Kinh tế

Cứu cây lâu năm khỏi hạn kỷ lục

Nắng nóng vào cao điểm kỷ lục, hàng ngàn hécta cây lâu năm đang đứng trước nguy cơ mất mùa. Nguồn nước tưới cho cây lâu năm chủ yếu là nguồn nước ngầm và hiện nhiều vùng đang cạn kiệt khiến nhiều diện tích có nguy cơ chết cây hoặc vườn cây đang suy kiệt vì khô hạn.

Vườn tiêu của nông dân xã Hưng Thịnh (huyện Thống Nhất) xuất hiện tình trạng lá vàng, dây héo vì thiếu nước tưới.
Vườn tiêu của nông dân xã Hưng Thịnh (huyện Thống Nhất) xuất hiện tình trạng lá vàng, dây héo vì thiếu nước tưới.

Khắp các nơi trong tỉnh, nông dân đang nỗ lực tìm mọi biện pháp chống hạn cứu cây trồng. Bổ sung nguồn nước, tăng cường các giải pháp chống hạn cho cây trồng, sử dụng nước tiết kiệm… được cho là những giải pháp quan trọng nhất trong giai đoạn cao điểm khô hạn như hiện nay.

* Cháy hoa, khô lá

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, thời tiết ban ngày nắng nóng, đêm và sáng sớm lạnh, rải rác do sương mù đã ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu trái của một số cây lâu năm, như: điều, chôm chôm, sầu riêng, xoài... Hạn hán cũng đang gây ảnh hưởng cho một số cây lâu năm, như: cà phê, hồ tiêu. Trong đó, một số vùng cây trồng bị ảnh hưởng nặng do nguồn nước ngầm đang cạn kiệt, như: xã Phú Ngọc, Ngọc Định, La Ngà (huyện Định Quán); xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ); xã Xuân Thọ, Suối Cao (huyện Xuân Lộc)...

Ông Trần Văn Chiến, nông dân trồng tiêu tại xã Hưng Thịnh (huyện Thống Nhất), cho biết: “Cả chục năm nay, giếng khoan phục vụ nước tưới cho gần 2 hécta cà phê của gia đình tôi lúc nào cũng dồi dào nguồn nước. Nhưng năm nay, nước đang dần cạn kiệt, phải chắt từng hạt nước tưới mà vẫn không đủ nguồn cung cấp cho cây”. Điều lo lắng nhất của gia đình ông là diện tích tiêu tơ mới trồng đang có hiện tượng héo dây, lá vàng vì không đủ nước. Ông cũng vừa bán hết đàn bò gần 10 con dù bò đang rớt giá vì khô hạn thiếu nguồn thức ăn là cỏ tươi. Theo ông Chiến, năm nay năng suất tiêu vùng này giảm mạnh, hiện càng thêm khó khăn khi nhiều nhà vườn cũng đang đối mặt với tình trạng các giếng khoan ngày càng cạn kiệt, khó đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn cây vượt qua mùa khô dự kiến sẽ kéo dài trong năm nay.

Ông Trần Cao Thắng, nông dân trồng tiêu tại xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Hiện cả xã có hàng chục hécta tiêu thiếu nước tưới do các giếng khoan cạn kiệt. Nông dân phải thức đêm chờ bơm nước từ giếng lên bể để tưới cho cây vẫn không đủ nước tưới. Trong đó, nhiều nhà vườn, tiêu đã xuất hiện tình trạng vàng lá, héo dây, có nguy cơ chết khát nếu tình trạng khô hạn, nắng nóng tiếp tục diễn ra”.           

* Tập trung cứu rẫy

Cũng theo ông Thắng, nông dân đang tìm mọi biện pháp chống thất thoát nước, cứu cây trồng khỏi khô hạn, như: đào thêm giếng khoan; dùng rơm, lá cây phủ lên gốc tiêu để giữ ẩm cho đất; giăng lưới giảm độ nắng ảnh hưởng lên cây tiêu…Trong đó, các giải pháp tước tiết kiệm được đặc biệt quan tâm. Cụ thể, ngay cả những hộ đã lắp hệ thống tưới tiết kiệm cũng giảm từ 30-40% lượng nước tưới cho cây so với mọi năm. Nhiều hộ chỉ tưới cầm chừng với mục tiêu giữ được vườn cây khỏi chết vì nắng hạn. Nhằm có nguồn nước sinh hoạt và nước tưới cho cả trăm hécta tiêu của gia đình và người dân trong ấp Chà Rang (xã Suối Cao), ông Thắng và ông Nguyễn Đăng Công đã tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư đường ống và máy bơm lấy nước từ sông La Ngà cách địa phương hơn 3 km phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Ánh, nông dân tại xã Ngọc Định (huyện Định Quán), than thở: “Ở đây có người bỏ tiền đào vài giếng khoan đều không tìm ra nước. Nước sinh hoạt còn khan hiếm nên nông dân chỉ biết lo lắng nhìn vườn xoài, vườn tiêu cháy khô vì nắng. Chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương sớm đầu tư các dự án thủy lợi, nhà máy cung cấp nước sinh hoạt để mùa khô nông dân đỡ khổ”.

Chia sẻ một số giải pháp ứng phó với khô hạn cho cây lâu năm, ông Mai Văn Trị, Giám đốc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho rằng nông dân cần tăng cường các biện pháp giữ ẩm, tăng cường chất hữu cơ cho đất; che mát cho cây; ngăn chắn gió; tỉa cành, tạo tán nhằm giảm nhu cầu nước của cây... Ông Trị cũng nhấn mạnh: “Cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm nước tưới. Ở đây, nông dân nên chọn thời điểm trời mát để tưới; cần ưu tiên nguồn nước hạn hẹp cho các giai đoạn cây cần nước nhất, như: ra lá non, ra hoa, đậu trái... Sử dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt, nên tưới trực tiếp vào vùng rễ nhằm giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,142,250       5/1,177