Kinh tế

Nuôi thủy sản mùa nước mặn

Hạn hán kỷ lục năm 2016 khiến nông dân trồng lúa lo lắng vì mất mùa do nạn xâm nhập mặn. Huyện Nhơn Trạch có hàng trăm hécta đất lúa ven sông chỉ sản xuất được 1-2 vụ/năm, cho thu nhập thấp vì bị nhiễm mặn vào mùa khô. Nhiều nông dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, cua… biến khó khăn thành cơ hội làm giàu.

Hạn hán kỷ lục năm 2016 khiến nông dân trồng lúa lo lắng vì mất mùa do nạn xâm nhập mặn. Huyện Nhơn Trạch có hàng trăm hécta đất lúa ven sông chỉ sản xuất được 1-2 vụ/năm, cho thu nhập thấp vì bị nhiễm mặn vào mùa khô. Nhiều nông dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, cua… biến khó khăn thành cơ hội làm giàu.

Dù nước sông bị nhiễm mặn nặng nhưng nông dân tôm nước lợ vẫn trúng mùa, trúng giá (ảnh minh họa).
Dù nước sông bị nhiễm mặn nặng nhưng nông dân tôm nước lợ vẫn trúng mùa, trúng giá (ảnh minh họa).

Huyện Nhơn Trạch đang khuyến khích nông dân trồng lúa vùng trũng ven sông chuyển sang nuôi tôm nước mặn. Phát triển ngành nuôi thủy sản để tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài con tôm thẻ chân trắng, huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ nông dân nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản nước lợ cho lợi nhuận cao, như: nuôi tôm tích, cá chẽm, cua, con hào sữa...

* Nuôi tôm không sợ mặn

Xã Phú Hữu có nhiều diện tích đất ven sông của huyện Nhơn Trạch, là địa phương đang tích cực chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi tôm. Về ấp Rạch Bảy (xã Phú Hữu) trong những ngày hạn hán kỷ lục, nhiễm mặn này không phải là cảnh những cánh đồng bỏ hoang như trước, mà nhiều nơi nông dân đang đào ao, đắp bờ để nuôi tôm. Ông Trần Văn Chiến, nông dân có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm thẻ tại ấp Rạch Bảy, nhận xét: “Năm nay độ nhiễm mặn ở sông Đồng Nai tăng rất nhiều lần so với mọi năm. Hiện có nhiều vùng sông nhiễm mặn cao và độ mặn này có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhưng bà con nuôi tôm vẫn yên tâm thả vụ mới vì dù độ mặn có tăng thêm nữa thì con tôm vẫn sống được. Tôi hiện có khoảng 7 ngàn m2 nuôi tôm và đang dự tính thuê thêm đất để mở rộng diện tích”. 

Nói về hiệu quả của việc chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, ông Trương Văn Thần, nông dân mới chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ ở ấp này được vài năm nay, so sánh: “Hồi trước đây là vùng đất lúa, vì nhiễm mặn nên chỉ sản xuất được 1-2 vụ/năm. Nhiều vụ thu hoạch xong, gia đình tôi phải bù lỗ vì năng suất rất kém. Từ khi chuyển sang nuôi tôm, điều kiện gia đình tôi mới dần khá giả”. Theo ông Thần, tuy có vụ tôm bị dịch cũng lỗ vốn nhưng được mùa đầu tư 1 trúng gấp đôi, gấp ba nên kinh tế nhiều gia đình chuyển sang nuôi tôm ngày càng khá giả hơn. Không chỉ nông dân địa phương mà người nơi khác cũng tìm đến thuê đất để đầu tư nuôi tôm.

* Tính chuyện bền vững

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch: “Địa phương đang thực hiện đồng loạt các giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn tăng đột biến trong mùa khô năm nay. Trong đó, tập trung cho việc nạo vét kênh mương dẫn nước, trữ nước đảm bảo cho nông dân sản xuất. Việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nước lợ không chỉ giải quyết tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng mà góp phần tăng thu nhập cho nông dân”.

Theo báo cáo của UBND huyện Nhơn Trạch, thời gian qua, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn gặp không ít khó khăn do: ô nhiễm môi trường nguồn nước ngày càng tăng; tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp; biến động giá cả thị trường... Nhằm hạn chế rủi ro về dịch bệnh và biến động giá thị trường khi chỉ tập trung phát triển nuôi tôm thẻ, địa phương đang nhân rộng một số mô hình nuôi thủy sản nước lợ cho hiệu quả cao. Cụ thể, hiện Nhơn Trạch đã phát triển được 50 hécta nuôi cua thịt tại các xã Long Thọ, Phước An, Vĩnh Thanh; 300 bè nuôi hào sữa tại xã Phước An, Long Thọ. Ngoài ra, các mô hình, như: nuôi cua giống, cá bống mú, cá chẽm, tôm tích... cũng đang được nhân rộng.

Hiện toàn huyện có 2.058 hécta diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi thủy sản nước lợ gần 2 ngàn hécta. Nuôi thủy sản nước lợ cho lợi nhuận hơn hẳn với nuôi cá nước ngọt. Cụ thể, với năng suất bình quân khoảng 6 tấn/hécta/vụ, nuôi tôm thâm canh có thể đạt lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/hécta/vụ, nuôi bán thâm canh năng suất thường đạt khoảng 50% so với nuôi thâm canh nhưng lợi nhuận vẫn đạt khoảng 120 triệu đồng/hécta/vụ.

Ông Nguyễn Thanh Yên, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu, cho biết địa phương có khoảng 200 hécta đất lúa nằm ở ven sông Đồng Nai khu vực bên ngoài đê. Hiện có trên 10 hécta đã chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ cho hiệu quả kinh tế cao. Theo kế hoạch, địa phương sẽ chuyển đổi khoảng 50 hécta trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm và thủy sản nước lợ. “Chúng tôi đang triển khai việc kéo đường điện và dự kiến sẽ đầu tư đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng để bà con phát triển vùng nuôi tôm. Xã cũng đã kết nối với phía ngân hàng, bên khuyến nông cũng đưa kỹ sư về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân” - ông Yên nói.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,145,801       14/889