Khi con đã lớn

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Gieo “hạt mầm văn chương” cho con

PN - Khi quyển "Mun ơi, chạy đi" ra mắt, nhiều người đã bị kích thích trí tò mò bởi bên cạnh tác giả quen thuộc - nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai còn có đồng tác giả là Farnhammer Mai Clara.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai lập gia đình với một người Đức. Do đặc thù công việc, gia đình chị buộc phải “lang thang” qua nhiều quốc gia. Chị chia sẻ, quyển sách này chủ yếu do Mai Clara viết, chị chỉ đồng hành để con gái vững tin trong quá trình sáng tác.

Nhà thơ Quế Mai và con gái - Mai Clara

PV: Chị phát hiện năng khiếu viết lách của con từ lúc nào? Khi bé bắt đầu những bước tập tễnh viết đầu đời, chị đã nâng đỡ, khơi gợi ra sao?

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Từ lúc con tôi còn chưa biết đọc, tôi có thói quen đọc sách cho cháu trước giờ đi ngủ. Những câu chuyện ấy dẫn dắt bé vào những thế giới khác, mở những cánh cửa của trí tưởng tượng và những chuyến phiêu lưu. Có lẽ vì thế mà tình yêu văn học của Mai Clara đã bén rễ từ lúc nào chẳng hay. Tôi còn nhớ, khi cháu khoảng bốn tuổi, các bạn của tôi đến nhà đã sửng sốt khi thấy cháu có thể đọc trôi chảy rất nhiều quyển sách. Thực ra lúc đó cháu chưa hề biết đọc. Cháu thuộc làu các câu chuyện của mẹ đọc hàng đêm và thích cầm sách lên, kể lại các câu chuyện như thể mình biết đọc.

Tôi quan niệm, nếu thức ăn nước uống nuôi sống cơ thể, thì các tác phẩm văn học nuôi sống tâm hồn, vì thế, trong phòng của Mai Clara luôn có rất nhiều sách, nhiều hơn cả đồ chơi. Khi lớn lên, cháu tự mình chọn và tự mình bước vào những cuộc phiêu lưu. Từ những cuộc phiêu lưu ấy, cháu bước ra, trưởng thành hơn và muốn viết lên những câu chuyện của riêng mình. Một trong những câu chuyện ấy là hạt mầm cho Mun ơi, chạy đi.

* Phải chăng, món quà ý nghĩa nhất cho con cái là sách? Chị đã đưa những quyển sách quý đến với con bằng cách nào?

- Đúng vậy. Tôi nghĩ tình yêu dành cho các quyển sách là một món quà rất lớn mà cha mẹ có thể tặng cho con mình. Tôi khuyến khích con đọc bằng cách dẫn cháu vào các thư viện, hiệu sách vào dịp cuối tuần. Tôi cũng đọc rất nhiều tác phẩm và luôn nói chuyện với con mình về các tác phẩm đó. Thêm vào đó, tôi xây dựng nên các nhóm đọc sách, mời bạn bè của con mình và cha mẹ của chúng tham gia. Hiện nay, con trai của tôi (13 tuổi) tham gia một nhóm đọc sách gồm có tám thành viên.

Các cháu tự chọn một quyển sách mỗi tháng (thường là các tác phẩm kinh điển hoặc tiểu thuyết từ 200 trang trở lên). Mỗi tháng, có một phụ huynh đọc quyển sách ấy cùng nhóm và đề ra các câu hỏi để hướng dẫn sự thảo luận của các cháu. Thảo luận bao giờ cũng rất sôi nổi, và kết thúc là một bữa tiệc với các món ăn, trò chơi mà các cháu yêu thích. Từng phụ huynh trong nhóm luân phiên tổ chức các cuộc họp này, vì thế công việc rất nhẹ nhàng và thoải mái.

Tôi cảm nhận rằng, hai con của mình trưởng thành hơn rất nhiều nhờ sách. Khả năng đọc, viết của các cháu cũng được cải thiện đáng kể. Việc đọc sách giúp cho trẻ em phát triển ngôn ngữ một cách kỳ diệu. Ví dụ, hai con tôi thông thạo ba thứ tiếng: Anh, Việt, Đức nhờ vào các tác phẩm văn học. Hiện nay các cháu đang học thêm tiếng Pháp ở trường.

Một người bạn của tôi, nhà văn Thụy Anh vài năm trước sáng lập ra câu lạc bộ đọc sách cùng con. Câu lạc bộ này hiện phát triển rất mạnh và có sự tham gia của rất nhiều phụ huynh. Tôi hy vọng ngày càng nhiều phụ huynh là bạn đọc với con mình.

* Thưa chị, phải chăng người mẹ cần đặt mình vào độ tuổi của con để bắt đúng cảm xúc, trình độ hiểu biết, khả năng tư duy của con để có những bước hướng dẫn đúng?

- Làm mẹ là công việc vô cùng thú vị và cũng rất khó khăn. Tôi đã và đang học hỏi rất nhiều từ con. Tôi luôn lắng nghe các con và là những người bạn thân nhất của chúng. Việc đọc những quyển sách ở lứa tuổi của các con, cùng chơi với các con giúp tôi hiểu thêm về cảm xúc và tư duy của độ tuổi của các con.

* Chị đã nói với con gái thế nào về viết lách? Với chị, cái hay của viết lách là gì? Đó là sự giải tỏa, giúp người đọc “lớn lên” về mặt tư tưởng hay đơn thuần chỉ là diễn đạt điều mình nghĩ?

- Hai con tôi hiện đang học ở trường quốc tế Manila (ISM). Trường của các cháu thường xuyên mời các nhà văn (trong đó có nhà văn nổi tiếng Amy Tan) đến nói chuyện về các tác phẩm văn học và quá trình sáng tạo ra tác phẩm. Các con tôi hiểu sáng tạo văn học là công việc vô cùng khó nhọc, đòi hỏi thời gian và lòng kiên nhẫn. Bù lại, công việc viết văn cho bất cứ ai cơ hội thoát ra khỏi thế giới hiện tại để có thể sống những cuộc đời khác - cuộc đời những nhân vật.

* Chị có buộc con học cách trau chuốt, chọn từ hay chọn những đề tài lớn để những tác phẩm có “tầm”?

- Thực ra, tôi yêu thích tác phẩm của các con tôi vì sự ngộ nghĩnh, đáng yêu. Các bậc cha mẹ hãy để con diễn đạt một cách tự nhiên, theo cách của chúng, đừng gò ép, bắt chúng viết theo khuôn mẫu. Khi đón nhận tác phẩm của con, tôi thưởng thức theo cách mà con diễn tả, tôi nhận ra rằng trẻ con có khả năng sáng tạo bất tận. Trẻ không sợ ai đó phê phán và hình như thế giới của chúng rộng mở hơn, nhiều màu sắc hơn, kỳ diệu hơn.

* Chị mong con gái của mình sau này thế nào? Với chị, con có là người tiếp tục làm những điều mà mẹ chưa làm được?

- Hai con tôi được sinh ở Hà Nội, lớn lên ở Bangladesh, và hiện nay đang trưởng thành ở Manila. Cuối năm nay, gia đình tôi chuyển sang sống và làm việc ở Brussels, Bỉ.

Các con tôi đi nhiều, trải nghiệm nhiều nền văn hóa nên có thể nói các cháu là những công dân toàn cầu đúng nghĩa. Tôi mong sau này các con xem thế giới là nhà nhưng không quên bản sắc, nguồn cội của mình. Tôi cũng mong các con được làm những công việc mà con yêu thích nhất. Tôi không muốn đặt kỳ vọng và ép buộc con phải thực hiện những điều mà tôi chưa làm được.

* Chị có nghĩ viết văn quá khó, cần phải có năng khiếu đặc biệt? Một người mẹ không có năng khiếu văn có thể dạy con gái viết văn?

- Tôi không khuyến khích con mình viết văn, mà để hai cháu tự quyết định. Tôi nghĩ con cứ thỏa thích trải nghiệm, thỏa thích sống rồi viết cũng chưa muộn. Nghề viết rất vất vả và không phải ai cũng thành công. Để viết, cần có sự đam mê, kiên nhẫn, và khả năng học hỏi không ngừng.

Công việc làm mẹ không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng tôi thấy việc đồng hành cùng con trong các tác phẩm văn học, cùng con bước vào thế giới diệu kỳ của trí tưởng tượng là điều khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị và hạnh phúc. Các phụ huynh khác hoàn toàn có thể mạnh dạn trải nghiệm cùng con theo cách của mình mà không cần đặt nặng vấn đề năng khiếu văn chương.

* Xin cảm ơn chị rất nhiều.

 TRẦN TRIỀU

(thực hiện)

www.phunuonline.com.vn

nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, hạt mầm văn chương, đọc sách, văn chương


© 2021 FAP
  873,628       1/823