Kinh tế

Đưa thanh long Đồng Nai xuất ngoại

Ông Huỳnh Tấn Danh, nông dân tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) đầu tư trồng 10 hécta thanh long ruột đỏ vì loại đặc sản này cho lợi nhuận cao.

Ngoài ra, gia đình ông còn mở vựa thu mua trái cây, trực tiếp ký hợp đồng cung cấp thanh long cho doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mặt hàng này để có đầu ra ổn định.

* Đầu tư trồng đặc sản

Ông Huỳnh Tấn Danh kể: “Tôi là người “một kiểng ba quê” vì vốn dân gốc ở tỉnh Bình Dương, làm ăn khó khăn mới dắt vợ con xuống miền Tây kiếm sống. Vài năm trước, tôi lại đến Đồng Nai mua đất lập vườn trồng thanh long ruột đỏ”. Ông Danh có 8 người con, ông cho các con học đủ nghề: làm thợ bạc, tổ chức dịch vụ chuyên đào đầm, ao tôm, buôn bán... Nhưng rồi bản thân ông và mấy người con trai vẫn chọn cái nghiệp nhà nông với khát vọng làm giàu từ đất. Ông chọn cây thanh long ruột đỏ vì loại đặc sản này không chỉ được thị trường nội địa ưa chuộng, mà cơ hội xuất khẩu cũng rất lớn. Thổ nhưỡng và khí hậu đất Đồng Nai lại rất phù hợp để phát triển giống thanh long này.

Ông Huỳnh Tấn Danh giới thiệu lô hàng thanh long cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu.  Ảnh: B.Nguyên
Ông Huỳnh Tấn Danh giới thiệu lô hàng thanh long cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên

Qua tuổi 60, ông không ngại bắt tay vào việc mới, từ học kinh nghiệm chăm sóc cây giai đoạn đầu phát triển đến khi cây cho thu hoạch. Với mục tiêu trồng đặc sản cho thị trường xuất khẩu, ông không ngại vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân tự động; đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, chăm chút cho khâu kỹ thuật để vườn cây cho thu hoạch trái vụ, đạt năng suất cao. Ông Danh chia sẻ: “Tiêu chuẩn của trái thanh long xuất khẩu rất khắt khe, phải chuẩn cả về chất lượng ngon và hình thức đẹp. Quan trọng nhất là khâu “vuốt tai” để các tai trên trái phải dài, vẫn giữ được màu xanh khi trái chín”. Nhưng giá thanh long xuất khẩu thường cao gấp đôi hàng chợ nên ông không chạy theo năng suất mà đầu tư về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhất là khâu xử lý trái nhằm tăng dần tỷ lệ trái đạt chuẩn xuất khẩu.

* Tự đi bán hàng

Ông Danh cho biết, chỉ riêng gia đình ông và họ hàng quen biết đã phát triển được hơn 20 hécta thanh long ruột đỏ. Vườn thanh long đạt cả về năng suất và chất lượng nhưng có những mùa lợi nhuận chẳng bao nhiêu vì giá cả bấp bênh vì mình phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Chính vì vậy, người con trai của ông đã lặn lội chở thanh long ra tận tỉnh Bình Thuận tìm doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu. Khi có doanh nghiệp thu mua, lão nông chỉ quen trồng trọt này quyết định mở vựa thu mua trái cây cung cấp hàng cho thị trường xuất khẩu. Dần dần, gia đình ông mở rộng được các nguồn tiêu thụ, hàng tuyển cung cấp cho các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, hàng loại 2, loại 3 đưa về các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh hay cung cấp cho các vựa trái cây tại một số tỉnh miền Tây.

Khi đã có đầu ra ổn định, gia đình ông không chỉ thu mua thanh long cho nông dân tại địa phương mà ngày càng mở rộng ra các địa bàn lân cận, như: Trảng Bom, Xuân Lộc... Theo ông Danh, vài năm trở lại đây diện tích thanh long ruột đỏ tại Đồng Nai tăng rất nhanh, nông dân ngày càng giỏi nghề, lại mạnh dạn đầu tư thắp đèn nên cây cho trái quanh năm. Đây là thế mạnh để trái thanh long tỉnh nhà tham gia thị trường xuất khẩu vì đạt cả về chất lượng và sản lượng. Tuy nhiên, mỗi thị trường xuất khẩu có yêu cầu khác nhau, nhất là những thị trường khó tính, như: châu Âu, Nhật Bản… rất khắt khe về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không chỉ chuộng hình thức đẹp như thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, ông không chỉ quan tâm đầu tư chuẩn hóa khâu sản xuất theo hướng an toàn tại vườn nhà, mà sẽ liên kết bao tiêu sản phẩm an toàn của nông dân với mong muốn trái thanh long Đồng Nai ngày càng rộng cửa thị trường xuất khẩu.

 Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,994,982       12/1,373