con nhớ chào nhé, bác/cô ấy sẽ vui hơn khi đến nhà ta” sẽ có ích hơn một lời trách mắng. Càng trách mắng trẻ càng bướng bỉnh muốn làm trái ý cha mẹ. Hơn nữa, trong giao tiếp rất cần sự chân thành, không ai có thể bắt trẻ chào một cách vui vẻ, tôn trọng khi trẻ không tự nguyện làm. Khi cháu chủ động chào ai đó, anh chị nên tỏ ý vui mừng và khen ngợi cháu để cháu thấy cha mẹ rất vui khi con biết lịch sự.

Chúc anh chị giúp cháu có được sự tự nhiên và chân thành trong giao tiếp.

 Chuyên viên tham vấn tâm lý - Thạc sĩ Tâm lý trị liệu

PHẠM THỊ THÚY

www.phunuonline.com.vn

dạy trẻ lễ phép, giao tiếp, tự nguyện


© 2021 FAP
  873,755       1/834