Phong cách

Facebook xôn xao chuyện bệnh nhân tàn phế sau mổ sạn thận

Câu chuyện cụ bà ở Củ Chi (TP HCM) mổ sạn thận sau đó lại bị đoạn chi đang được cộng đồng quan tâm.

Theo thông tin được chia sẻ, đầu năm 2009, bà Trần Thị Hu (sinh năm 1961, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM) bị sạn thận lên cơn đau dữ dội, gia đình đưa bà đến Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã đưa bà đi phẫu thuật để lấy sạn thận. Sau khi phẫu thuật, tỉnh dậy bà thấy tay chân tím tái, người mệt khó thở.

Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi chuyển bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tuy nhiên, do tình trạng tay, chân của bà đang dần hoại tử, để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy buộc phải đoạn cả tứ chi. 

tranh-cai-5779-1442030777.jpg

Thuật lại câu chuyện với nhà báo, bác sĩ Huỳnh Văn Hy, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 9/1/2009 trong tình trạng mủ quanh thận do sỏi thận, sốt, đau hông lưng trái, mệt mỏi. Người bệnh còn vật vã, tiếp xúc chậm, da nổi bông tím, mạch chỉ còn 88 lần/phút, huyết áp rất thấp, nhịp thở chậm. 

Bệnh viện đã điều trị chống sốc, dùng thuốc vận mạch, bù dịch điện giải, kháng sinh, bệnh nhân tạm ổn  được chuyển vào khu điều trị hồi sức tích cực để tiến hành hội chẩn. Các bác sĩ đã chẩn đoán, bệnh nhân bị nhiễm trùng đường niệu quản bên trái, thận ứ nước độ 2.

Ca phẫu thuật thành công. Các bác sĩ đã lấy được sỏi niệu quản, đặt ống thông niệu quản dẫn lưu ra nhiều mủ đục. Tuy nhiên, đến 5h20 ngày 11/1, bệnh nhân bị đau nhức ở các đầu chi, tay chân lạnh, nhiều ban tím rải rác ở cẳng tay và cẳng chân.

Bệnh viện tiến hành hội chẩn và kết luận, bệnh nhân bị biến chứng tắc mạch chi, tiên lượng nặng nên chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, biến chứng tắc mạch chi  và được chỉ định cắt cụt tứ chi.

Hội đồng chuyên môn của bệnh viện sau đó được thành lập và nhận định, việc biến chứng tắc mạch chi là do hậu quả của quá trình sốc nhiễm trùng một trong những biến chứng nặng nề có nhiều khi xảy ra nhiễm trùng huyết do sỏi niệu quản và thận trái ứ nước độ 2. Trước khi mổ bệnh viện đã tư vấn cho người nhà bệnh nhân đây là một ca nặng, bệnh nhân bị sốc là do mủ quanh thận. 

Không đồng ý với các lý giải của bệnh viện, người nhà bệnh nhân gửi đơn kiện đến cơ quan chức năng cho rằng, bác sĩ đã thiếu trách nhiệm trong quá trình phẫu thuật sạn thận đã làm tắc nghẽn mạch máu, máu không lưu thông để nuôi tứ chi dẫn đến bị hoại tử và phải cắt bỏ cả tay lẫn chân. 

Câu chuyện sau đó lan truyền trên mạng xã hội với nhiều luồng ý kiến khác nhau, song phần lớn đều cho rằng các bác sĩ làm không sai. 

Theo một bác sĩ công tác hơn 20 năm trong lĩnh vực Thận - Niệu tại một bệnh viện lớn ở TP HCM, việc bệnh nhân được chỉ định dẫn lưu mủ do nhiễm trùng là hoàn toàn hợp lý. Việc làm này không liên quan đến việc bà Hu bị thiếu máu nuôi các chi dẫn đến đoạn chi.

Theo Facebook Chống bạo hành y tế, các bác sĩ cũng cho rằng, về mặt nguyên tắc y khoa, khi muốn điều trị nhiễm trùng, việc dẫn lưu ổ nhiễm trùng là yêu cầu bắt buộc và có tầm quan trọng quyết định sự thành bại của điều trị. Theo nguyên tắc đấy, bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đã hoàn toàn đúng khi thực hiện cuộc mổ dẫn lưu mủ thận. Việc thiếu máu nuôi dẫn đến phải đoạn chi của bệnh nhân không do cuộc mổ dẫn lưu mủ gây ra.

"Là một bác sĩ phẫu thuật, đã từng xử lý nhiều trường hợp 'thập tử nhất sinh' như thế này, tôi từng không phân vân, tính toán, chỉ biết đặt mạng sống của bệnh nhân lên trên hết giống như các bác sĩ ở Củ Chi khi cấp cứu cho bệnh nhân này", một bác sĩ viết.

Mr True

NgoiSao.net

Facebook xôn xao chuyện bệnh nhân tàn phế sau mổ sạn thận - Ngôi sao


© 2021 FAP
  5,611,273       100/1,353