Ông Lê Văn Tự, ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh tham gia làm bưởi GlobalGAP và VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt).
Sau gần 5 năm sản xuất bưởi sạch, trải qua nhiều thăng trầm vì làm bưởi sạch quy trình khắt khe, giá ngang bằng bưởi bình thường ở chợ, nhưng ông Tự vẫn kiên trì thực hiện. Với quy trình GAP, cứ 2 năm ông phải lấy mẫu kiểm tra và xin tái cấp chứng nhận. Dù trên thị trường nhu cầu về bưởi sạch ngày càng tăng, song thương lái vẫn mua đổ đồng, ông Tự vẫn kiên trì giữ vườn bưởi 1 héc ta làm theo quy trình GAP qua nhiều năm. Hiện ông Tự là người có diện tích làm bưởi sạch được cấp chứng nhận VietGAP lớn nhất tại huyện Vĩnh Cửu.
Ông Lê Văn Tự trong vườn bưởi VietGAP ở ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). |
Ông Tự chia sẻ: “Làm bưởi VietGAP thì quy trình chăm sóc, phun xịt thuốc đòi hỏi rất kỹ. Loại thuốc sử dụng phải đúng theo danh mục quy định, thân thiện với môi trường nên chi phí thường cao hơn các vườn không làm VietGAP. Nhưng tôi nghĩ, người tiêu dùng ngày càng cần những sản phẩm sạch, an toàn, dù khó tôi vẫn làm đúng quy trình”. Theo ông Tự, làm trái cây sạch không chỉ tốt cho người mua sử dụng sản phẩm, mà còn tốt cho cả bản thân nông dân trồng cây. Vì theo quy trình cũ, cứ cây bệnh lại phun xịt những loại thuốc trừ sâu thật độc thì người làm vườn sẽ phải chịu hậu quả trước rồi mới đến người tiêu dùng. Làm trái cây sạch dù lợi nhuận có thể bằng hoặc giảm so với sử dụng hóa chất nhưng tốt cho bản thân, người tiêu dùng và lợi cho môi trường các nhà vườn nên làm.
Gần 40 năm gắn bó với nghề nông, đã ở tuổi ngoài 60, ông Tự vẫn thoăn thoắt chăm sóc vườn bưởi, hết bón phân, tưới nước đến nhặt cỏ... Hầu như ngày nào ông cũng có mặt ở vườn bưởi. Ông Tự nói: “Cây bưởi chăm sóc tốt sẽ cho năng suất, chất lượng cao và lợi nhuận khá. Dù làm bưởi sạch có khó khăn, vất vả hơn tôi vẫn duy trì để bưởi Tân Triều không chỉ nổi tiếng ngon mà còn an toàn”.
Khánh Minh