Không riêng gì Singapore mà không có một sân bay châu Á nào có quy định là phải giải thích cho du khách lý do bị từ chối nhập cảnh cả.
Song Nhi
Sáng nay vô tình đọc được bài viết ''Một ngày khổ sở của tôi ở sân bay Singapore vì bị đuổi về nước'' của bạn Nguyen Ha. Bạn chia sẻ về chuyện bị từ chối nhập cảnh vào Singapore mà không biết vì lý do gì? Vì không có một lời giải thích nào cả. Trong khi bạn có đầy đủ những thứ liên quan của một du khách. Kèm theo là đó là những comments bày tỏ sự thất vọng của nhiều độc giả. Tôi thấy ngạc nhiên vì trong mười năm nay tôi không nhớ nổi mình đã đi tới Singapore bao nhiêu lần, giữa những khoảng cách gần nhau. Tôi từng có một thời gian sống bên ấy và quen khá nhiều bè bạn. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp một trở ngại nào ở nơi này. Ngược lại với cá nhân tôi thì đây là một trong những sân bay tốt nhất mà tôi từng đi qua.
Tôi biết khá nhiều về luật pháp nước này vì từng có tìm hiểu qua nhưng để cho chắc chắn tôi quyết định đem câu chuyện trên đi hỏi anh trai của một người bạn. Anh hiện giữ một vị trí trong khâu hải quan xuất nhập cảnh. Đây là những gì tôi góp nhặt được sau cuộc nói chuyện. Tôi đưa nó lên đây để chúng ta có thêm kinh nghiệm cho những chuyến du lịch của mình. Cũng như có một cái nhìn khách quan hơn thay gì chỉ nghe từ một hướng. Tôi không có ý định giải thích hộ hay thêm vào bất cứ chính kiến cá nhân nào khác.
Thông thường một du khách quốc tịch Việt Nam quá cảnh vào Singapore để đi qua Malaysia phần đông nằm trong những lý do như sau:
1. Mua vé khứ hồi vào Singapore. Ví dụ một tuần ở Singapore vài ngày rồi sang Malaysia chơi. Sau đó trở ngược về Singapore và về Việt Nam. Trường hợp nhiều người đi hãng vé rẻ thì họ bỏ vé và đi thẳng từ sân bay tại Kualalumpur về Việt Nam.
2. Vào Singapore nhưng có visa của Malaysia (visa dạng hôn nhân, visa dạng kinh doanh, làm việc) có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ được nhập cảnh vào Malaysia. Bởi vì nếu chỉ là vé máy bay thì đồng nghĩa với việc bạn vẫn có nguy cơ bị Malaysia từ chối nhập cảnh ở cửa khẩu biên giới. Lúc đó bạn vẫn phải ở lại Singapore trong khi không có vé khứ hồi Singapore. Luật pháp tại quốc đảo sư tử không chấp nhận điều này. Giả dụ bạn không có đủ tiền trong người để mua vé về Việt Nam thì chẳng lẽ Singapore lại phải đi lo giải quyết.
3. Bạn vào Singapore để đi qua bang Johor Bahru nằm giáp ranh biên giới thuộc Malaysia. Tức là gia đình người quen của bạn ở bang này. Sau khi vào Singapore bạn đi bus, taxi, hay có người nhà đón bên ngoài sân bay Singapore. Để đi tiếp qua Johor Bahru đi tắt kiểu này này gần hơn đi từ Kuala Lumpur ngược lại.
Ảnh minh họa. |
Bạn Nguyen Ha đã chia sẻ: ''... trước đó, tôi đã dành bao nhiêu thời gian để chuẩn bị, tốn tiền vé máy bay, xin nghỉ phép...''. Đã dành thời gian chuẩn bị lẽ nào bạn không biết hằng ngày có hàng chục chuyến bay đủ mọi giá cả của VN bay thẳng qua Malay vì thời gian bay không tới hai giờ đồng hồ thì tại sao bạn lại đi mua vé quá cảnh qua Singapore trong 22 giờ. Đây là lý do đầu tiên khiến người ta nghi ngờ mục đích nhập cảnh của ở Singapore. Bởi vì gần như không có ai đi cái cách ấy bao giờ. Nói thẳng là họ nghi ngờ bạn không thể nhập cảnh vào Malaysia bằng đường hàng không nên tìm cách vào Singapore sau đó nhập cảnh qua Malay theo đường bộ thông qua biên giới của hai nước.
Có thể bạn thấy mình bị xúc phạm khi họ nghi ngờ như thế. Nhưng đó là quyền của họ, họ có quyền nghi ngờ để ngăn chặn những cái có thể phát sinh vì đó là chức trách và nhiệm vụ của họ. Bởi thực trạng cái kiểu người Việt nhập cảnh chui qua Malay kiếm việc làm bằng hình thức quá cảnh ở Singapore không mới mẻ gì và thường xuyên xảy ra. Hoặc lách luật để được ở thêm Singapore bằng cách ở đó hết thời hạn được cho nhập cảnh. Sau đó qua biên giới Malaysia ở vài ngày bằng đường bộ và mua vé để nhập cảnh ngược về Singapore cũng bằng đường bộ. Thông qua cửa khẩu ở biên giới hai nước này. Đa số những người đó rơi vào trường hợp kiếm việc làm ngắn ngày ở Singapore. Dĩ nhiên như thế gọi là làm lậu trốn thuế và vài công việc tế nhị mà tôi không tiện nêu lên đây.
Mặc dù có rất nhiều cảnh sát hải quan vì tình người với nhau mà giải thích vắn tắt với bạn lý do. Ví dụ như: ''bạn không thể nhập cảnh vì hành trình bay có vấn đề''. Cái mấu chốt ở đây là họ không thèm giải thích với bạn. Hay là họ giải thích vắn tắt mà trong phạm vi ngoại ngữ hoặc lúc đang bấn loạn, bực tức bạn không hiểu kịp, không nghe thấy. Dẫu cho họ không giải thích cho bạn lý do họ cũng không hề sai. Hằng ngày có hàng chục, hàng trăm du khách mang những quốc tịch khác nhau bị từ chối nhập cảnh. Nếu cứ giải thích cho từng du khách lý do thì sân bay trở thành phòng tư vấn du lịch mất rồi. Còn cái kiểu hộ tống, canh giữ như áp giải thì không chỉ Singapore mà bất cứ nơi đâu cũng thế. Khi bị nghi ngờ về mục đích nhập cảnh hiển nhiên họ phải cảnh giác, dè chừng về mặt an ninh rồi. Chẳng có gì là khó hiểu cả. Họ đâu có đủ thời gian để phân ra không được nhập cảnh với lý do để theo đó mà đối xử với từng trường hợp.
Trước khi trách họ thì hãy tự hỏi lại là mình đã hoàn toàn đúng hết chưa về mặt hình thức thủ tục và tại sao những người khác nhập cảnh không có trở ngại gì. Chỉ cần hành trình nhập cảnh của bạn giống như số đông du khách khác. Không có điều gì khiến họ nghi ngờ. Họ tuyệt nhiên không làm khó bạn, thậm chí không hề hỏi bạn câu nào liên quan đến chuyện nhập cảnh. Dù họ có quyền được hỏi, ví dụ: Tới Singapore để làm gì, tới trong bao lâu. Bạn đã tới Singapore lần nào chưa?...
Chúng ta là khách nếu chúng ta không bằng lòng với một vị chủ nhà nào đó chúng ta có quyền đừng tới thăm viếng họ nữa. Nhưng chúng ta không có quyền bắt họ là khi chúng ta tới đều niềm nở welcome. Chúng ta là người tốt đến với mục đích du lịch thì chỉ có chính bản thân chúng ta hiểu. Còn quyền từ chối tiếp đãi ai đó mà họ nghi ngờ là thuộc về họ. Còn chuyện kỳ thị của họ đối với người Việt dĩ nhiên chúng ta bực tức khi bị như vậy. Nhưng có lửa mới có khói thật sự có quá nhiều con sâu làm sầu nồi canh. Mà tôi thiết nghĩ không cần phải nêu ra thêm. Vì báo chí đã nói nhiều rồi.
Ảnh minh họa. |
Còn đây là một số lưu ý khi bạn nhập cảnh vào Singapore:
- Vé khứ hồi rõ ràng về ngày tháng. Địa chỉ khách sạn bạn lưu trú, có giấy chứng nhận bạn đã đặt phòng rồi thì càng tốt. Dạng đi du lịch dù muốn ở một tháng bạn cũng chỉ nên mua vé hai đến bốn tuần. Dù cho bạn cầm cái vé một tháng trên tay nhưng họ vẫn có quyền chỉ cho bạn nhập cảnh một hay hai tuần mà thôi. Không phải lúc nào họ cũng cho đúng theo cái vé bạn cầm trên tay. Tới lúc đó bạn vẫn phải đổi vé.
Bạn chỉ nên mua vé một tháng khi bạn đi Singapore với lý do thăm viếng người thân. Bạn nhớ ghi đầy đủ và rõ lý do nhập cảnh ở tờ khai, địa chỉ chính xác bạn sẽ ở khi tới Singapore. Nếu bạn ghi sai họ nghi ngờ bạn cho địa chỉ giả thì bạn vẫn có nguy cơ bị từ chối. Ghi thêm số điện thoại của người thân, mối quan hệ của bạn với người thân đó, trên một tờ giấy tay với trường hợp bạn không rành ngoại ngữ. Để khi họ hỏi bạn có cái mà đưa ra ngay thay vì lúc đó lúng túng không nhớ được hay không nói đầy đủ chính xác.
- Nhập cảnh vào Singapore dạng du khách bạn cần phải có tối thiểu 1.000 đôla Singapore hoặc 500 đôla Mỹ trong tay. Khi họ hỏi bạn chỉ cần móc ra và nói tổng số tiền đó. Họ không động vào hay đếm đâu mà bạn lo. Nhưng nếu lúc đó bạn không chuẩn bị sẵn hoặc không đưa ra được tài chính mình có trong người. Họ sẽ từ chối cho bạn nhập cảnh bởi vì không thể có chuyện đi du lịch mà không có tiền. Không phải bất cứ ai họ cũng hỏi chuyện mang theo bao nhiêu tiền. Nhưng đây là một trong những lý do bắt buộc nên họ có quyền hỏi bạn.
- Còn chuyện mời vào phòng riêng và kiểm tra dấu tay không chỉ ở Singapore mà nhiều nước khác cũng thế. Họ kiểm tra để biết có thật sự bạn chưa từng đến Singapore như bạn nói. Bạn có nằm trong diện bị cấm nhập cảnh vào Singapore không? (Bị cấm nhập cảnh vào Singapore 3 năm, 5 năm hoặc vĩnh viễn). Với trường hợp trước đây bạn từng làm điều sai quấy ở nước họ. Có nhiều người bị cấm nhập cảnh đổi hộ chiếu mới để tái nhập cảnh nên họ cảnh giác cũng là chuyện thường tình dễ́ hiểu.
Thành thật chia buồn với bạn Nguyen Ha vì gặp phải một chuyến du lịch rắc rối phiền muộn. Nhưng có trách thì trách cái nơi bán vé cho bạn đã không giải thích nói rõ cho bạn biết. Chứ chẳng có liên quan gì cái sân bay mà bắt người ta bồi thường hay kiện cáo. Bởi lịch trình bay của bạn không giống như những lịch trình bay của những vị khách thông thường. Từ Việt Nam không bay thẳng qua Malaysia mà phải quá cảnh 22 giờ ở Singapore . Bất cứ những ai từng đi du lịch hai nước này cũng đã thấy làm lạ nói gì hải quan sở tại.
Trước khi trách móc họ khó khăn trong vấn đề nhập cảnh thì xin nhớ rằng. Không phải ngẫu nhiên mà đất nước nhỏ bé ấy ngoài nổi trội về phát triển giàu có thì nền an ninh luôn được đánh giá ở mức độ chuẩn. Chính là nhờ vào sự cẩn thận, tỉ mỉ, kiên quyết về mặt luật pháp trên tất cả mọi phương diện.
Chúng ta đi du lịch ngoài việc mở mang kiến thức hoặc tham quan. Chúng ta còn đại diện cho số đông cộng đồng người Việt trong nước. Trước khi đi chúng ta cũng nên tìm hiểu kỷ đừng qúa ỷ lại để rồi rơi vào trường hợp dở khóc, dở cười thì quay ra hỏi tại sao. Chỉ cần bạn làm đúng như những người du lịch khác thì không ai từ chối bạn đâu. Ngay cả chúng ta khi đi tham quan một nơi nào đó trong nước cũng cần phải nắm rõ nội quy, quy tắc nơi đó. Nếu làm không đúng thì cũng sẽ không được vào tham quan nói gì chuyện đến một đất nước khác. Muốn người ta không kỳ thị và nhìn mình bằng một thái độ khác thì trước tiên hãy làm một du khách biết luật , khôn ngoan và am hiểu.
Hy vọng những điều chia sẻ trên giúp ích được cho những vị du khách khác khi có ý định đến tham quan đảo quốc sư tử Singapore.
Những lý do khiến bạn bị từ chối nhập cảnh vào Singapore - Ngôi sao