Bộ phim tài liệu của Frederic Tcheng tiết lộ nhiều điều thú vị về nhà mốt đình đám nước Pháp.
Thế giới bí ẩn của thời trang Haute Couture Paris từ lâu đã là chủ đề hấp dẫn với giới mộ điệu. Những bộ trang phục cao cấp cầu kỳ, khâu và thêu hoàn toàn bằng tay, mất hàng trăm giờ lao động với giá hàng trăm nghìn đô được thực hiện như thế nào, tên và mặt những người thợ thủ công đằng sau những bộ cánh ấy cho đến nay vẫn là bí mật. Dior và tôi là bộ phim tài liệu mới được công chiếu của đạo diễn Frederic Tcheng, hé lộ nhiều điều xung quanh vấn đề này.
Bộ phim đã chạm đến trái tim của nhiều người yêu thời trang với nhiều câu chuyện hấp dẫn về nhà mốt đình đám bậc nhất thế giới - Christian Dior. Đó là một trong những bộ phim thời trang đáng nhớ nhất từ trước đến nay, cả về sự hoành tráng và cảm xúc. Đặc biệt trong phim, đạo diễn Pháp đã khiến vị giám đốc sáng tạo nổi tiếng e dè máy quay, Raf Simons, phải bộc bạch những cảm xúc thật nhất của mình, nhất là trong 8 tuần đầu tiên vật lộn với nhiệm vụ mới.
Giám đốc Raf Simons nhút nhát và hay khóc
Nhà thiết kếngười Bỉ Raf Simons nhậm chức giám đốc sáng tạo của Dior từ mùa hè 2012 giữa lúc thương hiệu vẫn đang lao đao vì scandal của tiền nhiệm John Galliano trước đó. Công việc của Raf Simons lúc này là phải khôi phục lòng tin của 5.200 con người đang làm việc cho Dior, đồng thời tạo ra một bộ sưu tập Haute Couture thể hiện tài năng của mình ngay từ đầu.
Khó khăn lớn nhất của nhà tạo mốt sinh năm 1968 là chỉ có 8 tuần để thực hiện, một nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là đối với một nhà thiết kế chưa bao giờ làm việc với một đội ngũ hùng mạnh như của Dior. Trước đó, anh từng làm việc cho Jil Sander nhưng cũng chưa bao giờ thiết kế đồ Couture.
Đoàn làm phim tài liệu lúc này đã có mặt để ghi lại mỗi bước đi của nhà thiết kế có vẻ ngoài rụt rè. Mới đầu, Raf Simon rõ ràng không thoải mái khi những chiếc máy quay cứ theo sau hay được gắn trên mái nhà. Anh thậm chí đã khóc vì căng thẳng trước show diễn quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình - show đầu tiên với Christian Dior.
Đạo diễn Frederic Tcheng chia sẻ: "Ban đầu, Raf Simons nói 'không' với việc thực hiện bộ phim tài liệu. Tôi có thể hiểu được. Anh ấy không muốn công khai thế giới bí ẩn cho tất cả mọi người biết. Không dễ dàng gì khi để máy quay chĩa vào mình giữa thời kỳ khó khăn nhất của sự nghiệp. Nhưng chúng tôi thuyết phục anh cho chúng tôi quay thử một tuần và chúng tôi sẽ tập trung vào không chỉ anh ấy mà cả xưởng may, điều đó làm anh ấy an tâm hơn".
Đôi khi, áp lực chồng chất càng khiến Raf Simons muốn biến mất trước máy quay. Đạo diễn Frederic Tcheng kể: "Tôi đã đi tìm Raf khi anh ấy biến mất. Anh ấy có thể đến chỗ trưởng studio Pieter Mulier hoặc trưởng phòng truyền thông Olivier Bialobos. Vì vậy, tôi phải đi theo Olivier và thực hiện cảnh quay nhanh từ khoảng cách xa". Một lần khác, trên đường từ nơi làm việc trở về quê hương Antwerp của Raf, nhà thiết kế vẫn có phần nghi ngại về vị đạo diễn dù đi cùng nhau một quãng đường dài: "Chúng tôi ở trên xe khoảng 4 giờ và anh ấy hỏi tôi hàng tá câu hỏi. Anh ấy muốn biết mọi thứ, từ bộ phim yêu thích nhất của tôi đến loại bánh tôi khoái nhất".
Raf Simons xem người mẫu mặc trang phục trước bộ sưu tập đầu tiên của mình ở Dior. |
Dần dần, cả hai thân thiết hơn, cùng nhau tham gia một hội nhóm nghệ sĩ. Mọi nghi ngờ trong Raf dường như đã tan biến. Frederic Tcheng nói: "Mọi người thường cảm nhận rằng Raf lạnh lùng. Khi bạn đang rất tập trung, mọi người có thể hiểu sai là bạn lạnh lùng. Nhưng anh ấy khá ấm áp và thú vị đấy. Anh ấy cũng rất thông minh, và khi ở một mình, sự nhạy cảm ở Raf sẽ được bộc lộ. Khi anh ấy lên mái nhà và khóc, anh ấy đã không bắt tôi phải tắt camera".
Những người biết Raf Simons rất ngạc nhiên khi anh đồng ý với mọi cảnh quay trong phim. Nhà mốt không can thiệp chỉnh sửa hay đòi cắt bất cứ phần nào. Đạo diễn Frederic Tcheng chia sẻ: "Khi lần đầu tiên tôi tới văn phòng báo chí của Dior trước khi họ bổ nhiệm giám đốc sáng tạo mới, tôi nghe nói Raf sẽ nhậm chức và tôi biết rằng sẽ có một câu chuyện tuyệt vời đây! May mắn là anh ấy đồng ý khi tôi nói sẽ không đặt anh vào một kịch bản sẵn".
Đạo diễn Dior và tôi cũng tiết lộ về sở thích ăn mặc của vị giám đốc sáng tạo 47 tuổi: "Raf thường mặc kiểu đồng phục. Quần áo của anh ấy đậm chất văn phòng, dù kết hợp với những đôi giày lạ. Về mặt tâm lý, cứ khi nào Raf Smons xuất hiện với quần short ở văn phòng, điều đó sẽ đánh dấu một bước ngoặt cho bộ sưu tập. Khi mặt trời lặn, Raf cảm thấy thoải mái để mặc quần short tại Dior".
Giám đốc sáng tạo của Dior còn là một người thích âm nhạc. Anh thường nghe nhạc to và là fan của Plastikman, Nine Inch Nails: "Đó là 'cơn ác mộng' với chúng tôi vì không thể tập trung vào những gì mình đang làm phim. Anh ấy sẽ bật nhạc lên và hát rất to theo lời bài hát. Đội ngũ của anh ấy nhận ra sự đáng yêu ở vị giám đốc nhưng cũng khó để họ tập trung".
Nghệ nhân nhỏ bé và những điều độc đáo ở xưởng may Dior
Đạo diễn tâm sự: "Tôi đã có trực giác từ khi thực hiện phim tiểu sử Valentino: The Last Emperor (Frederic Tcheng là đồng sản xuất), những nghệ nhân nhỏ bé lại là những con người vĩ đại, là trung tâm của những gì tôi muốn thể hiện trong phim. Tôi bị hấp dẫn bởi những gì Raf làm ở Jil Sander. Tôi biết rằng, nếu anh ấy nhận việc tại Dior, bộ phim sẽ có tiềm năng lớn với sự gặp gỡ của hai nền văn hóa: Cách suy nghĩ hiện đại của Raf và cách những người con người nhỏ bé ở Dior tiếp cận. Tôi bị cuốn theo bởi tình cảm của những nghệ nhân ấy. Họ nói về một chiếc váy họ đang làm như chính đứa con của mình vậy. Vì thế, sẽ có những băn khoăn về truyền thống với hiện đại".
Frederic Tcheng cho rằng, thế giới giải trí và thời trang có thể bị thổi phồng bởi những scandal nhưng ở đó vẫn hiện diện đầy đủ những con người cần cù và khiêm tốn. Dior và tôi giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới ấy.
Những người ở xưởng may Dior rất có đầu óc sáng tạo. Họ tận tâm hết mình cho công việc. Đạo diễn Frederic hi vọng bộ phim sẽ đem đến cho mọi người một góc nhìn khác về thời trang, giống như một loại hình nghệ thuật tập thể, chứ không chỉ là sự thể hiện của một người như các phương tiện truyền thông thường nói đến.
Giám đốc sáng tạo và đội ngũ trong xưởng may đang hoàn thành một bộ cánh. |
Trong phim, có hình ảnh của những thợ may trưởng Florence Chehet và Monique Bailly. Họ đã làm việc ở Dior khoảng 4 thập kỷ. Đạo diễn nói rằng: "Tôi đã học được rất nhiều từ họ, khám phá ra công việc thực sự đằng sau Couture. Họ rất khiêm tốn và có sự cống hiến cao cả. Florence mất 2 giờ mỗi ngày để đi làm. Cô ấy sống ở miền Trung nước Pháp. Chúng tôi phải thuê một khách sạn trong cánh đồng lúa mỳ để quay phim về cô ấy".
Những người trong xưởng may, không phải ai cũng nhút nhát: "Lulu, một người phụ nữ chịu trách nhiệm về phần cúc, khóa kéo và mannequin rất muốn được xuất hiện trước camera. Cô ấy thậm chí đã tranh cãi với một thợ may khác về chuyện này".
"Cánh tay phải" của Raf, trưởng studio thiết kế Pieter Mulier cũng là một người không thể không nhắc đến: "Ông ấy quản lý quá nhiều việc nhưng luôn kèm theo một nụ cười. Ông ấy là một người quan trọng, giữ nhiều mấu chốt. Ông ấy luôn quyến rũ, mê hoặc tất cả mọi người".
Hành trình làm phim khó quên của đạo diễn
Bộ phim được quay trong 8 tuần với 270 giờ quay, là những trải nghiệm không thể nào quên với Frederic Tcheng. Làm phim là một cuộc phiêu lưu lớn với Frederic cũng như chính bản thân những câu chuyện trong đó.
Sở dĩ, đạo diễn muốn thực hiện phim tài liệu về Dior bởi bản thân anh là một người Pháp, và Dior luôn là một nhà mốt huyền thoại trong lòng anh: "Không ai ở Pháp không biết đến Dior. Đó thực sự như một phần di sản của nước Pháp. Khi Raf Simons đến, tôi biết rất ít về anh dù đã biết tới những mẫu quần áo của anh ấy. Những bài phỏng vấn hiếm hoi về anh vô cùng hấp dẫn với tôi. Sự cẩn thận trong quá trình sáng tạo và sự ảnh hưởng độc đáo của anh ấy làm tôi bị thu hút".
Trong một phiên bản của bộ phim, Frederic Tcheng có nói về John Galliano (tiền nhiệm của Raf Simons tại Dior) trước khi John phải sống lưu vong vì vụ việc phỉ báng người Do Thái, nhưng sau đó vị đạo diễn thấy điều đó không có ý nghĩa với bộ phim. Chuyện xảy ra trước khi Raf đến và đó không phải là thực tế hiện tại. Raf Simons đã đào sâu tinh thần giai đoạn 10 năm đầu tiên của nhà mốt, đó chính là điều nên tập trung.
Mọi người làm việc chăm chỉ trong xưởng may Dior. |
Frederic Tcheng chia sẻ: "Khi nghiên cứu để làm phim, tôi tìm thấy một cuốn tự truyện nhỏ màu xám của ngài Christian Dior miêu tả cảm xúc cũng như công việc thiết kế với nhiều chi tiết hấp dẫn. Tôi đọc nó vào ban đêm sau một ngày dài quay tại xưởng, và nhận thấy ngày hôm ấy giống hệt như trong cuốn truyện. Có một mối liên hệ thú vị giữa quá khứ và hiện tại, cảm giác như lịch sự lặp lại, nhưng đó là một cuộc hành trình mới của thương hiệu và những con người đi qua nó".
Frederic lo lắng đoàn làm phim có thể làm gián đoạn quá trình sáng tạo của mọi người trong nhà mốt, vì vậy trong thời gian "nan giải" để làm nên bộ sưu tập đầu tiên của Raf ở Dior, có hai nhân viên quay phim đã quay bí mật và hạn chế tối đa sự quan tâm của mọi người".
Khi thực hiện xong bộ phim, Frederic muốn chứng kiến giây phút Raf xem nó, nhưng nhà thiết kế nói rằng muốn được xem một mình trong phòng khách. Vì vậy, đạo diễn gửi cho Raf một DVD. Sau đó, Raf gửi một tin nhắn cho Frederic nói rằng, anh rất xúc động bởi những câu chuyện được xem, ngay cả khi đó là những khoảnh khắc rất cá nhân và đầy khó khăn, anh nhận thấy chính mình ở trong đó.
Quá trình thực hiện công phu, những người thật, việc thật và niềm đam mê thời trang trong một thế giới tưởng chừng bí ẩn để lại nhiều cảm xúc đặc biệt trong lòng người xem.
Trailer phim tài liệu "Dior và tôi":
>> Xem thêm một số hình ảnh trong phim
Lana
Hé lộ bí mật thời trang qua phim 'Dior và tôi' - Ngôi sao