Kinh tế

Môi trường kinh doanh Việt Nam đang tốt dần lên

Tham gia nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ nhiều năm nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI là một trong những người nắm rõ nhất về sự chuyển động của môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư tại Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp.

Sau 11 năm, PCI đã trở thành báo cáo thường niên uy tín nhất về môi trường kinh doanh Việt Nam, được các nhà đầu tư xem như một “sách trắng” về kinh doanh tại Việt Nam.

Kết quả PCI năm 2015 sau khi điều tra hơn 10 ngàn doanh nghiệp (chủ yếu là dân doanh) tại Việt Nam cho thấy nhiều điểm sáng, cũng cho thấy nhiều điểm đáng quan ngại trong bối cảnh Việt Nam gia nhập rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Nhưng theo đánh giá tổng thể thì môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tốt dần lên.

 * Đã có nhiều cải cách mạnh mẽ hơn

 Ông hài lòng nhất ở những điểm chính nào trong kết quả PCI năm 2015? Và không hài lòng ở những điểm nào?

- Với PCI năm 2015, tôi thấy hài lòng nhất là có một số lĩnh vực có sự cải cách mạnh mẽ, chẳng hạn như gia nhập thị trường. Lĩnh vực này được nhiều tỉnh, thành thực hiện khá tốt trong những năm qua. Trước đây, đăng ký thành lập doanh nghiệp thời gian từ 3-5 ngày, chỉ một số nơi làm được. Song năm 2015 đã có nhiều tỉnh, thành thực hiện được. Tôi đánh giá đây là một trong những điểm thành công.

Ngoài ra, một số điểm khác cũng đã có chuyển động là tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính nhanh gọn, thái độ công chức tận tình tăng lên, dù chưa được như kỳ vọng. Tỷ lệ sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng website, truy cập các website tăng, điều này giúp việc ứng dụng trong cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thủ tục sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng còn những điểm chưa tốt, như vấn đề gia tăng chi phí không chính thức. Khi doanh nghiệp làm hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn gặp phiền hà, nhũng nhiễu. Nhưng theo đánh giá tổng thể của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tốt dần lên.

 Những năm gần đây, các tỉnh “ngôi sao” như Đồng Nai, Bình Dương lại có thứ hạng không cao trong xếp hạng năng lực cạnh tranh. Theo ông, nguyên nhân do chính quyền lơ là hay những doanh nghiệp ở những tỉnh “ngôi sao” đòi hỏi quá cao?

- Theo tôi, cần nhìn rõ PCI là do các doanh nghiệp dân doanh, tư nhân trong nước đánh giá, còn doanh nghiệp FDI thì chúng tôi chỉ tập trung ở một số tỉnh, trong đó có Đồng Nai. Doanh nghiệp dân doanh, tư nhân đánh giá thì những trải nghiệm, những cảm nhận khác với các nhà đầu tư nước ngoài. Những con số thành tích về thu hút đầu tư của Đồng Nai vừa qua chủ yếu là do doanh nghiệp FDI tạo ra. Đồng thời, cũng xin nhấn mạnh điều tra PCI là đánh giá chất lượng điều hành của bộ máy của thủ tục hành chính. Một nhà đầu tư khi chọn đầu tư sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, như: vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng chứ không riêng chất lượng điều hành. Đây là lý do dù xếp hạng không cao nhưng Đồng Nai vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng nếu Đồng Nai chú ý cải thiện chất lượng điều hành thì sẽ thu hút được đầu tư nhiều hơn nữa, đặc biệt là những nhà đầu tư công nghệ cao.

 Chi phí “bôi trơn” cho thủ tục hành chính hiện vẫn rất cao, trong thực tế có hơn 65% doanh nghiệp tham gia cho biết họ phải “bôi trơn”, thậm chí nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải chi hơn 10% doanh thu cho chi phí này. Con số này trong những năm gần đây lại có chiều hướng gia tăng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Điều tra PCI những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức đã tăng từ 50% năm 2013 lên hơn 65% vào năm 2015 quy mô của chi phí không chính thức cũng tăng từ 10% lên 11% (trên tổng doanh thu). Dấu hiệu này rất đáng lo ngại.

Tuy xếp hạng PCI thứ 37/63 tỉnh, thành nhưng Đồng Nai vẫn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất. Vì là nơi có giao thông thuận lợi, hạ tầng các khu công nghiệp hoàn thiện, gần cảng biển và trong tương lai gần sẽ có cảng hàng không mang tầm khu vực. Đồng Nai cũng gần TP.Hồ Chí Minh nên doanh nghiệp có nhu cầu lao động công nghệ cao cũng dễ dàng hơn. Các yếu tố này không đưa vào tiêu chí xếp hạng PCI.

Cách để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp là minh bạch hóa tất cả các quy trình của thủ tục hành chính trên các website, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với cán bộ có quyền. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, tăng giám sát để kịp thời chấn chỉnh. Bên cạnh đó, giảm tham nhũng còn liên quan đến việc tuyển dụng nhân lực giám sát để cán bộ nhà nước không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng. Trong đó, không cần tham nhũng liên quan đến vấn đề lương bổng, nếu lương cao đủ cho công chức nhà nước sống đàng hoàng, sống khỏe thì tham nhũng sẽ giảm. Và để công chức “không muốn, không dám và không thể tham nhũng” thì luật pháp nhà nước phải quy định rõ ràng, nghiêm, không có kẽ hở. Về phía doanh nghiệp vừa là chủ thể, vừa là nạn nhân, tác nhân của tham nhũng thì cần xác lập văn hóa kinh doanh không dựa trên việc chạy chọt, xin xỏ mà phải dần dần xây dựng các chuẩn mực kinh doanh theo thế giới.

* 4 -5 năm thay đổi tiêu chí một lần

 Theo ông, có sự mâu thuẫn nào giữa việc chúng ta hô hào thu hút FDI và tự đánh giá là môi trường đầu tư hấp dẫn, trong khi nghiên cứu của VCCI cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam còn kém hơn cả Lào và Campuchia?

Nhiều năm nay, dưới con mắt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì Việt Nam là nơi có chi phí lao động, đất đai, thuế, điện, xử lý môi trường rẻ. Những năm trước, VCCI có hỏi các nhà đầu tư nước ngoài những yếu tố nào họ chọn đầu tư vào Việt Nam, rất buồn họ nói yếu tố đầu tiên là giảm chi phí, không có yếu tố nào là chất lượng điều hành tốt. Điều chúng ta cần phải suy ngẫm là thời gian tới, Việt Nam khó chấp nhận luồng đầu tư lao động giá rẻ, xử lý môi trường thấp. Vì theo xu hướng phát triển, trong tương lai Việt Nam cần những nhà đầu tư có chất lượng cao, việc này đồng nghĩa với môi trường kinh doanh cải thiện tốt hơn để Việt Nam nằm trong chuỗi sản xuất cao hơn của toàn cầu.

- Theo tôi thì không có mâu thuẫn nào trong đánh giá này. Hiện Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, song theo nghiên cứu thì xu hướng trên có dấu hiệu giảm. Kết quả nghiên cứu của VCCI năm 2011, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam rất cao, nhưng gần đây lại có xu hướng giảm và phàn nàn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng lên. Vì thế, là những người nghiên cứu, chúng tôi nói đến xu hướng để nhà nước chú ý, thời gian tới có những chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, đặc biệt là những nhà đầu tư có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ cao. Số đông những nhà đầu tư này chọn những nơi chất lượng điều hành tốt, môi trường đầu tư minh bạch, không tham nhũng.

 Các tiêu chí của PCI hiện tại, theo ông có cần thay đổi hay cải tiến cho phù hợp hơn không?

- Hiện tại nhóm nghiên cứu của VCCI đang gặp tình trạng là chúng tôi vừa muốn ổn định phương pháp để nhất quán từng năm, nhưng vừa muốn cập nhật những thay đổi rất nhanh tại các tỉnh cho phù hợp. Nếu năm nào cũng thay đổi thì không đáp ứng được tính nhất quán, nhưng chỉ duy trì những cái nhất quán sẽ trở nên lạc hậu với môi trường kinh doanh của các địa phương nên giải pháp của VCCI là 4-5 năm rà soát thay đổi một lần.

 Với Đồng Nai, ông có góp ý riêng gì không?

- Qua kết quả đánh giá PCI năm 2015, điểm sáng trong môi trường kinh doanh của Đồng Nai là thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm, bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp nhận được nhiều đánh giá tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều bước tiến, doanh nghiệp đã tin tưởng hơn vào các thiết chế pháp lý tại địa phương, môi trường kinh doanh minh bạch hơn, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến và gánh nặng thanh kiểm tra giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo tôi thời gian tới Đồng Nai cần tiếp tục tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp dân doanh, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, nâng chất lượng giáo dục phổ thông, dạy nghề, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính. Đồng thời, phát huy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, giải quyết các vướng mắc phát sinh kịp thời và chú trọng đến công tác truyền thông hơn nữa... Những yếu tố trên giúp Đồng Nai tăng thu hút nhà đầu tư hơn nữa và xếp hạng năng lực cạnh tranh những năm sau cải thiện nhiều hơn.

 Xin cảm ơn ông!

K. Ngân - H. Giang (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,147,158       7/891