Kinh tế

Vụ sập cầu Ghềnh: Phấn đấu khôi phục vượt tiến độ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình khắc phục sự cố cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh).



Vụ tai nạn làm sập cầu Đồng Nai lớn ngày 20/3 là sự cố hết sức nghiêm trọng, gây ách tắc hoàn toàn tuyến vận tải đường sắt đoạn từ ga Biên Hòa đến ga Sóng Thần và tuyến đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai.
Nhịp cầu Ghềnh cuối cùng được đơn vị trục vớt tháo dỡ thành công đưa lên sà lan đến nơi tập kết. (Ảnh: TTXVN)
Nhịp cầu Ghềnh cuối cùng được đơn vị trục vớt tháo dỡ thành công đưa lên sà lan đến nơi tập kết. (Ảnh: TTXVN)
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo triển khai quyết liệt và tích cực trong công tác khắc phục; bảo đảm tổ chức vận tải ổn định, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chủ hàng và hành khách đi tàu; bảo đảm vận tải và an toàn giao thông đường thủy.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất phương án khôi phục cầu Đồng Nai lớn và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư theo lệnh khẩn cấp, bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016.

Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã huy động các đơn vị chủ lực của ngành thường trực tại hiện trường, thực hiện cơ chế phối hợp tại chỗ, liên tục, vừa thiết kế, vừa thi công, giám sát; đến nay, đã chỉ đạo hoàn thành một số công việc đạt và vượt tiến độ dự kiến.

Để sớm thông tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bố trí phương án tổ chức chạy tàu, phối hợp điều chỉnh phương thức vận tải hợp lý, bảo đảm thuận lợi nhất cho hành khách và chủ hàng.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp, hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong công tác tổ chức vận tải, trung chuyển hành khách và hàng hóa.

Về công tác khôi phục cầu Đồng Nai lớn, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành giao ban, kiểm tra thường xuyên, kịp thời đánh giá để đề ra và thực hiện các biện pháp tối ưu, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công tích cực hơn nữa, phấn đấu hoàn thành khôi phục khẩn cấp cầu Đồng Nai lớn vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, tuyệt đối an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương chỉ đạo thực hiện và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng kịp thời tiến độ dự án; có phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông đường thủy trong quá trình thi công.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương rà soát các cầu trên các tuyến đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh để có phương án phân kỳ đầu tư cải tạo, nâng cấp nhằm xóa bỏ các cầu yếu; trước mắt, rút kinh nghiệm từ công tác khắc phục sự cố nêu trên, ưu tiên triển khai cải tạo, nâng cấp ngay một số cầu yếu có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Phấn đấu trước năm 2020, xóa bỏ hoàn toàn cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, tập trung xóa bỏ đường ngang dân sinh qua đường sắt và các vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các tuyến đường sắt trên địa bàn./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,153,642       1/961