Kinh tế

Hàng Việt trong "tâm bão" FTA

Có thể nói, không một quốc gia nào triển khai cùng lúc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam hiện tại. Cơ hội mở ra rộng lớn, nhưng đồng thời cũng đang bày ra những thử thách chưa từng có...

Bài 1: "Cuộc chiến" giành thị phần

Có thể nói, không một quốc gia nào triển khai cùng lúc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam hiện tại. Cơ hội mở ra rộng lớn, nhưng đồng thời, những thương hiệu Việt còn non trẻ cũng đang đứng trước những thử thách chưa từng có. Tổng cộng đã có 15 FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết chỉ trong vòng chưa đến 10 năm qua, có FTA đã có hiệu lực, có cái chưa, hàng Việt đang xoáy trong một “cơn bão” cạnh tranh ghê gớm, trong đó câu chuyện xây dựng thương hiệu là một câu chuyện mang tính sống - còn.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn khi bước vào hội nhập. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Vân Phát.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn khi bước vào hội nhập. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Vân Phát.

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của hàng ngoại, từ sản phẩm chăn nuôi, thực phẩm đến hàng tiêu dùng, may mặc. Với lợi thế về thương hiệu, đầu tư bài bản trong khâu quảng bá, hàng ngoại đang chiếm những vị trí trưng bày đẹp nhất trên các kệ hàng siêu thị lẫn các sạp chợ truyền thống và ngày càng lấy được thiện cảm của người tiêu dùng nhờ lợi thế về giá, chất lượng, mẫu mã…

Không ít những thương hiệu Việt đang chao đảo khó khăn trước làn sóng xâm nhập mạnh mẽ của hàng ngoại. Trong đó, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ vừa mới xây dựng thương hiệu càng bị khó khăn bủa vây tứ phía, chật vật cạnh tranh để bán được hàng ngay trên sân nhà. Câu chuyện xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng đang là yếu tố sống còn với DN.

* Cạnh tranh khốc liệt

Nhiều DN sản xuất trong nước nhận xét, thị trường bán lẻ ngày càng sôi động với sự tham gia của các DN ngoại. Các tập đoàn từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... không chỉ mua lại các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại lớn mà hàng loạt các cửa hàng tiện lợi mác ngoại cũng đang dần phủ sóng khắp nơi. Hàng ngoại theo chân các nhà bán lẻ nước ngoài đang lấn dần thị trường nội địa. Càng ở những ngành thu hút được người tiêu dùng quan tâm thì áp lực cạnh tranh càng lớn. Ông Nguyễn Tử Mục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lothamilk (huyện Long Thành), nhận xét: “Cuộc chiến cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng khốc liệt. Gần đây, rất nhiều đại gia đầu tư vào ngành này rồi đành rút lui hoặc gồng mình chịu lỗ. Năm 2015, không thiếu những thương hiệu lớn cũng đang giảm lợi nhuận vì áp lực cạnh tranh với quá nhiều ông lớn nước ngoài”.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, 80-90% hàng Việt bán tại siêu thị nhưng thực chất phần lớn hàng do DN gia công cho các công ty đa quốc gia hoặc nhãn hàng riêng của siêu thị. Hàng “thuần Việt” còn lại trong các hệ thống siêu thị rất ít. Không chỉ siêu thị mà ngay cả các chợ truyền thống, các đại lý là kênh phân phối được coi là gần gũi và hiệu quả của DN Việt những năm gần đây cũng bị thu hẹp để “nhường sân” cho hàng của các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Thế mạnh của DN Việt hiện nay là dùng các nguyên liệu sẵn có trong nước để làm ra những sản phẩm mới. Bên cạnh đó, DN Việt nên chú ý khai thác những thị trường “ngách” mà các công ty đa quốc gia chưa với tay đến.

Trong cuộc chiến giành thị phần này, DN vừa và nhỏ đang trong giai đoạn gầy dựng thương hiệu càng bị bủa vây bởi muôn vàn khó khăn, áp lực; ở phân khúc cao cấp thì khó cạnh tranh được với các thương hiệu lớn ngoại nhập và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Phân khúc bình dân thì có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ chỉ chạy theo giá rẻ. Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom), lo lắng: “Chưa bao giờ thị trường Việt Nam lại rầm rộ các chương trình hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng của Nhật, Thái, các nước châu Âu... như hiện nay. Các cửa hàng tiện lợi của nước ngoài cũng “mọc lên như nấm”. Ngay cả những hội chợ ưu tiên cho hàng Việt, sân chơi cũng thuộc về các thương hiệu của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các ông lớn nước ngoài. Những thương hiệu thuần Việt của DN nhỏ và vừa còn non trẻ có chen chân vào được thì cũng khó để lại ấn tượng với người tiêu dùng vì quá nhiều thương hiệu lớn vây quanh”.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (huyện Trảng Bom; chuyên chế biến các loại rau củ, trái cây sấy), chia sẻ: “Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để sản phẩm của DN xuất hiện trên kệ hàng của các hệ thống siêu thị. Nhưng vài năm trở lại đây, sản phẩm của DN đang mất dần chỗ đứng trên các quầy kệ của siêu thị. Nhiều hệ thống bán lẻ của Việt Nam đang rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài. Theo đó, hàng ngoại, nhãn hàng riêng của siêu thị càng có nhiều lợi thế đẩy hàng Việt khỏi kênh tiêu thụ giàu tiềm năng này”.

* Tìm cách tồn tại

Để không bị loại khỏi cuộc chơi, những thương hiệu Việt đang nỗ lực bứt phá để vươn lên. Xuất hiện trên thị trường từ năm 1997, dù đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhưng Lothamilk được người tiêu dùng ủng hộ vì đây là dòng sản phẩm từ nguồn sữa tươi tự nhiên nguyên chất. Chia sẻ về mục tiêu phát triển thương hiệu sữa lâu đời gắn với đất Đồng Nai này, ông Nguyễn Tử Mục cho biết: “Hiện chúng tôi đang lập dự án đầu tư xây dựng xưởng sản xuất mới với công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài dòng sản phẩm sữa tươi thanh trùng, chúng tôi sẽ làm thêm dòng sản phẩm sữa tươi tiệt trùng và một số sản phẩm khác từ sữa tươi, có thời gian bảo quản lâu hơn, phù hợp hơn với việc mở rộng mạng lưới tiêu thụ trong cả nước”. Theo ông Mục, nhiều “đại gia” trong nước và nước ngoài chủ yếu tập trung phát triển dòng sữa bột, sữa hoàn nguyên... vì đầu tư cho dòng sản phẩm từ sữa tươi nguyên chất dễ gặp rủi ro và ít lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, Lothamilk vẫn trung thành với những dòng sản phẩm truyền thống với mong muốn giữ được lòng tin của người tiêu dùng đã gắn bó lâu nay.

 Vẫn không thiếu cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu trong thời hội nhập. Trong ảnh: Doanh nghiệp Nhật Bản thăm và làm việc tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức.
Vẫn không thiếu cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu trong thời hội nhập. Trong ảnh: Doanh nghiệp Nhật Bản thăm và làm việc tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức.

Cũng với mục tiêu tìm được chỗ đứng ngay trên sân nhà, Công ty TNHH Ngân Đại Sơn (huyện Trảng Bom), chuyên xuất khẩu các sản phẩm rào chắn cầu thang, các loại cửa..., hiện đang tập trung đầu tư mở rộng các đại lý tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Ông Huỳnh Văn Cường, Giám đốc công ty, cho biết: “Ngoài các dòng sản phẩm hiện có, DN sẽ mở rộng thêm các dòng hàng nôi trẻ em, gỗ trang trí nội thất... bán cho người tiêu dùng trong nước. Chúng tôi không chỉ đưa hàng đến đại lý chờ khách đến mua mà chủ động tìm khách hàng. Đội ngũ nhân viên tiếp thị và bản thân tôi đang tiếp cận nhiều dạng khách hàng để chào bán sản phẩm”.

Trong thực tế, cũng không thiếu những thương hiệu Việt dù còn  non trẻ nhưng vẫn tiếp cận thành công cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (Định Quán), chia sẻ: “Nhờ đầu tư chế biến sâu, đa dạng các dòng sản phẩm, như: rượu, bột, chocolate... nên DN vẫn có được chỗ đứng cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện DN đã chuẩn hóa xong quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế. Từ đầu năm nay, Trọng Đức bắt đầu xuất khẩu những lô hàng chocolate đầu tiên vào thị trường Nhật Bản. Thời gian tới, DN sẽ tập trung cho công tác quảng bá, giới thiệu để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và thế giới”.

Nhóm P.V

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,988,673       6/869