Khi con đã lớn

Bố mẹ ơi! Em bé từ đâu mà có?

PN - Có một câu hỏi của trẻ con luôn “làm khó” các bậc phụ huynh, đó là: Trẻ con từ đâu mà có? Trả lời câu hỏi ấy thế nào đây?

Nhiều câu hỏi của chúng khiến bố mẹ lúng túng, sửng sốt hoặc hoang mang, bực bội. Có một câu rất thường gặp và luôn “làm khó” các bậc phụ huynh, đó là: Trẻ con từ đâu mà có? Trả lời câu hỏi ấy thế nào đây?

Thứ nhất: đừng bao giờ cấm trẻ hỏi, đừng làm lơ và đừng dọa nạt chúng: “Đừng quấy mẹ/bố nữa” dù chúng có đưa ra câu hỏi khó đến thế nào.

Với con trẻ, bố mẹ là người hiểu biết nhất thế giới. Nếu bạn từ chối thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thế giới của trẻ bạn có thể đánh mất uy tín của mình và con trẻ sẽ mất đi sự hứng thú được trò chuyện với bạn. Ngoài ra, sinh vật bé nhỏ tò mò đó sẽ cố gắng tìm câu trả lời cho thắc mắc của mình và có thể nhận được chúng từ những nguồn kiến thức rất đáng nghi ngờ!


Thứ hai: bạn nhất định phải cố gắng hiểu rõ trẻ muốn biết điều gì. Hoàn toàn có khả năng điều trẻ muốn hỏi không phải là điều mà cha mẹ nghĩ và lo lắng. Thí dụ thông thường trẻ hỏi: Mẹ ơi, con từ đâu xuất hiện là do bé ngạc nhiên không biết mình được ai mang về nhà bố mẹ hay muốn biết ai là cha mẹ mình, vì có người trêu bé được nhặt từ thùng rác hay xin từ nhà trẻ mồ côi…

Ngay cả khi trẻ thật sự muốn biết trẻ con từ đâu mà có thì hoàn toàn không phải là trẻ tò mò về tình dục hay những hiểu biết sinh học thông thường. Có nhiều trẻ con hoàn toàn có thể hài lòng và tin tưởng rất lâu vào câu trả lời của mẹ: “Từ bụng mẹ chui ra”.

Theo các nhà tâm lý học, trẻ con chỉ bắt đầu phân biệt về giới tính sau 3 tuổi và sự quan tâm đặc biệt về chủ đề này chỉ bắt đầu phát triển từ khi bé lên 5.

Thứ ba: Nếu bạn chắc rằng con bạn đang hỏi về quá trình thụ thai và sinh đẻ thì bạn đừng nói dối chúng, đừng cố gắng kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích đại loại như “Một con cò đã mang con đến cho bố mẹ” Mọi câu hỏi của trẻ phải nhận được những câu trả lời trung thực, nhưng phù hợp với tầm hiểu biết của trẻ.

Điều quan trọng khi bạn thử trả lời câu hỏi khó này của trẻ là đừng tỏ ra lúng túng, cáu giận hay đỏ mặt tía tai, ngập ngừng, nói lảng và nói chung là đừng để cho trẻ có ý nghĩ rằng bạn không thích câu hỏi đó. Nếu không, trẻ có thể nghĩ rằng hỏi về những chuyện đó là không tốt. Và như vậy thì trẻ sẽ không hỏi bạn nữa mà tự tìm hiểu bằng mọi cách.


Hãy tiếp nhận câu hỏi của trẻ một cách bình thản, đừng làm ra vẻ giấu diếm gì đó, những cũng đừng tập trung hướng trả lời về hoạt động tình dục, không cần phải quá chi tiết miêu tả.

Thật may mắn cho bạn là hiện nay có rất nhiều cuốn sách có hình minh họa, có cả từ điển thiếu nhi dành cho các lứa tuổi khác nhau mà bạn có thể tìm mua để giúp trẻ làm quen với cấu tạo cơ thể con người.

Hãy sử dụng giọng nói chuyện bình thường hàng ngày, không cao giọng hay thì thầm, sử dụng các thuật ngữ y khoa để kể cho trẻ nghe về cấu trúc cơ thể con người, về chức năng của các cơ quan khác nhau, chỉ cho trẻ xem các bức tranh, kể cho trẻ nghe một cách đơn giản nhất về quá trình thụ thai và sinh đẻ. Sau đó hãy để trẻ xem lại các bức tranh một lần nữa nếu trẻ muốn.

Bằng cách đó, chủ đề “nhạy cảm” sẽ không bị trở thành “chủ đề cấm”, sẽ không khiến trẻ càng thêm tò mò muốn tìm hiểu và không khiến trẻ có thêm những câu hỏi không hay. Mọi chức năng của các bộ phận cơ thể con người sẽ trở nên tự nhiên, quan trọng như nhau trong hình dung của trẻ, và chúng cũng hết sức rõ ràng, đơn giản khi nghĩ về chúng.

Khi bạn kể cho trẻ nghe về việc “Trẻ con từ đâu mà có”, đừng quên nhấn mạnh vào ý nghĩa tình yêu của người cha và mẹ dành cho nhau , để cho mọi sự giải thích không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa sinh học.

Hãy cố gắng chuyển trọng tâm của cuộc trò chuyện sang hướng kể về tình yêu của cha mẹ với nhau, tình yêu của họ với đứa con sắp ra đời, về khái niệm gia đình – điều đó sẽ giúp hình thành trong con trẻ ý thức về giá trị tình cảm và củng cố mối liên hệ tâm hồn của con cái với gia đình.

HIỀN NHI

www.phunuonline.com.vn

Trẻ con từ đâu sinh ra, con hỏi, bố mẹ trả lời


© 2021 FAP
  318,407       4/377