Quốc tế

Chặng đường chông chênh của Hy Lạp

Chính phủ Hy Lạp cam kết đưa nước này ra khỏi suy thoái trong năm 2014 và giữ cân bằng ngân sách. Song, với tình hình hiện tại và gánh nặng nợ công, Hy Lạp không dễ dàng thực hiện được điều này.

Những người biểu tình chống chính sách thắt lưng buộc bụng xung đột với cảnh sát ở Athens.  					Ảnh: AFP
Những người biểu tình chống chính sách thắt lưng buộc bụng xung đột với cảnh sát ở Athens. Ảnh: AFP

Hy Lạp khởi đầu năm 2014 bằng việc đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU). Nhiệm vụ hàng đầu mà chính phủ Athens đặt ra là kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính vốn phủ bóng đen lên khối các nước sử dụng đồng euro nói chung và Hy Lạp nói riêng. AP dẫn lời Thủ tướng Antonis Samaras nói rằng, năm 2014, Hy Lạp sẽ trở lại thị trường và là “một đất nước bình thường”. “Sau 6 năm dài gian nan, năm 2014 báo hiệu triển vọng tăng trưởng... Điều quan trọng là chúng ta đã tránh được những điều tồi tệ nhất”, ông Samaras nói.

Tuy nhiên, với hầu hết gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (330 tỷ USD) đã được giải ngân, Hy Lạp vẫn đang có nợ công cao và đối mặt với đe dọa bất ổn chính trị. Nợ công của nước này hiện chiếm tới 176% GDP. Không những thế, cứ 4 người trong độ tuổi lao động thì có hơn 1 người thất nghiệp, xu hướng nghèo đói lại gia tăng.  

Theo AP, nền tài chính yếu kém của Hy Lạp làm nước này mất gần 1/4 tổng giá trị nền kinh tế và khoảng 1 triệu việc làm. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris (Pháp), từ mức 7,2% trước thời kỳ suy thoái năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 27% trong quý 3 năm ngoái, đưa Hy Lạp trở thành quốc gia có tình trạng việc làm tồi tệ nhất trong số 34 nền kinh tế phát triển. Hơn 70% số người thất nghiệp không có việc làm trong hơn một năm, hầu hết sống dựa vào hỗ trợ từ thiện bởi họ không còn trợ cấp lương hằng tháng và cũng không có bảo hiểm y tế. Người không có việc làm cũng sẽ không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế công.

Người đứng đầu Hội Y khoa Athens George Patoulis ước tính khoảng 2 triệu người không có bảo hiểm y tế trong số gần 8 triệu người cần có bảo hiểm. Theo ông Patoulis, vấn đề này sẽ kéo dài trong năm 2014.

Thủ tướng Samaras mới đây nói rằng, Hy Lạp sẽ vượt qua thỏa thuận cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự kiến vào năm nay, đồng thời sẽ không yêu cầu thêm khoản vay nào nữa. “Trong năm 2014, chúng tôi sẽ có một bước đi lớn trong việc vượt qua thỏa thuận vay nợ”, ông Samaras nói. Vị Thủ tướng này còn nhấn mạnh: Nợ công của Hy Lạp sẽ chính thức được tuyên bố có tính khả thi, nghĩa là không có nhu cầu vay mới và cũng không cần các thỏa thuận cứu trợ mới.

Năm 2010, Hy Lạp lần đầu được EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu giải cứu với khoản vay trị giá 110 tỷ euro (151 tỷ USD). Khoản vay thứ hai trị giá 130 tỷ euro được rót vào năm 2012. Song, khoản vay này sẽ kết thúc vào giữa năm nay trong khi bức tranh u ám vẫn còn, nghĩa là nền kinh tế yếu kém của Hy Lạp sẽ cần thêm sự trợ giúp của EU và IMF.

Về chính trị, chỉ trong 2 năm, Hy Lạp có 3 chính phủ. Trong 18 tháng qua, chính phủ liên minh hiện tại của Thủ tướng Samaras từ chỗ chiếm 179 ghế trong Quốc hội gồm 300 nghị sĩ thì nay chỉ còn 153 ghế. Một cuộc bỏ phiếu mới đây cho thấy, đảng cầm quyền của ông Samaras đứng sau cả đảng cánh tả Syriza.

Dù cả kinh tế lẫn chính trị đều có những bất ổn, nhưng nhiều người tin rằng, tình hình của Hy Lạp đang và sẽ được cải thiện. Phía trước là cả chặng đường chông chênh nhưng dù sao vẫn cứ hy vọng vào những động thái mới của Hy Lạp trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU.

BÌNH YÊN

.
Đà Nẵng

© 2021 FAP
  11,785       1/1,058