Kinh tế

Sẽ không thiếu điện vào cao điểm mùa khô

Bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, cùng với đó là nhu cầu về nước để sinh hoạt cũng như tưới tiêu ở vùng hạ du của các con sông.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Tài Anh.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Tài Anh.

Đây đang là bài toán không dễ của ngành điện khi phải thực hiện một lúc 2 nhiệm vụ.

Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về các phương án cung cấp điện vào dịp đỉnh điểm mùa khô năm nay.

* Hiện tại nhiều hồ thủy điện có mực nước khá thấp, ông có thể cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án phát điện như thế nào trong điều kiện này?

- Ngay từ đầu năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đánh giá đây là năm rất khó khăn trong việc cung cấp điện, đặc biệt cho các tỉnh thành phía Nam, bởi hiện tượng El Nino đã khiến việc tích trữ nước ở các hồ thủy điện không được như mong muốn.  Hiện nay mực nước ở các hồ thủy điện, nhất là khu vực miền Trung và miền Nam đang ở gần mực nước chết. Trong khi đó, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương là ưu tiên tập trung tối đa nước phục vụ cho hạ du, nhiệm vụ sản xuất điện là cuối cùng.

Để tiết kiệm nước ở các hồ chứa phục vụ cho hạ du, chúng tôi đã huy động và phát tối đa các nguồn công suất nhiệt điện dầu, như vậy chi phí cao hơn nhiều so với các nguồn khác. Sử dụng dầu để phát điện dẫn đến giá thành cao, ngành điện có sự thiệt hại nhất định, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện để giữ cho được nguồn nước cung cấp đến cuối mùa khô  này.

* Mực nước thủy điện cạn kiệt, phát điện bằng nguồn dầu cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động tối đa. Vậy vào đỉnh điểm mùa khô hạn, khả năng thiếu điện cung cấp cho sinh hoạt cũng như sản xuất có xảy ra không, thưa ông?

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cam kết với Chính phủ sẽ cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất. Chúng tôi đã có những phương án dự phòng, như: chuyển tải cao từ miền Bắc vào miền Nam qua đường dây 500kV, huy động các nguồn phát điện từ khí và nhiệt điện hiện có trong miền Nam. Việc cân đối các phương án phát điện, chúng tôi đã đưa ra và thực hiện từ rất sớm để đạt được mức tối ưu về cung cấp điện. Cụ thể, sau khi tính toán đã sớm đưa hệ thống phát điện dầu vào để giảm nguồn từ thủy điện, nên về dự phòng của hệ thống đến nay vẫn đảm bảo. Mục tiêu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đảm bảo cung ứng điện làm sao phải an toàn và đảm bảo nhất, đáp ứng cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Hiện nay, nhu cầu điện của phía Nam chiếm khoảng một nửa tổng nguồn điện của quốc gia. Toàn bộ quốc gia tiêu thụ hơn 500 triệu kWh/ngày, riêng miền Nam đã chiếm hơn 250 triệu kWh/ngày. Trong số 250 triệu kWh đó thì nhận khoảng 20-30 triệu kWh từ miền Bắc chuyển vào. Vì vậy, việc đảm bảo tiến độ các dự án dây truyền tải điện cao áp 500-220kV đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo điện cho miền Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh để địa phương hỗ trợ cho tập đoàn tháo gỡ vướng mắc đảm bảo thực hiện đúng tiến độ dự án điện cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

* Ông có những khuyến cáo gì về tiết kiệm điện ở thời điểm hiện nay?

- Chính phủ, Bộ Công thương đã có những chương trình tiết kiệm điện, lãnh đạo tập đoàn cũng đã yêu cầu mỗi cán bộ, công nhân viên của ngành điện phải gương mẫu trong việc tiết kiệm điện. Chúng tôi đánh giá lãng phí nói chung và lãng phí điện nói riêng là có tội, vì không ai được thụ hưởng. Tiết kiệm điện ở đây có rất nhiều cách mà các tổng công ty điện lực cũng đã triển khai hướng dẫn chi tiết cho người dân và doanh nghiệp. Việc tiết kiệm ở đây có lợi cho chính người sử dụng do trả tiền ít hơn và cũng giảm bới gánh nặng cho ngành điện trong việc cung cấp.

 Xin cảm ơn ông!

Khắc Giới (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,993,359       1/876